Hệ thống tài chính Nhật Bản đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng vì quá nhiều người dân mắc bệnh... lú lẫn
Hãng nghiên cứu Dai-ichi Life Research ước tính tổng số tiền tiết kiệm của những người cao tuổi mắc bệnh lú lẫn tại Nhật Bản sẽ tăng từ 143 nghìn tỷ Yên (1,26 nghìn tỷ USD) hiện nay lên 215 nghìn tỷ Yên (1,89 nghìn tỷ USD) vào năm 2030.
06:00 15/12/2018
Cụ Yumiko Okubo, 71 tuổi tại Nhật Bản đang ngày càng suy yếu về trí nhớ. Thậm chí cụ còn chẳng nhớ làm thế nào để hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng.
"Lò vi sóng là cái gì vậy?", Cụ Yumiko hỏi chồng, cụ Eiichi.
Đây là những biểu hiện của giai đoạn đầu bệnh mất trí nhớ ở người già khi cụ Yumiko giờ đây thậm chí gặp khó khăn trong cả việc biểu đạt ngôn ngữ. Lớp học về văn hóa Kimono mà cụ Yumiko đã làm trong 25 năm qua cũng phải tạm ngừng khi cụ không còn khả năng giảng dạy.
Sự suy yếu trí nhớ của cụ Yumiko khiến cuộc sống của cụ và cả người chồng, cụ Eiichi gặp khó khăn kể từ năm 2008.
Tệ hơn, việc lú lẫn khiến cụ Yumiko sử dụng khoản tiền tiết kiệm của mình một cách không khôn ngoan và nhiều khi bị lợi dụng. Trường hợp của cụ Yumiko không phải cá biệt khi nhiều chuyên gia tại Nhật Bản cảnh báo ngày càng nhiều người già nước này sử dụng hàng nghìn tỷ Yên tiền tiết kiệm một cách lãng phí do suy giảm chức năng thần kinh.
Cụ Eiichi, 74 tuổi chăm sóc cho người vợ Yumiko, 71 tuổi
Nhân viên xã hội Rika Kambayashi cho biết cô đã gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi tại Nhật rút lượng lớn tiền mà không biết hoặc không nhớ họ rút để làm gì hay tại sao lại rút. Ví dụ có lần một cụ bà hơn 90 tuổi rút tới 20 triệu Yên (176.000 USD) mà không rõ mình rút với mục đích gì. Người phụ nữ cao tuổi này đi cùng cháu trai và bị người cháu thúc giục rút tiền.
"Đây rõ ràng là một trường hợp bị lừa dối và ép buộc rút tiền", cô Rika nhận định.
Thách thức từ "bệnh lú"
Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 5 triệu người già mắc bệnh suy giảm trí nhớ và con số này có thể lên tới 7-8 triệu người vào năm 2030, tương đương 6-7% tổng dân số.
Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bệnh lú lẫn của người già sẽ ảnh hưởng đến 3,8% tổng dân số Nhật vào năm 2037, thuộc hàng cao nhất trong số 35 thành viên và cao hơn mức bình quân 2,3% của toàn khối.
Trong khi đó, hãng nghiên cứu Dai-ichi Life Research ước tính tổng số tiền tiết kiệm của những người cao tuổi mắc bệnh lú lẫn tại Nhật sẽ tăng từ 143 nghìn tỷ Yên (1,26 nghìn tỷ USD) hiện nay lên 215 nghìn tỷ Yên (1,89 nghìn tỷ USD) vào năm 2030.
Rõ ràng, hiểm họa đối với nền kinh tế Nhật là khá lớn khi nhiều người cao tuổi suy giảm trí nhớ nắm trong tay lượng lớn tài sản.
Giáo sư Jin Narumoto của trường đại học Kyoto Prefectural University cho biết hiện rất nhiều công ty Nhật đang gặp khó khăn do phải làm ăn với những người cao tuổi bị lú lẫn. Rất nhiều trường hợp giao dịch xong thì người nhà của khách hàng cao tuổi đến hủy hợp đồng với lý do người thân của họ không sáng suốt khi thực hiện giao dịch.
Tệ hại hơn, nhiều công ty khóc dở mếu dở vì khách hàng cao tuổi của họ đặt hàng nhưng không nhớ, quên thanh toán hay nhiều trường hợp bi hài khác.
Đối với gia đình của bệnh nhân, tình hình cũng phức tạp không kém khi người thân của họ làm mất tiền hoặc gây tổn thất về kinh tế. Khảo sát của Giáo sư Narumoto cùng 3 tổ chức nghiên cứu khác cho thấy 30% số bệnh nhân mắc bệnh lú lẫn hay người nhà của họ đã gặp tổn thất về kinh tế do suy giảm trí nhớ.
Tình hình tại Nhật hiện tồi tệ tới mức nhiều ngân hàng lớn như Momura hay Sumitomo đã yêu cầu nhân viên quầy giao dịch ngừng thực hiện các dịch vụ nếu phát hiện khách hàng có biểu hiện lú lẫn. Ví dụ khi những người cao tuổi đến rút tiền với lý do không dùng được ATM hay liên tục hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi. Thậm chí nhiều trường hợp nổi nóng cáo buộc nhân viên ngân hàng ăn cắp tiền của họ hay có hành vi quá khích.
Dự tính đến năm 2030, Nhật có khoảng 31% dân số trên 65 tuổi và tuổi thọ bình quân của nước này cao tới 84 khiến rủi ro bệnh lú lẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế ngày một lớn.
Khoảng 2/3 những người cao tuổi bị lú lẫn mắc căn bệnh Alzheimer với những triệu chứng như suy giảm trí nhớ hay có những suy nghĩ ngớ ngẩn gây nguy hại đến cuộc sống thường ngày.
Tại thủ đô Tokyo, 5 tổ chức tài chính lớn đã cùng nhau thành lập quỹ phi lợi nhuận Shinkin Seinenkouken Support nhằm cung cấp dịch vụ bảo toàn tài chính cho những người mắc bệnh lú lẫn. Quỹ này hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để chỉ định những người bảo hộ tài chính cho các khách hàng mắc bệnh lú lẫn. Họ có thể đại diện khách hàng trong các giao dịch tài chính hoặc thậm chí hủy bỏ hợp đồng nếu thấy chúng vi phạm lợi ích của người được đại diện.
Sự thành lập của Shinkin là khá cần thiết khi trong khoảng 2010-2015, khoảng 3.000 vụ việc mất cắp tiền do bệnh lú lẫn đã được báo cáo với tổng thiệt hại lên tới 21 tỷ Yên (185 triệu USD). Để đảm bảo tính khách quan, Shinkin sẽ chỉ định 2 người đại diện cho mỗi khách hàng nhằm giám sát lẫn nhau trong quá trình quản lý tiền bạc cho những người già.
Theo: cafef.vn
Vấn nạn bóc lột lao động nước ngoài tại Nhật Bản
Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề bóc lột lao động nước ngoài trong bối cảnh nước này phải tăng cường khả năng cạnh tranh khi dân số già đi nhanh chóng.