Họa sĩ vẽ tranh biếm họa hoạt hình Anbecks: "Làm lại" ở tuổi 35, từ bỏ cuộc sống ổn định ở nước ngoài để trở về và bay bổng với hội họa
Sau gần 20 năm sống và làm việc tại nước ngoài, năm 35 tuổi, họa sĩ vẽ tranh biếm họa hoạt hình Anbecks đã quyết định quay trở về để bắt đầu lại hành trình hội họa. Anh không xem đây là một "khởi đầu muộn" dù 35 tuổi mới chính thức "học vẽ" một cách bài bản.
11:17 09/03/2023
Họa sĩ vẽ tranh biếm họa hoạt hình Thái Hà An (nghệ danh: Anbecks) là chủ nhân của nhiều tác phẩm tranh biếm họa nổi tiếng trên mạng xã hội. Những bức biếm họa của anh được lấy cảm hứng từ câu chuyện đời thực, những nhân vật truyền cảm hứng về lối sống đẹp, những câu chuyện cảm động đã lay động cả triệu trái tim.
Anbecks sinh năm 1984, tại Hà Nội. Anh lớn lên trong một gia đình tri thức có mẹ là họa sĩ, bố là nhà văn. Anh tốt nghiệp đại học Bách khoa Warsaw tại Ba Lan, chuyên ngành kiến trúc rồi ở lại làm việc. Anh quyết định trở về Việt Nam sau gần 20 năm học tập và sinh sống. 4 năm trước, năm 35 tuổi, anh mới bắt đầu theo đuổi công việc vẽ tranh biếm họa hoạt hình. Các nhân vật với biểu cảm sinh động mà anh vẽ nên nhanh chóng thu hút sự chú ý, chia sẻ của nhiều người nổi tiếng và cộng đồng mạng.
Gặp anh Anbecks trong những ngày đầu của năm mới, anh xuất hiện với vẻ ngoài giống như với bức biếm họa anh tự vẽ chính mình. Anh kể lại một cách đầy thú vị về đam mê vẽ biếm họa, hành trình bắt đầu lại sự nghiệp ở tuổi 35 và những câu chuyện đầy cảm xúc bên lề là nguyên liệu để anh vẽ nên những bức biếm họa chạm đến trái tim của cộng đồng mạng.
Chào anh Anbecks, năm 35 tuổi, điều gì khiến anh quyết định rời Ba Lan để trở về Việt Nam sau gần 20 năm học tập, sinh sống và bắt đầu vào con đường trở thành họa sĩ vẽ tranh biếm họa hoạt hình?
Quyết định này đến một cách tự nhiên, tôi không nghĩ quá nhiều và cũng không tính quá xa. Ở Ba Lan, tôi tốt nghiệp đại học rồi kinh doanh nhưng tôi vẫn thường xuyên vẽ như một sở thích. Tôi biết vẽ từ bé vì mẹ là họa sĩ. Từ nhỏ, nhìn mẹ vẽ, tôi cũng lấy giấy ra vẽ theo, dần dần nó trở thành một thói quen, niềm yêu thích của tôi.
Ở Ba Lan, công việc của tôi khá thuận lợi và ổn định, nhưng mỗi lần về nước lại thấy bố mẹ ngày một già đi, bên cạnh đó càng ngày tôi càng cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam nhiều điều thú vị mà mình chưa có dịp tìm hiểu, khám phá, có gì đó vừa thân quen vừa mới mẻ, thế nên tôi quyết định quay trở về. Mỗi giai đoạn của cuộc sống chúng ta có những mục tiêu khác nhau. Vào lúc này, điều tôi muốn là được sống bên cạnh người thân, được làm công việc yêu thích, được đóng góp những điều nho nhỏ, tích cực cho xã hội.
Khi đó, anh có tính toán đến câu chuyện “được” và “mất” khi mình từ bỏ sự nghiệp ở Ba Lan để về nước bắt đầu với một hành trình theo đuổi đam mê hoàn toàn mới?
Tôi “được” rất nhiều. Cái được đầu tiên là được về với bố mẹ vì tôi xa nhà cũng lâu rồi, bên cạnh đó là về sống trên đất nước của mình, ăn món ăn của mình, nói ngôn ngữ của mình. Thứ hai là được cơ hội thay đổi, được trải nghiệm những điều mới mẻ. Còn nếu nói về khía cạnh “mất” thì nếu tiếp tục ở Ba Lan thì liệu tôi sẽ “không mất” gì hay không? Điều đó không thể chắc chắn được. Nhưng cái “được” khi về Việt Nam là rõ ràng. Ta chỉ sống có một lần trên đời, thời gian thì không đợi ai cả nên tôi quyết định cũng rất nhanh.
Ở khoảnh khắc nào anh nhận ra mình thật sự thích vẽ tranh biếm họa đến thế?
Vẽ tranh biếm họa hoạt hình là công việc tôi thấy vui nhất, có cảm hứng nhất và hầu như không khiến tôi thấy mệt mỏi. Công việc này đến với tôi một cách tự nhiên. Từ bé, tôi đã thích vẽ những gì hài hước mà có thể cho mọi người thấy vui. Tôi hay vẽ các bạn trong lớp với phong cách biếm hoạ, ngộ nghĩnh. Nhìn thấy những bức biếm họa đó, các bạn tôi bật cười thì tôi cảm thấy rất thích thú. Vẽ biếm họa theo tôi từ bé đến tận bây giờ. Nhưng trước đó, tôi vẽ như một sở thích nên cũng không dành quá nhiều thời gian hay công sức nghiên cứu, rèn luyện.
Cho đến một lần, tình cờ, một bức tranh biếm họa của tôi được chia sẻ rất rộng rãi. Lúc ấy, tôi rất vui và một suy nghĩ lóe lên trong đầu, tôi sẽ bắt đầu con đường vẽ tranh biếm họa một cách nghiêm túc. Tôi tự học lại tất cả mọi thứ về kiến thức hội họa, kỹ thuật để nâng cấp mình lên. Mỗi ngày tôi đều dành ra một khoảng thời gian để đọc, tham khảo thêm những kiến thức về mỹ thuật cũng như những phần mềm, công nghệ hỗ trợ…
Cái khó của anh khi bắt đầu học lại, làm lại năm 35 tuổi là gì?
Khi tôi trở về, mọi thứ khác nhiều nên tôi cũng phải mất nhiều thời gian để tái hòa nhập lại. Tôi phải làm lại từ đầu, gây dựng từng mối quan hệ. Sau một thời gian về nước, tôi thấy rất thú vị với cuộc sống ở Việt Nam. Mình là người Việt thì ở Việt Nam đúng là thích nhất.
Một trong những cái khó là mình không có bạn cùng trang lứa trong ngành để trao đổi, hỗ trợ. Đến tuổi ngoài 30, tôi mới nhảy ngang sang công việc này nên tìm những người cùng ngành để trao đổi cũng khó lắm. Vì các bạn ấy có khi trẻ hơn mình rất nhiều và ngành này thì liên quan đến công nghệ. Những cái khó khác thì chỉ ở lúc đầu thôi, mình chịu khó mày mò, học hỏi thì dần dần cũng vỡ ra.
Đến tuổi 35, anh mới thật sự theo đuổi đam mê của chính mình, nghĩa là khi đó anh mới có đủ dũng khí hay đây chỉ đơn giản là câu chuyện thời điểm?
Nó đúng là cái duyên. Một ngày bỗng tôi nhận ra rằng vẽ là công việc mình có khả năng nhất, yêu thích nhất, tại sao mình không làm? Trong khi từ trước đến nay mình toàn làm những việc mình không quá yêu thích, đam mê, chỉ bởi nó mang lại sự ổn định về kinh tế. Đôi khi cái vỏ bọc an toàn của chúng ta lớn quá, chúng ta không dám bước ra ngoài để xem xem xung quanh còn có những điều gì khác không.
Vậy theo anh, kiếm tiền để an tâm làm việc mình thích hay làm việc mình thích để kiếm tiền quan trọng hơn?
Điều này tôi nghĩ còn phụ thuộc vào độ tuổi. Ở tuổi mười tám đôi mươi, có thể mình chưa có nhiều trách nhiệm phải lo, bố mẹ cũng chưa già, đôi khi mình chỉ cần phải lo một khoản rất nhỏ cho mình, chi phí đó rất nhỏ thôi. Nhưng khi bước qua tuổi ba mươi, mình phải có tài chính ổn định hơn để lo cho bản thân và gia đình, vợ con... Nếu trở lại tuổi 18, tôi sẵn sàng làm những việc mình thích vì nhu cầu về tài chính không cần nhiều. Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng, một hoàn cảnh riêng nên rất khó tìm ra mẫu số chung cho tất cả. Mỗi chúng ta sẽ phải tự tìm tòi để viết nên câu chuyện riêng của chính mình.
Nếu nói mỗi bức tranh, tác phẩm là một câu chuyện thì trong tất cả những tác phẩm mà mình vẽ nên, câu chuyện nào khiến anh ấn tượng nhất?
Những câu chuyện tôi vẽ nên gắn liền với cuộc sống hàng ngày, có niềm vui và cũng có những nỗi buồn. Trong số đó, bức tranh vẽ về người cha chở bình oxy cho con, anh bán rau miễn phí trong đợt dịch hay gần đây là bức tranh tôn vinh hành động cứu người quên mình của 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy là những bức tranh tôi ấn tượng và đặt rất nhiều cảm xúc trong đó.
Cảm hứng để vẽ, tạo nên những tác phẩm của anh thường đến từ đâu và đến như thế nào?
Nếu là câu chuyện thời sự thì đầu tiên mình phải kiểm chứng xem thông tin này có xác thực hay không. Sau đó phải lắng nghe xem cảm xúc của mình về câu chuyện ấy như thế nào, chắt lọc những cảm xúc tốt, tích cực để dựa vào đó tạo thành chất liệu cho các tác phẩm. Tiếp theo, tôi sẽ nhìn lại toàn bộ sự việc xem hình ảnh nào lột tả đúng nhân vật và câu chuyện, chọn khoảnh khắc nào cho phù hợp. Để làm sao người xem nhìn vào, họ biết ngay mình đang nói đến nhân vật, câu chuyện nào cũng như hiểu và cảm nhận được những thông điệp mình gửi gắm trong đó.
Có câu chuyện nào anh cảm thấy “khó vẽ quá” không?
Cũng có nhưng cái khó nhưng thường không nằm ở mặt kỹ thuật. Đôi khi vẽ xong, tôi lại bỏ vì mình hơi lăn tăn về cảm xúc, thông điệp mình truyền tải. Có những bức vẽ xong mình thấy buồn quá và nghĩ liệu những người nhà của nhân vật trong tranh họ nhìn thấy, họ có nguôi ngoai hơn không hay càng thêm buồn hơn. Đôi khi những bức tranh quá buồn, tôi lựa chọn không đăng lên, vẽ cho mình thôi. Việc vẽ trước tiên là vẽ cho bản thân mình để thể hiện cảm xúc.
Có thể thấy, vẽ được một tác phẩm ưng ý đã khó và tác phẩm đó được công chúng đón nhận hay không còn là câu chuyện khác. Anh nghĩ điều gì ở tranh của có thể hấp dẫn được khán giả, độc giả?
Tôi nghĩ có 2 khía cạnh, thứ nhất là về yếu tố mỹ thuật, thẩm mỹ của tác phẩm, thứ hai về nội dung, thông điệp của tác giả gửi gắm. Trước mọi chủ đề tôi đều cố gắng tìm những khía cạnh tích cực để có thể mang lại cho mọi người cảm giác thoải mái khi xem tranh. Tôi vẽ theo phong cách biếm hoạ hoạt hình. Vì tranh hoạt hình là thứ cả trẻ em hay người lớn đều xem được, chỉ có thích nhiều hay ít thôi, chứ ít ai mà ghét hoạt hình lắm bởi nó dễ thương. Người ta nhìn vào sẽ cảm thấy thoải mái, một chút trẻ con nhưng vẫn cảm nhận được sự sâu lắng. Dòng tranh này cũng đòi hỏi người nghệ sĩ nắm bắt được kỹ thuật, các kiến thức về bố cục, ánh sáng…
Được biết, anh sinh ra trong một gia đình tri thức có mẹ làm hoạ sĩ, bố là nhà văn. Có phải mẹ anh chính là người truyền cảm hứng hội hoạ cho anh?
Vẽ như là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi ngày bé. Khi mẹ vẽ, tôi sẽ ngồi nhìn. Tranh mẹ vẽ được treo đầy nhà. Bột màu, vóc tranh sơn mài… lúc nào cũng sẵn bên cạnh. Lúc ấy, còn nhỏ, tôi cũng lấy giấy bút và màu vẽ nguệch ngoạc theo. Mình nhìn thấy, ngửi thấy “mùi của tranh”, dần dần mình thích nó.
Việc anh trở thành họa sĩ vẽ tranh biếm họa có đúng là đi theo lộ trình, như một cách nối nghiệp mẹ không?
Tôi cũng nghĩ đó là cái duyên, bởi mình nối nghiệp vẽ của mẹ như một lẽ rất tự nhiên nhưng trước đó lại chưa từng nghĩ sau này mình sẽ trở thành họa sĩ như bây giờ. Vì ngày xưa, hồi tôi học cấp 3, nếu nói đến vẽ chỉ có vẽ truyền thống, sơn dầu, sơn mài… Lúc ấy chưa có bảng vẽ điện tử, nếu vẽ biếm họa thì chỉ vẽ được trên giấy, rồi được đăng ở một vài mục trên báo. Bên cạnh đó, internet hay mạng xã hội khi đó cũng gần như không có nên vẽ biếm hoạ không có nhiều hướng phát triển.
Mẹ cũng thử hướng tôi học mỹ thuật truyền thống nhưng cá nhân tôi thích vẽ một bức tranh mà nhìn vào người ta có thể phá lên cười sảng khoái. Và đúng thời điểm này thì đã có sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội cũng như hoạt động giải trí, truyền thông, quảng cáo nên vẽ tranh biếm hoạ hoạt hình cũng có nhiều "đất dụng võ" hơn.
Lớn lên trong một gia đình tri thức, văn hóa gia đình cũng như cách nuôi dạy con cái của bố mẹ anh có gì đặc biệt?
Sự nuôi dạy nghiêm khắc của bố mẹ tôi nghĩ là điều rất quan trọng. Lúc còn nhỏ đôi khi tôi cảm thấy mình bị gò bó nhưng lớn lên mới hiểu được sự nghiêm khắc này có ý nghĩa lớn thế nào. Đó chính là điều cốt lõi để khi ra ngoài đời, tôi luôn bám vào, giúp bản thân không bị phạm phải những lằn ranh liên quan đến giá trị đạo đức, lối sống. Những du học sinh tuổi đôi mươi khi đến một đất nước khác, họ đôi khi như những “chú chim sổ lồng", được tự do, không còn bị kiểm soát của bố mẹ, nếu không cẩn thận rất dễ chểnh mảng, thậm chí bị vấp ngã. May là những uốn nắn rất nghiêm của bố mẹ khiến tôi giữ được nguyên tắc, làm gì thì làm nhưng luôn có giới hạn mình không được phép phạm phải.
Bài học quý giá nhất mà anh nhận được từ bố, mẹ mình là gì?
Bố mẹ dạy tôi rằng “không cho mình làm cái rốn của vũ trụ”, không lấy mình là tâm của mọi thứ và luôn đặt mình vào những góc khác nhau để nhìn nhận sự việc. Đây là điều rất có lợi cho tôi khi vẽ tranh. Ở một câu chuyện, tôi không nhìn khía cạnh của mình và đặt mình nhìn khía cạnh của người trong cuộc, nhìn đa chiều… để thấy sự việc chân thực hơn. Hay khi đi đường, nhiều người đi ẩu khiến mình khó chịu, nhưng nghĩ lại, họ đang vội thì sao, nhỡ nhà họ có người bị ốm, vợ họ chuẩn bị đi đẻ thì sao…Nếu mình trong hoàn cảnh đó, mình cũng vội, thì phải thông cảm cho họ chứ. Chính những điều bố mẹ dạy, tôi vận dụng trong cuộc sống khiến cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn, câu chuyện nào không như ý xảy ra sẽ không cảm thấy mình đen đủi, bực dọc nữa.
Từ khi trở thành họa sĩ vẽ biếm họa, về Việt Nam, nhìn lại, anh thấy mình có sự thay đổi như thế nào?
Tôi thấy mình thoải mái hơn nhiều, đặc biệt về đầu óc. Vốn dĩ tôi không phải người sinh ra để kinh doanh, nên khi làm kinh doanh thì mình phải cố. Giống như mình là con cá, nhưng lại phải leo cây, cố mãi sẽ mệt. Khi về Việt Nam, trở thành họa sĩ, được vẽ tranh, sáng tác hàng ngày thì con cá ấy được thả đúng vào dòng sông của mình, có thể bơi tung tăng cả ngày mà vẫn rất thoải mái, không mệt mỏi. Được làm công việc mình thích là một điều cực kỳ tuyệt vời. Tôi nghĩ khi ta không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc, thay vào đó chú tâm vào công việc, không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ thì sớm hay muộn cũng sẽ đạt được thành công.
Theo anh, với một người làm họa sĩ vẽ tranh biếm họa, ngoài năng khiếu, cảm hứng… còn cần những yếu tố gì khác?
Với tôi hoạ sĩ biếm hoạ hoạt hình cần 2 yếu tố là kỹ năng và tư duy. Yếu tố tư duy nó bao gồm óc hài hước, khả năng quan sát và nền tảng kiến thức để biết đánh giá thông tin sự việc, chọn được góc nhìn hợp lý để phản ánh. Trong tranh biếm họa hoạt hình thì biếm họa là để khắc họa những thông tin thời sự, nhân vật, sự kiện còn yếu tố hoạt hình là tôi dùng để phủ lên đó một màu sắc dễ thương, gần gũi, tích cực. Tôi kết hợp 2 yếu tố này lại để đạt được hiệu quả cao nhất cho người xem.
Với việc vẽ những bức tranh biếm họa hoạt hình, anh đặt ra cho mình nguyên tắc hay tiêu chí bất di bất dịch nào?
Đầu tiên, là một sản phẩm mỹ thuật thì phải đáp ứng được tính mỹ thuật, có thẩm mỹ. Tôi không chấp nhận một sản phẩm không thẩm mỹ, xuề xòa, dù đôi khi là những sự kiện thời sự nóng hổi nhưng vẫn phải đảm bảo được sự trau chuốt về yếu tố mĩ thuật. Tranh ý nghĩa có hay, thông điệp có tốt đẹp nhưng cách thể hiện xấu là không được. Nội dung phải văn minh, không thể lựa chọn những nội dung theo trend lộn xộn. Tôi thấy lo lắng khi một số bạn trẻ bây giờ theo đuổi những trào lưu vô bổ, đôi khi độc hại. Mình là một cá nhân, khó có thể kỳ vọng thay đổi cả một nhóm người nhưng ít nhất mình cũng có thể lan tỏa suy nghĩ văn minh, góc nhìn tích cực tới mọi người.
Nếu để nói một vài điều truyền cảm hứng tới các bạn trẻ nhất là những bạn muốn theo đuổi công việc hội họa, anh sẽ nói gì?
Tôi luôn khuyến khích các bạn thử và tìm hiểu nghệ thuật. Điều có lợi đầu tiên là mình sẽ tránh xa những thứ vô bổ, mất thời gian khác ra. Theo dõi mấy thứ vô thưởng vô phạt trên mạng không những làm mất thời gian mà còn làm giảm thị hiếu, thẩm mỹ của bản thân mình. Thay vào đó, mình tìm hiểu những thứ đẹp đẽ, nhân văn, để nâng cấp tư duy về thẩm mĩ của mình lên, đừng dễ dãi quá. Khi bạn thích làm nghệ thuật thì nên thử, bởi nếu không thử thì sẽ không biết mình làm được hay không. Đừng bao giờ sợ muộn, ngại là mình không biết làm, có những người 20 tuổi mới học vẽ hay như tôi 35 tuổi mới chính thức nghiên cứu, học vẽ một cách bài bản. Chẳng có gì là muộn cả, mình còn học cả đời. Mẹ tôi năm nay gần 70 tuổi, bà vẫn vẽ rất nhiều và đi xem triển lãm tranh thường xuyên. Sau cùng, tôi nghĩ, trong cuộc sống hãy biết vừa đủ, chúng ta dành thời gian để chăm chút cho tâm hồn mình.
Chân dung người thầy giáo gốc Việt mở trường trên đất Mỹ: Ước mơ của tôi là giúp người khác thực hiện được ước mơ
600 là con số học sinh thuộc diện yếu kém mà thầy giáo Văn Tấn Hoàng Vỹ đã giúp “đưa đò” đến các trường đại học trong 4 năm tại trường Sam Houston, Texas (Mỹ).