Giải mã thái độ kỳ lạ của người Nhật Bản với người nước ngoài

Những biển thông báo cấm người nước ngoài được phép mua sắm, ăn uống ở nhiều cửa hàng từ nhỏ đến lớn đã tạo nên sự khó hiểu đối với nhiều người.

21:00 29/07/2018

Bảng thông báo “chỉ dành cho người Nhật“ ở một nhà tắm công cộng Nhật Bản.

Tấm biển thông báo cấm người Trung Quốc vào cửa hàng mỹ phẩm Pola ở Nhật Bản đã từng gây nên làn sóng phẫn nộ trên các kênh truyền thông xã hội Trung Quốc hồi tháng trước. Nội dung mang tính chất phân biệt này đã gây sốc đối với nhiều người… Ít ai biết, trên thực tế, thông điệp kiểu như vậy lại đang trở nên rất phổ biến ở Nhật Bản.

Theo yêu cầu của cơ quan chức năng, trong thời hạn 24 giờ, chủ sở hữu của cửa hàng Pola phải gỡ ngay tấm biển thông báo gây tranh cãi và đình chỉ mọi hoạt động. Cửa hàng này cũng bị phàn nàn vì gây ra “những cảm giác khó chịu, bất tiện cho nhiều người” và sẽ đối mặt với hình phạt nghiêm trọng. Song, ngược lại với sự giận dữ ở Trung Quốc, vụ việc trên không khiến mấy ai quan tâm ở Nhật Bản và tin tức về tấm biển của Pola chỉ xuất hiện thoáng qua trên một số phương tiện truyền thông trước khi bị nhấn chìm trong “biển” thông tin khác.

Sự lãnh cảm của một số người dân nơi đây không làm ngạc nhiên đối với Debito Arudou, một nhà hoạt động nhân quyền sinh ra ở California và trở thành công dân Nhật Bản vào năm 2000. Phân biệt đối xử với người ngoại quốc là một thực tế đáng e ngại trong xã hội hiện đại ở “xứ sở Mặt trời mọc”, theo Arudou, tình trạng này ngày càng phổ biến hơn, thậm chí là công khai hơn.

Những năm 1980, Nhật Bản từng thảo luận rất nhiều về cách thức hòa nhập với quốc tế và hướng tới sự đa dạng hơn về chủng tộc. Dẫu vậy, cho đến gần 40 năm sau, mọi nỗ lực trên đều thất bại.

Thái độ kỳ thị đối với người nước ngoài được thể hiện rõ nét nhất trong tuyên bố của Shintaro Ishihara, người được bầu là Thống đốc Tokyo vào năm 1999. Trong một bài phát biểu trước các thành viên của Lực lượng Phòng vệ của Nhật Bản 9/4/2000, Ishihara chỉ trích các công dân người nước ngoài sẽ chỉ gây nhiễu loạn trong trường hợp thảm họa xảy ra. Mặc dù bị phản đối kịch liệt, vì sự phân biệt của mình, Ishihara chưa bao giờ nói lời xin lỗi. Ông thậm chí còn tái đắc cử ba lần trước khi nghỉ hưu vào năm 2012.

 

“Người Nhật nhìn vào người nước ngoài gần như một mối đe dọa đối với xã hội của họ”, Arudou nói. Trong khi Nhật Bản rất cần người nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động của mình do dân số già, song người nước ngoài thực tế không được chào đón.

Phong trào nói không với phân biệt chủng tộc ở Nhật Bản.

Có vô số các báo cáo cho thấy, những người chủ nhà Nhật Bản thường từ chối cho thuê căn hộ đối với người nước ngoài và do không có một luật cấm rõ ràng nào về hành vi phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch hay chủng tộc, có rất ít cách để ngăn chặn tình trạng này diễn ra. Tương tự như vậy, người nước ngoài muốn tiếp cận các cơ quan chính phủ hoặc làm việc thường bị từ chối chỉ vì vấn đề quốc tịch hoặc nhìn họ “quá Tây”.

Theo Arudou, thái độ phân biệt của Nhật Bản đối với người nước ngoài có thể nhìn thấy một cách rõ nét nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Các trường học trong nước được phép từ chối trẻ em người nước ngoài nếu họ cảm thấy không đủ khả năng giảng dạy, hoặc cảm thấy điều đó trở thành gánh nặng cho giáo viên. Điều này có nghĩa là có khoảng 20.000 trẻ em không phải là công dân Nhật Bản không được giáo dục chỉ bởi vì không được trao cơ hội học tập.

“Đối với người dân Nhật Bản, kỳ thị người nước ngoài là một điều không hay ho, nhưng hầu hết người Nhật không muốn tin rằng điều đó đang tồn tại trong xã hội của họ”, Arudou nói.

Tuy nhiên, người Nhật Bản được cho là có cái lý của mình. Nhật Bản được biết đến là một quốc gia có tinh thần dân tộc rất cao. Quốc gia châu Á này cũng giữ được giá trị văn hóa đậm đà bản sắc trong suốt nhiều thập kỷ giữa bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra. Có những ý kiến cho rằng, sự phân biệt đối với người nước ngoài cũng là một cách để họ bảo vệ sự tinh túy, hồn phách của dân tộc không bị lai căng, pha tạp; hay hơn hết là đảm bảo sự ổn định của một xã hội đồng nhất.

Trong khi các vụ bạo lực, khủng bố hay những vấn đề liên quan đến người nhập cư tại Pháp, Đức và Anh đang gây nhức nhối, các phương tiện truyền thông của Nhật Bản khẳng định, việc chống lại ý tưởng cho phép người nước ngoài định cư vĩnh viễn là một điều đúng đắn.

Nhật Bản mỗi năm thường chỉ chấp nhận một con số rất nhỏ người tị nạn hoặc người nhập cư. Các phương tiện truyền thông và công chúng nơi đây cũng tin rằng, những vấn đề đã xảy ra ở châu Âu như bất đồng, xung đột chủng tộc gây ra bạo lực sẽ không bao giờ có thể xảy ra ở đất nước họ, bởi đơn giản Nhật Bản không có người nhập cư. Điều này cũng đã được chứng minh khi Nhật Bản được biết đến là quốc gia có tỉ lệ tội phạm hay khủng bố thấp nhất trên thế giới.

Với việc sẽ trở thành chủ nhà đăng cai cúp Bóng bầu dục Thế giới năm 2019 và Thế vận hội Olympic Tokyo vào năm sau, quốc gia này đang tích cực quảng bá hình ảnh đến với thế giới như một điểm đến cởi mở, hiếu khách. Trên thực tế, “xứ sở Hoa anh đào” vẫn nổi tiếng về sự chào đón nhiệt thành đối với khách du lịch nước ngoài, vì hơn tất cả, đây là nguồn thu không nhỏ cho ngân sách.

Tuy nhiên, họ được cho là những người sẽ chào đón bất kỳ ai trên thế giới đến du lịch, công tác, nhưng việc một người nước ngoài đến sinh sống và nhập quốc tịch sẽ không phải điều khiến họ cảm thấy vui vẻ.

Nguồn: Nguoiduatin.vn

Tags:
Vì sao dù nghèo đói nhưng người Nhật không bao giờ ăn xin?

Vì sao dù nghèo đói nhưng người Nhật không bao giờ ăn xin?

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới đến Nhật sinh sống, học tập và làm việc là ước muốn của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, người Nhật họ nổi tiếng là cần cù, chịu khó với tính kỷ luật cao nhưng không phải vì thế mà đất nước này không có sự phân cấp giàu nghèo, không có người vô gia cư, thiếu ăn từng bữa. Thế nhưng, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy bóng dáng của những người ăn xin trên đường phố nước Nhật. Lý do ở đây là gì?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất