Hai bậc "mẫu nghi thiên hạ" mà người Nhật Bản rất đỗi tự hào
Dù đều xuất thân từ dân thường, nhưng 2 đời Hoàng hậu của Hoàng gia Nhật Bản gần đây đều là những phụ nữ tài sắc vẹn toàn.
18:00 05/05/2019
Những sướng - khổ trong cuộc sống nghiêm ngặt của hoàng cung không phải ai cũng tỏ tường, nhưng trên hết, họ đã gạt đi sự nghiệp và đam mê riêng để hết lòng vì chồng con và trở thành những bậc “mẫu nghi” được người dân Nhật Bản hết sức yêu quý và mến phục.
Cuộc tình “vượt thời gian” của vợ chồng Thái thượng hoàng Akihito - Michiko là niềm ngưỡng mộ của nhiều người dân Nhật Bản
Hoàng hậu Michiko - người ghi những kỷ lục đầu tiên
Trong lịch sử, Nhật hoàng thường được coi như vị thánh, rất hiếm khi tiếp xúc với nhân dân. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito đã phá vỡ những rào cản hàng thế kỷ giữa Hoàng gia và quần chúng nhân dân, đặc biệt khi ông yêu và cưới bà Michiko Shoda - con gái của doanh nhân giàu có Hidesaburo Shoda sau cuộc gặp gỡ định mệnh tại sân quần vợt ở Karuizawa năm 1957. Truyền thông Nhật Bản thường nhắc đến mối nhân duyên của họ là “truyện cổ tích có thật” hay “chuyện tình trên sân quần vợt”.
“Đây là một đám cưới xuất phát từ tình yêu, giữa một người trong Hoàng gia và một dân thường. Điều này rất mới mẻ với dân chúng” - Yukiya Chikashige, phóng viên chuyên đưa tin về Hoàng gia trong 3 thập kỷ qua cho biết. Đám cưới Hoàng gia khi ấy được ví như một “cơn sốt” lan rộng khắp Nhật Bản, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Sở dĩ dư luận hướng nhiều sự chú ý đến đám cưới này đến vậy là bởi Thái tử Akihito đã lấy một cô gái xuất thân dân thường - một hành động phá vỡ truyền thống suốt 2.000 năm của Hoàng gia Nhật Bản.
Nhìn lại những tấm ảnh cặp vợ chồng mới cưới Akihito và Michiko diễu qua đường phố trong sự mừng vui và chúc phúc của nhiều người dân 2 bên đường, ông Shigeo Suzuki - một nhà sản xuất truyền hình từng ghi lại sự kiện lịch sử này nhận định: “Nụ cười của họ như thể họ đang cảm nhận thấy một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu. Đám cưới đã cho thấy khoảng cách giữa Hoàng gia và người dân được rút ngắn đáng kể”.
Hoàng hậu Michiko không chỉ là hoàng hậu đầu tiên có xuất thân thường dân trong lịch sử Nhật Bản mà bà còn là người đầu tiên dám phá vỡ quy tắc nuôi dạy con truyền thống, đem đến phương pháp dạy con hiện đại vào Hoàng gia khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Theo truyền thống Nhật Bản, Thái tử không được sống với bố mẹ. Nhật hoàng Akihito ngày bé đã sống cách biệt với song thân kể từ khi sinh ra và được vú nuôi chăm sóc. Đến 3 tuổi, ông sống ở cung điện riêng biệt với mọi người. Tuy nhiên, sau khi Hoàng hậu Michiko sinh Thái tử Naruhito, bà đã phá vỡ quy tắc này bằng cách giữ con bên mình và tự tay chăm sóc.
“Vào thời điểm đó, việc tự nuôi con trong Hoàng gia giống như mở ra một kỷ nguyên mới” - Giáo sư lịch sử Shinobu Oe tại Đại học Ibaraki nhận định. Bà cho xây một nhà bếp đặc biệt trong cung điện để có thể tự nấu ăn cho gia đình, đây cũng là điều khác biệt với truyền thống khi xưa. Sau này khi sinh thêm 2 con, Hoàng hậu Michiko vẫn tự tay chăm sóc các hoàng tử, công chúa, tự tay làm cơm để con mang đến trường ăn trưa. Song thân của Hoàng hậu Michiko từng sống ở Đức và đã từng áp dụng những phương pháp dạy con ở phương Tây nên bà cũng tham khảo cách nuôi con từ mẹ như không bế ẵm để dỗ dành trẻ, mỗi ngày nên cho trẻ ra ngoài để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Với công chúa, Hoàng hậu Michiko cũng có phần đặc biệt chú trọng về nữ công gia chánh. Bởi theo bà, sau này nếu kết hôn với người ngoài thì công chúa sẽ có đủ hành trang để rời hoàng tộc. Về sau, con gái út của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko có tên là Norinomiya Sayako lập gia đình, cô mang họ chồng và chỉ còn giữ lại tên là Sayako.
Dành hết tâm huyết và thời gian để nuôi nấng 3 con thành tài, bà trở thành tấm gương sáng cho phụ nữ Nhật Bản. Hoàng hậu Michiko cũng thường xuyên tiếp xúc với dân thường, đặc biệt là người già, người khuyết tật và nạn nhân trong thảm họa thiên tai nên được người dân đặc biệt yêu quý.
Ngày 30-4, sau 30 năm lên ngôi, Nhật hoàng Akihito trở thành vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong vòng hơn 200 năm qua. Cũng dịp này, ông và Hoàng hậu Michiko kỷ niệm đám cưới kim cương sau “60 năm tỏa sáng bên nhau”. Lần cuối cùng Nhật hoàng Akihito (86 tuổi) và Hoàng hậu Michiko (85 tuổi) kỷ niệm ngày cưới dưới triều đại Heisei (Bình Thành), người ta vẫn thấy Hoàng hậu Michiko tỉ mỉ giúp Nhật hoàng Akihito sắp xếp lại bài phát biểu trong buổi lễ.
Tân Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và công chúa Aiko
Hoàng hậu Masako - gạt bỏ sự nghiệp vì lời hứa “bảo vệ trọn đời”
Tháng 10-1986, trong một buổi trà ngoại giao tiếp đón công chúa Elena của Tây Ban Nha, Thái tử Naruhito (nay là Tân Thiên hoàng Nhật Bản, con trai cả của Nhật hoàng Akihito) vô tình nhìn thấy cô tiểu thư xinh đẹp Masako Owada (khi đó mới 22 tuổi) cùng cha mẹ đến dự tiệc. Suốt cả buổi tiệc hôm ấy, Thái tử không thể dời mắt trước vẻ đài các, đoan trang của nàng. Sau ngày định mệnh này, Thái tử đã mất 6 năm chạy theo “tiếng sét ái tình”, trong khi Masako - một cô gái không có dòng dõi quý tộc - vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp riêng.
Sau khi từ chối lần cầu hôn đầu tiên của Thái tử, Masako quyết định sang Anh học 2 năm ở Balliol College, Oxford, rồi trở về nước làm người chuyên viết diễn văn cho Thủ tướng Nhật Bản. 5 năm trôi qua, Thái tử Naruhito lại tiếp tục ngỏ lời cầu hôn, nhưng câu trả lời ông nhận được vẫn là cái lắc đầu. Năm 1992, sau những lời khuyên bảo từ cha mẹ, cuối cùng người phụ nữ tài sắc vẹn toàn ấy đã quyết định gạt đi sự nghiệp riêng, chấp thuận lời cầu hôn lần thứ ba với lời thề sắt son của Thái tử: “Có thể em lo sợ khi về làm dâu Hoàng gia, nhưng anh hứa sẽ bảo vệ em đến trọn đời bằng tất cả khả năng của mình”.
Cũng như Hoàng hậu Michiko, Thái tử phi Masako xuất thân là một thường dân. Bà là con gái của một nhà ngoại giao Nhật, thông thạo 6 ngoại ngữ và từng theo học tại các trường đại học danh tiếng thế giới như Harvard (Mỹ), Oxford (Anh). Sau khi tốt nghiệp, Masako trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Nhưng rồi cuộc đời của bà rẽ sang hướng khác sau khi bén duyên với Thái tử Naruhito. Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 9-6-1993 trong sự ủng hộ nhiệt tình của người dân bởi Masako là người phụ nữ thông minh, thành đạt nhất từng kết hôn với thành viên Hoàng gia Nhật Bản.
Ở một số sự kiện ngoại giao nổi bật, Công nương Masako có thể trò chuyện bằng tiếng Anh với Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tiếng Nga với Tổng thống Boris Yeltsin và tiếng Pháp với Tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất đè nặng lên vai Công nương là phải sinh quý tử nối dõi. Mãi đến tháng 12-2001, bà mới sinh hạ được cô con gái đầu lòng là Công chúa Aiko. Cuộc sống nghiêm ngặt trong cung cấm, nhất là không thể sinh hoàng nam để sau này nối dõi đã khiến Công nương Masako rơi vào tình trạng trầm cảm.
Trong khi báo chí gọi Công nương Masako là “Vương phi u sầu”, Thái tử đã luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ vợ. Năm 2008, ông đã trực tiếp lên tiếng bày tỏ mong muốn người dân Nhật thấu hiểu và ủng hộ Công nương Masako trong lúc bà đang phải đấu tranh với chứng trầm cảm. Trong buổi lễ kỷ niệm đám cưới vào ngày 9-6-2018, Thái tử Naruhito nói, Vương phi Masako xứng đáng nhận được huân chương vì sự ủng hộ của bà dành cho mình suốt những năm qua.
Sau khi Thái tử Naruhito chính thức đăng quang kế vị vua cha Akihito vào ngày 1-5, Thái tử phi Masako trở thành Hoàng hậu mới của nước Nhật. Ai cũng hiểu khó khăn, sóng gió vẫn đang chờ đợi họ ở phía trước. “Điều quan trọng là 2 người luôn ở bên nhau. Ông Naruhito đã hứa sẽ bảo vệ bà Masako suốt cuộc đời. Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ nỗ lực vì chồng mình” - Giáo sư Midori Watanabe của Đại học Bunka Gakuen nhận định.
Theo: kenh14.vn
Quan chức của Bộ Thương mại Nhật Bản bị bắt vì tội… buôn lậu chất kích thích
Một quan chức của Bộ Thương mại đã bị bắt vì nghi ngờ cố gắng buôn lậu chất kích thích bị cấm từ Hoa Kỳ, cảnh sát cho biết vào hôm thứ Hai.