Khởi nghiệp ở Nhật ngành nào đẻ ra tiền?
Khởi nghiệp ở Nhật ngành nào đẻ ra tiền?
14:29 17/02/2018
Dưới đây là bài phỏng vấn chia sẽ của chị Vũ Thu Hà, vê dự án khởi nghiệp ở Nhật ngành nào đẻ ra tiền? . Người được cộng đồng Việt Nam biết đến là một trong những doanh nhân Việt Nam thành công trên đất Nhật. Chị Vũ Thu Hà chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi muốn khởi nghiệp ở Nhật cũng như nhận định của riêng chị về tiềm năng của một số ngành kinh doanh còn nhiều tiềm năng phát triển.
Là một doanh nhân khởi nghiệp có thể coi là thành công trên đất Nhật, chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ Việt Nam hiện nay muốn khởi nghiệp ở Nhật, theo chị, họ nên khởi nghiệp ngay khi thấy cơ hội hay nên học và đi làm một thời gian rồi mới khởi nghiệp?
Trước hết, cảm ơn em rất nhiều đã ưu ái dành cho chị cơ hội được trò chuyện lần này. Chị cũng phải nhấn mạnh luôn là chị chưa có thành tựu gì đáng kể để có thể coi là thành công được, chỉ là tạm coi “đang sống sót được” sau 4 năm khởi nghiệp mà thôi.
Trả lời câu hỏi của em, chị nghĩ đối với mỗi ngành nghề, mỗi hoàn cảnh, sẽ tự tìm cho mình con đường riêng, không ai có thể giống ai cả. Nên học và đi làm một thời gian” – cái “thời gian” đó là bao lâu, không của ai giống ai cả. Từ kinh nghiệm của mình, chị chỉ thấy rằng, có 2 thứ mất đi không bao giờ lấy lại được: đó là cơ hội và tuổi trẻ…Học hành và tích lũy kinh nghiệm là việc cả đời không bao giờ đủ, biển học vô bờ, và kinh nghiệm thì chỉ từ những vấp ngã thực tế mà đúc kết nên thôi.
Lĩnh vực để khởi nghiệp nào theo chị sẽ có tìm năng trong khoảng từ 3 đến 5 năm tới?
Ẩm thực, kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ có thể coi như những ngành rất tiềm năng vì thực tế khắp nơi trên thế giới, các ngành này vẫn đang tiếp tục được phát triển, ra đời nhiều thương hiệu mới, không riêng gì chỉ Việt Nam hay Nhật.
Nếu là các bạn trẻ khởi nghiệp ở Nhật, chị nghĩ quan trọng nhất là xem mình có thế mạnh gì. Nấu ăn ngon, hay có tâm huyết với lĩnh vực ẩm thực, thì còn chần chừ gì nữa, hãy cố gắng lên. Nhìn xung quanh cộng đồng người Việt mình ở Mỹ, Úc, hay châu Âu…, có biết bao tên tuổi đã đưa phở, bánh mì… của mình ra nước ngoài. Ở Nhật, đặc biệt như Fukuoka chỗ chị, còn quá ít quán Việt nam, so với quán Tàu, hay thậm chí quán Ấn độ, trong khi hỏi 10 người Nhật thì có đến 9 người nói món Việt gần món Nhật hơn cả, dễ vừa miệng người Nhật hơn cả. Như vậy có thể nói tiềm năng cho việc kinh doanh đồ ăn Việt tại Nhật còn rất lớn. Nhưng thách thức của ngành không phải ít.
Nói vậy, chứ thật lòng bản thân công ty của chị cũng từng thất bại với 1 quán phở Việt Nam rất đẹp, ngay từ năm đầu tiên thành lập công ty. Chị không có tâm huyết với lĩnh vực ẩm thực, nên đã không quyết tâm đi đến cùng, dù rất tiếc. Bọn chị làm về xuất nhập khẩu hàng hóa, vì đó mới là thế mạnh của dân Ngoại thương.
Làm kinh doanh hàng hóa có cái rủi ro lớn là cần vốn, và phải đầu tư cho hàng hóa, kho bãi, vì thế, bạn nào không đủ mạnh về vốn, không gọi vốn được, nên bắt đầu từ các ngành dịch vụ thì đỡ sức ép hơn.
Môi trường khởi nghiệp tại Nhật có những yếu tố gì quan trọng nhất cần phải chú ý?
Khởi nghiệp, hay nói cách khác, làm kinh doanh ở Nhật, chị nghĩ quan trọng nhất là phải giữ chữ tín. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật họ có những công ty cung cấp dịch vụ đánh giá, cho điểm uy tín, năng lực của một công ty, và dựa vào dữ liệu đó, các đối tác sẽ đánh giá mình để có hướng hợp tác phù hợp.
Ví dụ điểm cao, sẽ được thanh toán trả sau 1 cho đến 3 tháng, thay vì trả ngay khi giao hàng… hay tự động các ngân hàng sẽ thay nhau đến chào đón các gói vay với lãi suất ưu đãi nhất của họ, và mình được ở vào thế lựa chọn có lợi nhất. Cho nên, phải đặc biệt chú ý, nhất là với những công ty còn trẻ, giao hàng đúng hẹn, thanh toán nghiêm túc, vân vân… Thêm một yếu tố nữa là cần tuân thủ luật pháp. Môi trường pháp lí cho các doanh nghiệp ở Nhật rất rành mạch, rõ ràng, không gây khó khăn gì, nhưng bù lại cần phải “sống và làm việc” theo pháp luật, nhất là từ góc độ người nước ngoài như mình, có vô vàn quy định tưởng chừng đơn giản mà mình lại không biết.
Từ kinh nghiệm của cá nhân chị, chị thấy môi trường khởi nghiệp Nhật có những thuận lợi và khó khăn gì?
Thuận lợi thì chị nghĩ là một nước Nhật già cỗi như mọi người thấy, sẽ rất cần “sức trẻ” của chúng ta. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt Nhật đang phát triển rực rỡ, mối quan tâm của người Nhật đối với các sản phẩm made in Việt nam ngày càng lớn, cùng với “cơn sốt hàng Nhật”, “trào lưu đi du lịch hay khám bệnh ở Nhật” vân vân… ngày càng phát triển ở Việt nam, sẽ có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp “gốc Việt nam” tại Nhật, cầu nối kinh tế trực tiếp nhất của 2 đất nước.
Khó khăn thì khi bắt tay vào thực tế mới tự “trải nghiệm” được. Cơ bản nhất, thì có lẽ là ở “tính bảo thủ” của người Nhật và “tính tùy tiện” của người Việt không thể dung hòa được với nhau. Tính bảo thủ của người Nhật, sẽ thể hiện rõ ở Việt để chen chân 1 sản phẩm mới “made in Vietnam” y hệt thay thế “made in China” chẳng hạn, sẵn có của họ, sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Người Nhật nhìn chung ngại thay đổi, ngại thử nghiệm cái mới nếu cái cũ không có gì phàn nàn… Nhưng bù lại, tính bảo thủ đó đi kèm với sự trung thành, một khi họ đã quen với sản phẩm, dịch vụ của bạn rồi, họ sẽ không muốn thay đổi nữa.
Tính tùy tiện của người Việt sẽ xuất hiện ở những doanh nghiệp chưa hoặc ít có kinh nghiệm làm việc với đối tác Nhật. Nhiều việc họ nghĩ hoàn toàn bình thường ở Việt nam có khi lại là không thể chấp nhận được đối với phía Nhật.
Hàng lỗi chút có sao đâu mà kêu, soi kĩ thế, khó tính thế… có thể là tâm trạng dễ hiểu của những doanh nghiệp Việt nam lần đầu làm việc với phía Nhật. Chị luôn trăn trở muốn tăng sản lượng hàng made in Vietnam sang Nhật để cân bằng với mảng hàng từ Nhật về hiện nay mà loay hoay mãi chưa làm được, có lẽ đó chính là khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty chị.
Xin cám ơn chị về bài phỏng vấn rất ý nghĩa!
Nguồn: huongminh.edu.vn
Góc ảnh: Những mâm cỗ Tết xa nhà ở Nhật
Dù có đi đâu thì Tết và những món ăn truyền thống vẫn là một phần quan trọng trong trái tim người Việt.