Hy hữu lạc 50 năm, anh trai ở Mỹ tìm ra em ruột chỉ sau 2 giờ đăng lên mạng: Về VN anh em làm giỗ mẹ
Lạc gia đình 50 năm nhưng người đàn ông gốc Việt đang sống ở Mỹ đã vỡ òa tìm lại người thân chỉ sau 2 tiếng đăng tin lên mạng xã hội.
20:47 12/02/2023
Đó là câu chuyện hy hữu và vô cùng cảm động của ông Ton Ogi-Robbins (52 tuổi) mà mình đọc được trên Thanh Niên. Trong dịp đầu năm 2023, ông Ton đã đáp chuyến bay từ California (Mỹ) đến đất nước hình chữ S sau nửa thế kỷ tha hương. Trước chuyến bay, ông đã trằn trọc cả đêm vì đây là lần đầu tiên ông đặt chân về quê cha đất mẹ sau ngần ấy năm được gia đình người Mỹ nhận nuôi.
(Ảnh Thanh Niên)
Từ sáng sớm, anh Cao Thành Luân (37 tuổi, ở Quận 10, TP.HCM) - em trai cùng mẹ khác cha với ông Ton - đã có mặt tại sân bay để đón người anh thất lạc 50 năm. Ở giây phút đoàn viên, hai anh em đã vỡ òa ôm chầm lấy nhau đầy xúc động bởi sau cùng họ đã tìm được người thân của mình.
"Khoảnh khắc đó, tôi cũng không biết phải diễn tả như thế nào. Tới giờ tôi vẫn chưa thể tin là mình đang ở Việt Nam, được trò chuyện trực tiếp với em trai mình, được trở lại quê hương với những mơ hồ, chập chờn trong ký ức hồi còn 5 tuổi khi sống cùng mẹ", ông Ton bộc bạch.
Ông Ton lúc nhỏ. (Ảnh Thanh Niên)
Ngày gặp lại, tuy mẹ đã không còn và đó là nỗi mất mát lớn lao nhưng người đàn ông 52 tuổi phần nào cảm thấy được an ủi vì gặp lại em trai cùng mẹ khác cha. Tuy mẹ đã mất nhưng ông Ton ít nhiều được nghe em trai chia sẻ về người mẹ ruột của mình. Sau khi cùng làm giỗ cho mẹ, anh em ông Ton - Luân sẽ đưa tro cốt của mẹ về lại Quảng Nam để thực hiện di nguyện cuối cùng của bà.
Ở đời, mình nghĩ một trong những niềm vui lớn lao và đầy hạnh phúc, xúc động là tìm lại được người thân đã thất lạc. Giữa biển người mênh mông, việc tìm ra nguồn cội, người cùng mang huyết thống với mình quả là xen lẫn muôn vàn cảm xúc.
Ông Ton lúc trẻ và gia đình nuôi ở Mỹ. (Ảnh Thanh Niên)
Trước đó, câu chuyện tìm người thân của ông Ton từng được đăng trên Thanh Niên và nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy ông thất lạc gia đình gần 50 năm nhưng lại tìm ra em trai cung mẹ khác cha chỉ sau… 2 tiếng đăng thông tin lên mạng xã hội. Quả là rất hy hữu!
Để tìm lại người thân, ông Ton đã liên lạc với anh Phúc - kiến trúc sư ở TP.HCM - cung cấp thông tin của bản thân để nhờ hỗ trợ. Sau đó, câu chuyện của người đàn ông này được bên Thanh Niên giúp lan tỏa trên mạng xã hội để nhiều người được biết và hy vọng sớm gặp được điều kỳ diệu.
(Ảnh Thanh Niên)
Chỉ sau 2 tiếng đăng tin lên mạng xã hội, anh Cao Thành Luân đã liên lạc với anh Phúc, nhận là người em trai cùng mẹ khác cha với người đàn ông cách xa nửa vòng trái đất.
"Lúc đọc tin, tôi như không tin vào mắt mình, bật khóc như một đứa trẻ. Rõ ràng, người trong hình là mẹ mình lúc trẻ, và suốt cả cuộc đời, cho đến lúc mất, bà vẫn không thôi nhớ về anh Tuấn, người con trai mà bà đã gửi sang Mỹ. Thực sự lúc này, trong tôi có quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa vui, nhưng cũng thật là nuối tiếc vì mẹ tôi mất năm 2019", anh Luân chia sẻ trên Thanh Niên.
Sau khi đến tận nơi để xác minh, đối chiếu những thông tin, giấy tờ, anh Phúc xác nhận tất cả đều trùng khớp và đây là 2 anh em cùng mẹ khác cha thất lạc nhau gần 50 năm ròng. Ngày rời Việt Nam, ông Ton chỉ là cậu bé 5 tuổi và ngày đặt chân quay về gặp gia đình ruột thịt, ông đã ngoài 50 và tóc hoa râm. Chớp mắt đã trôi qua nửa đời người.
(Ảnh Thanh Niên)
Ngày đoàn viên, anh Luân không nói được tiếng Anh và ông Ton cũng không biết tiếng Việt. Hai anh em nhờ ứng dụng dịch thuật để trao đổi, trò chuyện với nhau. Tuy gặp rào cản ngôn ngữ nhưng sợi dây tình thân vô hình cũng như niềm vui vỡ òa ngày đoàn viên đã kết nối 2 anh em.
Lá rụng về cội, câu nói quen thuộc của người xưa quả thật rất thấm thía. Dù được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, được lớn lên ở môi trường phát triển nhưng nhiều người vẫn đau đáu về nguồn cội của mình, tha thiết được biết bố mẹ, anh chị em ruột thịt của mình hiện ra sao.
Tâm sự dân “xóm Việt kiều”: Không một giấy tờ tùy thân, không rõ gốc gác và không biết chữ
Đa số những người Việt từ Campuchia về nước sống tại xã Phước Minh từ đầu những năm 2000. Do bên đó làm ăn khó khăn, họ trở về với đôi bàn tay trắng, đều không một giấy tờ tùy thân, không rõ gốc gác và không biết chữ.