Hạnh phúc ảo trong viện dưỡng lão

Rất nhiều bạn trẻ ngộ nhận vào viện dưỡng lão mới là tốt cho bố mẹ già, nhưng thực ra đều là để bản thân mình nhẹ gánh hơn.

22:06 06/12/2022

Nói về xu thế "con cái đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão", tôi cho rằng nhiều người đang nhầm lẫn theo kiểu "có tiền mua tiên cũng được". Viên dưỡng lão dĩ nhiên đang ngày một phát triển vì nó rất tốt trong xã hội hiện đại. Nhưng cứ nhìn viện dưỡng lão ở các đất nước phát triển, bạn sẽ hiểu ngay vấn đề. Thế giới đang bị lu mờ bởi sự phát triển quá nhanh của kinh tế. Như ở Nhật Bản, người ta làm việc đến mức chẳng còn thời gian dành cho người thân, đến nhu cầu hưởng thụ của bản thân cũng không còn nữa, chỉ làm và làm. Mọi giá trị tình cảm đều vô nghĩa khi kinh tế phát triển.

Tất nhiên, sống thế nào là do mỗi người chọn lựa. Nhưng theo tôi, giới trẻ ngày nay có phần sống cho mình nhiều hơn thế hệ trước, nên đôi khi không hiểu hết giá trị hai chữ "hy sinh". Họ chỉ cần tiện cho họ, lười quan tâm, chăm sóc người thân, chỉ chăm chăm kiếm thật nhiều tiền.

Tôi chưa già, mới 35 tuổi. Tôi cho rằng viện dưỡng lão cũng chỉ như một lớp học, dành cho các cụ còn khỏe mạnh mà con cháu không có thời gian, hoặc không muốn chăm nom. Ở đó, dù tốt, hiện đại đến mấy cũng không thể có tình cảm gia đình. Nếu các cụ còn trí nhớ, chưa lẫn thì đó sẽ là một sự cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi, cố chịu đựng vì con cái bận bịu.

Người già thường suy nghĩ khác người trẻ. Họ sợ ở một mình và không được bên cạnh người thân. Trong họ đa số đều không muốn nghĩ tới cảm giác "bị con cháu bỏ rơi". Tôi cũng từng suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Thực tế, ở Việt Nam, hầu hết các bậc cha mẹ đều không nghĩ tới việc đầu tư cho tuổi già, họ chỉ đầu tư cho con cháu tất cả những gì có thể và luôn mong về già sẽ cậy nhờ chúng. Chỉ có những người mong mà không được mới phải tự tìm cách cho riêng mình thôi.

Đây là cả một vấn đề lớn, thuộc về phong tục tập quán, về tư tưởng của người già, chứ chưa cần bàn tới chi phí. Đó cũng là lý do các trung tâm chăm sóc người già hoặc viện dưỡng lão chưa được các nhà đầu tư chú ý tới.

Tôi không có ác cảm với việc vào viện dưỡng lão, thậm chí tôi còn chuẩn bị cho cuộc sống về già của mình ngay từ bây giờ. Không được ở bên con cháu thì tôi vào viện dưỡng lão cũng được, dù không thấy hạnh phúc như ở nhà. Nhưng với ông bà, bố mẹ tôi thì không. Tôi sẽ để họ lựa chọn vì đó là cuộc sống của bố mẹ. Tình cảm mới là thứ đáng quý nhất. Với điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, nếu cha mẹ già muốn sống bên con cái thì hãy tôn trọng và cố gắng sắp xếp chăm sóc họ.

Rất nhiều bạn ngộ nhận vào viện dưỡng lão mới là tốt cho bố mẹ mình, nhưng thực ra đều là để bản thân mình nhẹ gánh hơn mà thôi. Bố mẹ thuộc thế hệ trước, không phải ai cũng kịp hiểu tư tưởng ngày nay. Mà nếu chưa kịp hiểu thì nên chiều ý cha mẹ, bởi vì con cái có hiếu là phải chăm sóc tư tưởng cho cha mẹ trước đã. Chứ sống thọ mà lúc nào cũng tủi thân, cảm giác bị con cháu bỏ rơi thì viện dưỡng lão khác nào nhà giam chứ không phải màu hồng.

Già mà phải sống với người lạ, con cháu bận nên không thể ở bên. Già mà vào viện dưỡng lão với suy nghĩ như thế thì tủi thân là không tránh khỏi. Nghĩ tới thế thôi là tôi đã không bao giờ muốn cha mẹ mình sẽ phải rơi vào suy nghĩ như vậy. Tiền kiếm cho lắm cũng có mang theo được đâu? Khi gần đất xa trời rồi, được ở bên con cháu mới là ý nghĩa nhất.

Bao Nam Phat

Tags:
Tại sao người Việt Nam khi mới qua Tây thường bị GHÉT?

Tại sao người Việt Nam khi mới qua Tây thường bị GHÉT?

Thật ra, người Việt mình mới qua Tây, dễ bị ghét, không phải bởi những người đồng hương qua lâu, mà chính bản thân người mới qua đã tự làm cho mình bị ghét chứ chẳng phải ai hết cả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất