Lao động đi Nhật Bản: Thành công nhờ nhẫn nại
Nếu đến Nhật Bản chỉ để kiếm tiền thì bạn đang đánh mất cơ hội để học tập và phát triển sự nghiệp về sau
09:00 17/09/2018
Nhiều người chọn đi Nhật Bản làm việc với mục tiêu chính là để kiếm tiền nên khi trở về nước, họ không thể tìm kiếm được công việc phù hợp, thậm chí trắng tay và buộc phải làm lại từ đầu. Thế nhưng, cũng có rất nhiều người sau khi quay về đã tiếp tục phát triển sự nghiệp, góp phần xây dựng quê hương và thành công nhất định dù phải mất nhiều thời gian cùng nỗ lực vượt khó để thành công.
Hãy tập cách té đau
“Muốn thành công, bạn phải đặt hết tâm huyết vào việc học tập và tiếp thu kiến thức” – anh Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác O.N Precision Việt Nam, đã chia sẻ như vậy trong buổi nói chuyện với các học viên đang theo học tại Công ty TNHH Esuhai, chuẩn bị sang Nhật Bản làm thực tập sinh (TTS). Anh Trung từng là TTS kỹ năng tại Nhật Bản và hiện đang điều hành một doanh nghiệp (DN) của chính mình tại huyện Củ Chi, TP HCM.
Anh Nguyễn Ngọc Trung (người đứng) chia sẻ kinh nghiệm học tập và làm việc tại Nhật Bản với các bạn học viên Esuhai
Với tư cách là thế hệ đi trước, anh Trung cùng 2 người em ruột là Nguyễn Ngọc Dũng và Nguyễn Ngọc Hiếu đã có những chia sẻ hết sức chân thực về quá trình sống và làm việc tại Nhật Bản. Đều là những lao động xuất khẩu, giờ đây anh Trung, anh Hiếu đã có công ty riêng tại Việt Nam, còn anh Dũng đang là kỹ sư chủ chốt trong một công ty lớn tại Nhật Bản.
Đâu là lý do khiến cho 3 anh em của anh Trung có được thành quả như ngày hôm nay? “Mấu chốt quan trọng nhất là các bạn phải kiên trì với mục tiêu của cuộc đời mình. Chỉ có mình mới hiểu hết con người mình, mới biết mình làm được gì và phát triển nó ở đâu. Ban đầu tôi đặt ra mục tiêu là sẽ theo đuổi ngành cơ khí chính xác và phải phát triển nó trên quê hương mình. Tất nhiên tôi học và có được như ngày hôm nay là từ người Nhật và nước Nhật, nơi các bạn sẽ đến” – anh Trung nhấn mạnh.
Anh Hiếu, hiện là Giám đốc Công ty TNHH V.N.T Việt Nam, chia sẻ rằng khi bạn còn trẻ, hãy tập cách té đau, vì chặng đường phía trước còn rất dài và chuyện va vấp là đương nhiên. “Đừng sợ bất cứ điều gì, hãy theo đuổi đam mê, tập trung đầu tư vào bản thân để có một nền tảng tốt nhất. Khi bạn có nền tảng, gồm kiến thức và kỹ năng, cộng với quá trình làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của Nhật Bản, bạn sẽ đủ tự tin để bước ra cuộc chơi lớn” – anh Hiếu nói.
Đối với các anh, con đường chinh phục ước mơ không bao giờ là dễ dàng, ngoài kiên trì, nhẫn nại trong công việc, mỗi người đều phải dành rất nhiều thời gian để học tập và nắm lấy cơ hội phát triển. Ở Nhật, họ đã làm việc không ngừng nghỉ, vừa học vừa làm, tận dụng mọi cơ hội để nắm được thật nhiều những kỹ thuật của bạn. Từ đó, các anh đã thuần thục công việc như những lao động người Nhật, thậm chí còn giỏi hơn một số kỹ năng. Điều thôi thúc lớn nhất trong những TTS quay trở về khởi nghiệp chính là tình yêu với quê hương, đất nước. Ước mơ lớn lao đó đã giúp họ sẵn sàng vượt qua những khó khăn, vất vả ở đất khách quê người để về xây dựng quê hương.
Chăm chỉ và chân thành
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, khẳng định dù ở Nhật Bản hay bất cứ quốc gia nào, nếu bạn có sự chuẩn bị tốt về ngôn ngữ, tìm hiểu kỹ về văn hóa, đồng thời chăm chỉ, nỗ lực và chân thành thì dù ở đâu bạn cũng sẽ tự xoay xở được. “Hãy thử làm để biết mình có hợp hay không nhưng khi đã quyết định chọn rồi thì đừng nói rằng bản thân đã chọn sai” – ông Sơn nói với các bạn học viên.
Ông Sơn cho rằng các bạn trẻ Việt Nam có tư chất khá tốt, tuy nhiên, cái các em thiếu là kỹ năng và nếp nghĩ thường ngắn hạn. “Các bạn cần phải tìm cho được mục tiêu của mình trước khi đến nước Nhật. Ba năm làm TTS không phải là đi lao động mà đó là một khóa học nghề. Bạn nên định hướng rõ như vậy để khi đến Nhật, bạn phải nỗ lực học chứ không phải nỗ lực kiếm tiền. Nguồn vốn lớn nhất là kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội chứ không phải tiền bạc” – ông Sơn nhấn mạnh. Với tâm huyết giúp các bạn trẻ dám mơ ước, sống có mục tiêu và nỗ lực rèn luyện để phát triển bản thân và sau là góp phần làm giàu cho đất nước, ông Lê Long Sơn luôn dành thời gian cho những buổi định hướng để giúp các học viên nhận định rõ hơn về những điều mà mình sắp làm và phải làm, từ đó vạch ra kế hoạch, mục tiêu rõ ràng cho chính cuộc đời mình.
Với những bài học nhân văn của ông Sơn cùng tấm gương thành công của 3 anh em Nguyễn Ngọc, các bạn trẻ như được tiếp thêm niềm tin vào con đường chinh phục ước mơ tại đất nước Nhật Bản. Thời gian 3 năm không phải quá dài nhưng nếu chỉ làm với mục đích kiếm tiền thì chưa đủ, cần phải học và sử dụng vốn tiếng Nhật thành thạo, rèn luyện lối sống và làm việc chuyên nghiệp nữa mới đủ. “Vốn kiến thức, vốn kinh nghiệm sẽ là nền tảng vững chắc nhất để khi về nước, các bạn có thể tự tin đứng trên đôi chân của mình. Xuất khẩu lao động Nhật Bản không phải con đường duy nhất để kiếm tiền, đó còn là con đường tốt nhất dành cho những lao động trẻ có nhiều hoài bão, mong muốn trải nghiệm, học hỏi lối sống văn minh và kỹ thuật tiên tiến” – anh Trung chia sẻ.
“Ngoài ngoại ngữ để xóa tan rào cản, các bạn còn phải trang bị kỹ năng làm việc, đặc biệt là tinh thần nhẫn nại và đam mê học hỏi để vượt qua những khó khăn và sợ hãi của chính mình” – anh Dũng khẳng định.
Theo: nuocnhat.org
Gặp lúc sa cơ đừng bi lụy, trời sinh ra ta ắt có chỗ để dùng
Đời người như dòng sông, lúc êm đềm thư thái, lúc cuồn cuộn sóng gầm. Dù là ai đi chăng nữa, cuộc sống sẽ không bao giờ có được 3 ngày an ổn. Vậy nên, trong bất kể hoàn cảnh nào hãy cứ ung dung mà đối mặt.