Giữ thói quen xấu của người Việt khi sang Mỹ, nam thanh niên nhận bài học 'nhớ đời'

Đọc tâm sự của anh này xong mới thấy, đúng là dân ta, nhiều người còn sống vô kỷ luật thật. Kiểu ra đường đội mũ, đi đúng luật vì để ko bị CSGT bắt phạt chứ ko phải vì sự an toàn của bản thân mình ấy. Thế nên lúc ko có CSGT thì cứ ngang nhiên mà phạm luật, dẫn đến tai nạn giao thông, bao cảnh thương tâm….

15:19 24/10/2022

Dưới đây là chia sẻ của một việt kiều ở Boston chia sẻ về những cú sốc khi mới chuyển từ Việt Nam sang sống ở nước tư bản giàu nhất thế giới:

“Việt Nam mà anh, có phải Mỹ đâu? Mà sao anh thay đổi nhiều thế từ khi sang Mỹ , nhát chết hẳn lên?”, cậu em nhún vai bảo.

Ở Việt Nam, tôi có thằng em thường hay vượt đèn đỏ khi đi xe máy. Ngồi sau nó mà run, la nó thì nó trả lời tỉnh queo: “Không có Cảnh sát Giao thông mà anh, em nhòm kỹ rồi!” Nghe tôi nói không phải vì sợ Cảnh sát mà phải chấp hành Luật giao thông thì nó nhún vai: “Việt Nam mà anh, có phải Mỹ đâu? Mà sao anh thay đổi nhiều thế từ khi sang Mỹ , nhát chết hẳn lên?” Nghe nó nói vừa tức vừa giật mình vì bắt gặp lại hình ảnh mình của bao năm trước qua cách lý sự của nó.

Hồi mới sang Mỹ tôi ở cùng nhà với một đám sinh viên Việt Nam du học. Một hôm cả bọn tổ chức mở tiệc , mời cả bạn bè tới dự nữa, đông vui lắm. Ông chủ nhà cũng dự và kéo theo một ông bạn mà qua lời giới thiệu thì ông đó làm trong ban lãnh đạo một tổ chức cộng đồng người Việt tại Boston.

Khi mọi người khui bia, cụng ly thì ông khách kia giơ tay ngăn một cô bé lại và hỏi “Cháu sinh năm bao nhiêu?” Khi nghe cô bé trả lời là năm 1990 thì ông lắc đầu: “Vậy thì cháu chưa được 21 tuổi, cháu không được uống rượu bia”. Tôi đứng gần đó nên huơ huơ tay: “Đừng lo chú ơi, con bé này dân miền Tây tửu lượng cao lắm, cháu đã từng uống với nó rồi, không sao đâu!”.

Ông khách nghiêm mặt: “Luật pháp không cho phép, mọi người nên nhớ là chúng ta đang ở trên đất Mỹ!”. Tôi phẩy tay nói với cô bé: “Cứ uống đi, đừng lo, có ai biết đâu!”. Ông khách hơi lớn tiếng nói gay gắt: “Vậy thì mọi người cứ tự nhiên còn tôi sẽ không tham gia nữa. Tôi không thể ngồi yên chứng kiến sự phạm luật. Lẽ ra tôi phải báo Cảnh sát mới đúng”. Rồi ông ấy bỏ ra về thật. Buổi nhậu sau đó vẫn tiếp diễn, cả bọn ăn uống, cười dỡn, chả ai còn để ý đến “ông khùng” (theo cách gọi của người trong bữa nhậu đối với ông khách) nữa.

Bên Mỹ nếu không có bảng cấm thì xe được phép quẹo phải khi đèn đỏ trong khi lưu thông. Một lần đứng chờ quẹo phải lâu quá vì xếp hàng dài nên tôi tấp vô trạm xăng bên tay phải để băng tắt đâm ra đường cần đi. Đứa em ngồi kế hỏi : “Ủa, anh không đổ xăng à?” Tôi nói : “Không, xăng còn nhiều, anh quẹo vô để tránh cái đèn đỏ thôi!”. Nó liền cằn nhằn: “Sao anh làm kỳ thế, anh xem có ai làm như anh không? Qua Mỹ rồi anh phải tập sống cho đúng Luật đi cứ nếu không thì khó tồn tại lắm”. Nghe nó cự tôi vừa tức, vừa mắc cỡ. Chắc đoán được tâm trạng của tôi nên nó an ủi: “Hầu như ai mới qua cũng như anh thôi, dần dần rồi mới quen”.

Rồi nó kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra với chính nó. Đâu khoảng giữa những năm 1990 có làn sóng Việt Kiều về Việt Nam đầu tư nhất là trong lãnh vực công nghệ thông tin. Một lần nó chở “boss” (sếp – PV) của nó là một Việt kiều đi bằng xe máy trong Sài Gòn.

Vừa để tiết kiệm thời gian và cũng vừa muốn chứng minh cho ông chủ thấy sự nhanh nhẹn , năng động của bản thân nên thằng em chạy lạng lách rồi cũng có màn tấp vô cây xăng để tránh đèn đỏ y hệt như tôi vừa làm.

Ngỡ được ông chủ khen, ai ngờ cuối buổi ông dội cho gáo nước lạnh: “Bạn vô kỷ luật lắm. Cây xăng là nơi để bán xăng chứ không phải là đường để lưu thông, sao bạn không mua xăng mà lại chạy tắt qua đó? Nếu muốn làm việc với tôi thì bạn phải học được tính kiên nhẫn, cẩn thận và tuyệt đối tuân thủ kỹ luật …”

Lời nhận xét của ông chủ đã làm nó thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, lối sống và nó đã tuân thủ những gì chủ nhắc nhở. Kết quả là nó làm việc khá lâu trong Công ty phần mềm của ông chủ Việt Kiều đó, được cất nhắc lên các chức vụ cao rồi được Công ty đưa qua Mỹ làm việc, được Công ty bảo trợ để xin Thẻ Xanh…

Đặng Phong (Boston – Hoa Kỳ)

Tags:
Cuộc sống giữa Việt Nam và xứ Tây trong mắt của những Việt kiều

Cuộc sống giữa Việt Nam và xứ Tây trong mắt của những Việt kiều

Tại trời Tây, đàn ông dù kiếm được nhiều hay ít tiền đều phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ việc gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất