Sang Nhật lao động: 'Yêu thì yêu nhưng đừng mang thai'
Tại một nhà thờ Công giáo ở Kawaguchi, Bắc Tokyo, một tu sỹ người Việt được nhiều nữ thực tập sinh tìm đến để xin tư vấn, trong đó có rất nhiều cô gái mang thai ngoài ý muốn.
20:00 03/08/2019
Sơ Maria Lang trước cửa Nhà Thờ Thánh Peter Kawaguchi
Sơ Maria Lang, ở Nhà Thờ Thánh Peter Kawaguchi, đã giúp tư vấn cho các nữ thực tập sinh Việt mang thai ở Nhật nhiều năm nay.
Chúng tôi đến gặp sơ vào đúng ngày Chủ Nhật Phục Sinh, nơi có gần 200 người Việt tới dự Lễ Thánh.
Nhờ Sơ Maria nối máy, chúng tôi có dịp trò chuyện với hai bà mẹ tương lai, đều có thai khi đang là thực tập sinh ở Nhật.
Cả hai hiện đều đang ở Việt Nam, nhưng với hai hoàn cảnh rất khác nhau: một người bị cảnh sát Nhật trục xuất về Việt Nam sau khi bỏ trốn sống bất hợp pháp, và một người được công ty Nhật cho phép về Việt Nam sinh con rồi quay lại làm việc tiếp.
Câu chuyện của M: "em phải bỏ trốn"
Trần T M, 35 tuổi, đã làm thực tập sinh trong ngành may mặc được hơn hai năm thì biết mình mang thai.
M kể với tôi cô quen bạn trai người Việt gần chỗ làm ở tỉnh Kagoshima, tỉnh cực Nam nước Nhật, cách thủ đô Tokyo gần bảy giờ tàu cao tốc.
Khi biết tin M có mang, bạn trai không những không giúp đỡ gì mà còn cắt đứt quan hệ với cô.
M cho biết cô đã được cảnh báo từ cả công ty môi giới ở Việt Nam cũng như công ty bên Nhật về chuyện không được mang thai.
"Vấn đề mang thai là vấn đề họ nhấn mạnh nhiều nhất. Họ nói rằng bất cứ ai mang thai trong thời gian ba năm thì ngay lập tức sẽ bị đuổi về nước. Cả công ty môi giới và khi qua Nhật họ cũng nói vậy," M cho biết.
Có thai được hơn một tháng, M quyết định bỏ trốn khỏi công ty, một ngày trước khi có đợt khám sức khỏe vì sợ sẽ bị phát hiện có thai.
Vấn đề mang thai là vấn đề họ nhấn mạnh nhiều nhất. Họ nói rằng 'bất cứ ai mang thai trong thời gian ba năm thì ngay lập tức sẽ bị đuổi về nướcTrần T M, Nữ thực tập sinh
Sau đó, cô tìm đến một đại lý chuyên tìm việc cho những người sống bất hợp pháp ở Nhật.
"Em được giao làm nhiều việc khác nhau, và đến nơi mới biết được mình sẽ làm việc gì. Có ngày em đi làm nhưng không được trả lương. Gọi điện cho họ nhiều lần nhưng họ cũng bơ luôn."
Tôi hỏi M chỉ còn chưa đầy một năm nữa là hết hạn hợp đồng, tại sao cô không xin công ty ở lại làm việc thêm vài tháng mà phải bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp.
"Chị ơi, ngay lập tức họ sẽ đuổi em về nước, nó có cho ở lại đâu.
"Nó đã có quy định thế rồi, mà trước khi em sang đã có một bạn bỏ trốn rồi. Ngay hôm sau bạn ý bỏ trốn, có người của nghiệp đoàn và công ty môi giới ở Việt Nam sang đưa bạn ý về nước.
"Nếu bạn ý chậm chân một chút, bạn phải về Việt Nam thì bạn sẽ làm được gì để trả số nợ đó cho người ta?
"Cho nên nhìn cái gương của bạn ý, em phải bỏ trốn."
Sau một lần để quên điện thoại trên taxi, M đến đồn cảnh sát để xin lại. Cảnh sát Nhật phát hiện giấy tờ của cô đã hết hạn. Họ mua vé máy bay và trục xuất M về Việt Nam.
Vẫn muốn giấu gia đình chuyện mình có thai và bỏ trốn, M nay một thân một mình chờ ngày sinh con ở Sài Gòn, và không còn đường trở lại Nhật làm việc.
Nữ thực tập sinh mang thai khi ở Nhật thường đối mặt với hai lựa chọn: hoặc bị phá thai, hoặc bị đuổi việc và trả về Việt Nam (hình chỉ mang tính minh họa)
Câu chuyện của TL: "em chọn bảo vệ con mình"
Nguyễn T L, 22 tuổi, quê ở Thái Bình là nữ thực tập sinh thứ hai chúng tôi phỏng vấn qua Internet từ Nhà thờ Thánh Peter Kawaguchi.
Sang Nhật hồi tháng 10/2018, TL làm thực tập sinh trong một nhà máy sản xuất giấy lau miệng ở tỉnh Ehime.
Mới sang đến Nhật được một thời gian ngắn, L thấy trong người khó chịu và phát hiện ra mình mang bầu.
Cô kể khi bạn trai cô, một người Việt cũng làm thực tập sinh bên Nhật, biết cô có bầu, anh ta "không nói chuyện nữa và cắt hết mọi liên hệ".
"Khi em biết mình có mang, em nói chuyện với trường nơi em học tiếng Nhật một tháng. Em xin họ cho em một cơ hội để nói chuyện với nghiệp đoàn.
"Nhưng công ty môi giới bên Việt Nam kêu là em phải bỏ [thai] thì mới được ở lại còn không thì phải đi về.
"Em lựa chọn là bảo vệ con mình, vậy thôi," L kể.
Công ty môi giới bên Việt Nam kêu là em phải bỏ [thai] thì mới được ở lại còn không thì phải đi về.Nguyễn T L, Thực tập sinh
Cái may của L là qua một người bạn, cô đã kết nối được với một cha xứ ở Việt Nam, người giới thiệu cô với một cha ở bên Nhật, và sau đó gặp được sơ Maria Lang.
Sơ Maria trình bày về trường hợp của L với một luật sư của Zentoitshu, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bênh vực quyền lợi cho người lao động.
Luật sư sau đó đã liên hệ với công ty của L và công ty đồng ý cho cô về Việt Nam từ bốn đến sáu tháng để sinh con, sau đó sẽ quay lại tiếp tục hoàn thành hợp đồng thực tập sinh.
Nhiều nữ thực tập sinh nước ngoài sang Nhật làm việc trong những ngành như chăm sóc người già, may mặc và chế biến thực phẩm (Hình chỉ có tính minh họa)
Quy định thực tập sinh 'không được có mang' là 'trái luật Nhật'
Đa số các công ty môi giới Việt Nam đều có những điều khoản trong hợp đồng rằng người lao động nữ không được mang thai trong thời gian làm thực tập sinh bên Nhật.
Sang đến Nhật Bản, các công ty Nhật cũng thường nhấn mạnh điều này với các nữ thực tập sinh.
"Khi qua Nhật cũng vậy, các hãng xưởng, công ty Nhật cũng dặn dò các em là trong thời gian thực tập bên Nhật thì không được quá thai, và nếu có thai thì phải bắt buộc trả về," sơ Maria Lang cho chúng tôi biết.
Qua những luật sư mà sơ Lang có dịp cùng làm việc, bà được biết rằng luật lao động của Nhật thực ra không có quy định này.
"Không biết họ có biết luật này hay không, nhưng khi một em được đưa qua Nhật làm việc và mang thai, thì hầu như các công ty Nhật làm ngơ và đuổi các em về.
"Thực sự theo tôi đây là cái quyền lợi của chính các công ty họ. Một phụ nữ có mang thì sức lao động của họ sẽ giảm đi, và thời gian nghỉ để sinh con cũng rất là nhiều. Năng suất làm việc của các em không được cao.
"Các em trong tình cảnh này phải đối mặt với hai lựa chọn: hoặc bị phá thai, hoặc về Việt Nam."
Cảnh báo của Bộ Lao động Nhật về việc xử lý bất lợi đối với thực tập sinh kỹ năng vì những lý do như thai sản
Bộ Tư pháp và Bộ Lao động An sinh Nhật Bản gần đây đã đưa ra thông cáo chung cảnh báo về việc xử lý bất lợi đối với thực tập sinh kỹ năng vì những lý do như thai sản.
"Theo như điều 9 (Luật số 103, năm 1972) luật liên quan tới việc xác định cơ hội bình đẳng nam nữ tùy theo ngành nghề tuyển dụng, và chế độ đãi ngộ, có quy định "Nghiêm cấm các hành vi xử lý bất lợi vì lý do kết hôn, thai nghén, sinh đẻ".
"Quy định này, là đương nhiên, và đồng thời phù hợp với đối tượng là thực tập sinh kỹ năng. Hành vi xử lý bất lợi vì lý do kết hôn, thai nghén, sinh đẻ đối với họ là không thể chấp nhận được," văn bản có đoạn viết.
Văn bản cũng nhấn mạnh thêm:
"Nếu như, trước khi nhập cảnh Nhật Bản, trong hợp đồng ký kết giữa thực tập sinh kỹ năng và cơ quan tiến cử mà có nội dung xử lý như thế này, các bạn hãy hiểu rõ rằng, hành vi xử lý như vậy về cơ bản là trái với pháp luật Nhật Bản.
"Đồng thời, ở các cơ quan quản lý thực tập sinh, xin hãy nắm bắt lấy các cơ hội học tập sau khi nhập cảnh, và triệt để áp dụng những pháp lệnh, luật liên quan tới thực tập sinh kỹ năng này."
Sơ Maria Lang cùng một số bạn trẻ trong cộng đồng người Việt dự Lễ Phục sinh ở Nhà thờ Thánh Peter Kawaguchi
'Yêu thì yêu nhưng đừng mang thai'
Tôi hỏi Sơ Maria Lang bà có lời khuyên gì cho các nữ thực tập sinh ở Nhật hay chuẩn bị sang Nhật. Bà nói:
"Các em đã chuẩn bị tinh thần mình đi Nhật ba năm thì cố gắng đừng mang thai. Điều đó gây phiền phức rất lớn cho mình và cho công ty.
"Yêu thì yêu thôi nhưng đừng mang thai. Nếu mình lập gia đình đàng hoàng rồi, khi mình có thai thì đứa con nó cũng an tâm và mình cũng hạnh phúc.
"Còn nếu các em qua đây rồi mà có lỡ mang thai, mà muốn giữ con thì mình cũng có cách để nói với công ty. Các em nên tìm chỗ nào đó, tìm ai đó để nhờ tư vấn.
"Có những em tới đây tư vấn nhưng các em sợ nói ra thì bị lộ, sợ gia đình biết hay công ty biết người ta sẽ đuổi mình. Chính vì nỗi sợ đó mà các em phá thai hoặc bỏ trốn."
Các em đã chuẩn bị tinh thần mình đi Nhật ba năm thì cố gắng đừng mang thai. Điều đó gây phiền phức rất lớn cho mình và cho công ty. Sơ Maria Lang
Theo quan sát của Sơ Lang, không được giáo dục giới tính đầy đủ, thiếu suy nghĩ chín chắn và điều kiện sống hạn chế, chật chội (có khi nam nữ thuê chung phòng) là những lý do chính khiến các nữ thực tập sinh mang thai ngoài ý muốn.
Phải phá thai hay rút ngắn hợp đồng và về nước khi nợ chưa trả hết, hay chỉ mới tiết kiệm được rất ít, đều là những lựa chọn khó khăn cho những người phụ nữ này.
Cho dù có được quay lại Nhật làm hay không, những nữ thực tập sinh mang thai phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi nhiều người trong số họ bị bạn trai bỏ rơi và không được sự hỗ trợ của gia đình.
"Hãy chấp nhận những thực tập sinh mang thai để chúng tôi vừa được sinh con vừa giữ được công việc cho đến khi hết hợp đồng".
Thông điệp trên mà cả M và L muốn nhắn tới các công ty môi giới ở Việt Nam cũng như công ty Nhật có lẽ cùng là nguyện vọng chung của những nữ thực tập sinh Việt cùng hoàn cảnh với họ.
Nguồn: bbc.com
Thẻ đi tàu JR Pass ở Nhật dùng sao cho hợp lý
Thẻ JR Pass sẽ thật sự có hiệu quả nếu bạn đi từ tỉnh này qua tỉnh khác trong khoảng thời gian ngắn.