Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị tăng giờ làm thêm tối đa lên 300 giờ
300 giờ làm thêm, thay vì 200 giờ hiện tại, là đề xuất Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.
16:00 17/09/2019
300 giờ làm thêm với các nghề bình thường
CCI cho biết, các khuyến nghị được tổng hợp từ các hội viên, trong đó có Canon, Panasonic, Toyota, Denso…
Trong đề nghị gửi VCCI để góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, JCCI đề nghị tăng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường).
Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
“Trong trường hợp vẫn giữ quy định 400 giờ đối với các trường hợp đặc biệt như trong Dự thảo, chúng tôi đề xuất chỉnh sửa ngành nghề “Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản” thành “Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các sản phẩm nêu trên, chế biến nông, lâm, thủy sản”, JCCI góp ý chi tiết.
Lý do là những ngành nghề mang tính chất để phát triển xã hội như IT, nghiên cứu phát triển sản phẩm đòi hỏi sự tư duy nghiên cứu thời gian dài để thực hiện tốt công việc đó thì có thể tăng thời gian làm thêm giờ.
Trong văn bản gửi VCCI,JCCI đã so sánh quy định hiện tại của Việt Nam và một số nước, để thấy tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như các nước trong khối ASEAN.
Quy định này tại Thái Lan là 1.836 giờ; Malaysia: 1.248 giờ; Philippines: 1.224 giờ; Indonesia: 714 giờ.
Một số quốc gia có số giờ làm thêm ít hơn, nhưng cũng đang cao hơn Việt Nam, như Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ).
“Việc này ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác”, JCCI nhận định.
Tiền lương làm thêm lũy tiến quá cao
Bên cạnh đó, theo JCCI, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%).
Thậm chí, tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%).
“Do vậy, chúng tôi kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác”, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.
Đặc biệt, trong văn bản này, JCCI cho biết, các khuyến nghị này được tổng hợp từ các hội viên, trong đó có một số công ty lớn như Canon, Panasonic, Toyota, Denso…
“Chúng tôi nêu các kiến nghị, khó khăn trong quá trình vận hành doanh nghiệp và quan hệ lao động thực tế của doanh nghiệp để các quý cơ quan hiểu và có cơ sở sửa đổi Bộ luật Lao động trên phương châm cân bằng lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là để điều chỉnh luật pháp phù hợp hơn với tình hình thực tế, nhu cầu xã hội, giúp cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu, từ đó thúc đẩy người lao động và xã hội ngày càng phát triển, phồn thịnh hơn. Đây cũng chính là một nguyên tắc căn bản của xây dựng pháp luật”, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản viết trong văn bản kiến nghị.
Theo: baodautu.vn
Mách bạn 5 chiêu vượt qua kỳ thi JLPT đơn giản
Kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT là kỳ thi quan trọng để kiểm tra trình độ Nhật ngữ. Nếu bạn là một người đang muốn được sang Nhật du học hay làm việc thì chắc chắn đã từng nghe đến kỳ thi JLPT. Cùng Dekiru tìm hiểu các phương pháp vượt qua kì thi ngay