Hội những người làm 'vườn Việt' ở Mỹ
Nhớ quê, nhiều người Việt có một ước là có một khu vườn để khỏa lấp ký ức được cầm cuốc, trồng cây và, tự chủ được rau củ để chế biến các món ăn quê nhà.
14:57 01/02/2023
Từ tình yêu làm vườn, những người Việt ở Mỹ đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết như ruột thịt.
Tại Houston, Texas, chị Thư Phan là chủ nhân của một khu vườn không quá rộng nhưng trồng "không thiếu cây gì của Việt Nam". Vườn của chị có từ lạc tiên, gấc, thanh long, đến các loại rau như thiên lý, lá giang, rau má, rau rút...
Vườn nhà chị Thư có gần như mọi loại rau Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chị Thư thường xuyên gửi tặng cây giống, hạt giống cho đồng hương, mỗi lần khoảng 50 phần cây, 60 phần hạt. Để gửi được chừng này, chị phải mất cả ngày ngồi gói cây cẩn thận, ghi chú thích từng loại hạt và địa chỉ. Thi thoảng vườn nhiều rau trái, chị đăng lên trang cá nhân mời mọi người qua lấy. Mới đây chị treo trước nhà gần 300 phần cây lạc tiên, ai tiện qua thì lấy, dù chủ nhà đi vắng cả ngày.
"Thương nhất là những em ở vùng xa người Việt, mới qua đây, lại mang bầu, chồng đi làm, thèm bát canh rau mà không mua được. San sẻ được với các em ấy lúc đó tôi vô cùng hạnh phúc", chị Thư kể.
Tại Seatle, bang Washington có một hội làm vườn với 100 thành viên. "Bang chủ" của nhóm là chị Mai Liên, chủ nhân của một khu vườn rộng 1.000 m2, có cả trăm loại hoa, rau và cây ăn quả.
Cách nhà chị Liên không xa là khu vườn của anh Khánh Vũ. Đặc trưng của vườn là có cả trăm các tác phẩm thủy tinh được bài trí xen kẽ các loại hoa, cùng bổ trợ tôn lên vẻ đẹp cho nhau.
Trong nhóm còn có vườn hoa treo của chị Ngọc, sự tĩnh lặng kiểu vườn Nhật của chị Hiền, góc Việt Nam của chị Kim Hiếu hay nhà kính hoành tráng của chị Xuân Bình...
Hội những Vườn Việt ở Seattle, mỗi người có một khu vườn đặc trưng riêng. Trong hình, chị Mai Liên (áo hồng, hàng đầu). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chị Mai Liên kể, cuộc gặp mặt lần đầu của hội những người làm "Vườn Việt" diễn ra tại nhà chị. Khi đó mọi người chỉ quen qua mạng nên ai đến đều đeo bảng tên trên áo để dễ nhận diện. Sau một hồi nói chuyện và đùa giỡn mọi người cảm giác như đã "thân thiết từ kiếp trước".
Từ đó, họ thường tổ chức họp mặt luân phiên ở nhà mỗi người mỗi tháng. Nhóm hoạt động tích cực với rất nhiều hoạt động từ nấu các món đặc trưng quê mình, học makeup, cùng giúp nhau tỉa cây, làm vườn. Khi ra về, ai nấy khiêng đầy xe nào cây, hoa và hạt giống của chủ nhà.
Khi có người gặp khó khăn, cả nhóm xúm vào giúp đỡ. "Có những bạn gặp vấn đề trong chuyện gia đình, kinh tế hay con nhỏ, cả nhóm đã tổ chức quyên góp tài vật, thay nhau đưa đón các bé đi học hay an ủi về tinh thần giúp họ vượt qua", chị Liên cho hay. Riêng với chị, nhờ vườn mà đã có nhiều "em nuôi, mẹ nuôi" rải rác xứ cờ hoa.
Sang Mỹ 5 năm, chị Kim Hiếu, ở Washington đã làm quen được với cuộc sống ở đây hoàn toàn nhờ thú vui vườn tược. Vốn là cô gái năng động, làm ở công ty nước ngoài nhưng từ lúc lấy chồng chỉ ở nhà nội trợ, chăm con khiến chị Hiếu có lúc chông chênh. "Tôi tìm đến làm vườn ban đầu chỉ vì muốn bản thân bận rộn", chị chia sẻ.
Song sau đó, chị tham gia các hội trồng cây của người Việt ở Mỹ, khoe về các chum lọ trong vườn khuân từ Việt Nam sang, bụi tú cầu nghìn bông... Từ đó chị làm quen được với nhiều người Việt khác chung sở thích. Một ngày đẹp trời, chị tổ chức buổi tiệc tại nhà mình mời mọi người đến với hơn hai chục vị khách.
"Đó là lần đầu sau 3 năm sống ở Mỹ tôi được trở về là chính con người mình, được đùa giỡn, cười nói những từ rất Việt. Lần đầu tôi được bộc lộ bản chất 'lầy lội', hài hước của mình", chị tâm sự. Mấy năm qua Mỹ, không bạn bè, không đi làm, chỉ quanh quẩn với con và chồng, chị đã "bỏ quên một phần con người mình mà không hề biết".
Chị Kim Hiếu được sống là con người vui tính, phóng khoáng kể từ khi kết nối được với những người Việt tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sau lần đó, chị Hiếu học lái xe để có thể tự đến thăm các chị em, cùng nhau uống trà chiều, đi shopping. Mỗi năm đến mùa gieo trồng, họ lại gọi nhau để chia sẻ hạt giống, hoặc mách nhau chỗ nào giảm giá phân, đất trồng, giống hoa... Dần dà những người Việt tại đây thân thiết như một gia đình. Có lần Hiếu bị cảm đã có người đồng hương nấu đồ ăn mang đến tận nhà.
Điều thú vị là khi còn ở Việt Nam hiếm khi có dịp mặc áo dài, áo bà ba. Qua đây những chiếc áo này thành trang phục mà ai cũng háo hức được mặc mỗi dịp gặp nhau. "Trước đây ở Việt Nam, giống như cá trong nước, nên điều đó không được thể hiện rõ nét. Nay xa xứ, được khoác lên mình tấm áo quê hương là cần thiết để giữ gìn truyền thống, tự hào về bản sắc dân tộc và vỗ về cõi lòng thiếu thốn của những người con xa xứ", chị Hiếu bộc bạch.
Năm nay vì Covid-19 nên nhóm không họp hành mỗi tháng. Họ chia thành nhóm nhỏ vài người để gặp nhau, cùng đi dã ngoại, đào sò, leo núi và trao nhau những sản phẩm cây trái nhà trồng. Đây cũng là năm đầu tiên nhóm tổ chức bán hạt giống, cây giống, đồng thời kêu gọi ủng hộ. Từ đó, nhóm đã gom được gần 10.000 đôla gửi về Việt Nam để sửa lại nhà cho các nữ tu ở Lộc Nam (Lâm Đồng).
"Đây là niềm vui lớn nhất mà tôi cảm thấy rất hữu ích từ việc làm vườn. Vườn mang lại những món ăn sạch sẽ không chỉ cho gia đình, bạn bè và người quen, mà còn giúp ích được cho những người đang gặp khó khăn", chị Mai Liên, người khởi xướng phong trào chia sẻ.
Gia đình gốc Việt có ba con tốt nghiệp đại học top đầu Mỹ
Chị Kim Ngọc làm nail và đóng gói sách, anh Thành Lễ làm kỹ thuật viên ở hai công ty để nuôi ba con vào Cornell - đại học danh tiếng khối Ivy League.