Kiểm tra sức khỏe kiểu Nhật tại BV Chợ Rẫy: Phát hiện nhiều người mắc ung thư sớm
Để được kiểm tra sức khỏe kiểu Nhật Bản, người bệnh phải trả lời bộ câu hỏi 140 câu, có khi phải ngồi hàng giờ để nhớ lại quá khứ bệnh tật của mình, gia đình.
18:00 19/01/2019
Kiểm tra sức khỏe kiểu Nhật Bản tại BV Chợ Rẫy - ẢNH: DUY TÍNH
Sau 3 tháng hoạt động, Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt - Nhật (gọi tắt là Trung tâm HECI) đặt tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã kiểm tra sức khỏe cho 500 người, trong đó phát hiện từ 10 - 20% mắc bệnh cần điều trị, trong số này có nhiều người mắc ung thư.
Một bộ câu hỏi khá chi tiết về quá khứ, hiện tại bệnh tật của người muốn kiểm tra sức khỏe - ẢNH: DUY TÍNH
Bác sĩ Cao Thị Hồng, phụ trách Trung tâm HECI, cho biết phần lớn người dân đến tầm soát sức khỏe tại HECI trong tình trạng khỏe mạnh, chưa có triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, sau tầm soát phát hiện có một số người bị ung thư dạ dày, đại trực tràng… giai đoạn sớm qua nội soi, sinh thiết dù trước đó họ không có nguy cơ, không có yếu tố lâm sàng, cũng có một số người có liên quan đến uống rượu và hút thuốc lá. Ngoài ra, còn có một số ca ung thư gan, tụy.
“Khi phát hiện bệnh nhân mắc bệnh ung thư Trung tâm HECI mời các chuyên gia BV Chợ Rẫy đến hội chẩn, khi cần điều trị chuyên sâu hay phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ được nhập vào BV Chợ Rẫy. Còn đối với bệnh phụ nữ thì sẽ chuyển về BV Hùng Vương”, bác sĩ Hồng nói.
Ngoài ra, qua tầm soát, Trung tâm HECI còn phát hiện nhiều người bị đái tháo đường, tăng huyết áp giai đoạn sớm…
“Đặc biệt, qua khám bệnh chúng tôi thấy có mối liên hệ mật thiết giữa bệnh sử và bệnh hiện tại của bệnh nhân. Người khai có thói quen uống rượu, hút thuốc nhiều, hoặc chế độ không ăn kiêng, lười luyện tập… thì đa số bao giờ cũng bị cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, gout…”, bác sĩ Hồng cho biết thêm.
Tuy nhiên, để được kiểm tra sức khỏe kiểu Nhật, người bệnh phải trả lời bộ câu hỏi 140 câu. Bộ câu hỏi bao gồm các nội dung lối sống, thói quen hằng ngày, bệnh tật trong quá khứ, tiền sử sử dụng thuốc, tiền sử phẫu thuật, tiền sử bệnh tật của gia đình, các bệnh tật hiện tại,…
Một người bệnh phải mất từ 45 - 60 phút để trả lời 140 câu hỏi liên quan. Nhờ vậy sẽ giúp bác sĩ nắm được tổng quát về tình hình sức khỏe người bệnh từ nhỏ đến lớn, những vấn đề bệnh nhân lo lắng, từ đó đưa ra hướng tư vấn, chẩn đoán phù hợp.
Chị Trần Duyên Minh Khoa (41 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết chị đã phải mất 45 phút để trả lời 140 câu hỏi. Có những câu hỏi khiến chị suy nghĩ khá lâu vì quên mất bệnh tật trong quá khứ nên phải hỏi lại người thân.
Tuy nhiên, qua trả lời bộ câu hỏi giúp chị nắm rõ và quan tâm đến tình trạng sức khỏe mình hơn. Sau khi khám tại đây, chị Khoa cho biết sẽ đưa chồng và bố mẹ hai bên gia đình đến khám thay vì đi nước ngoài như dự định trước đó.
Theo: thanhnien.vn
Sắp tới, lao động đi XKLĐ Nhật sẽ không cần biết tiếng Nhật?
Tới năm 2040, Nhật Bản ước tính số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) của nước này sẽ giảm 15 triệu người, một con số đáng báo động.