Lao động nước ngoài bị ngược đãi vì bẫy 'tu nghiệp sinh' Nhật Bản
Giấc mơ tới Nhật kiếm tiền và nâng cao tay nghề của một số người nhanh chóng tan vỡ khi điều kiện làm việc không như những gì họ được hứa hẹn trong chương trình "tu nghiệp sinh".
06:00 04/01/2018
Nan, cô gái 28 tuổi đến từ vùng Magway của Myanmar, đến Nhật Bảnvào tháng 11/2016 theo Chương trình Tu nghiệp sinh Kỹ năng được chính phủ hậu thuẫn để làm việc tại nhà máy may của tỉnh Aichi.
Cô hy vọng có thể trau dồi kỹ năng may vá và kiếm tiền về cho gia đình bằng cách làm việc cho công ty Nhật Bản nhưng giấc mơ này đã sớm tan vỡ.
Nan bắt đầu làm việc cho Sugiyama Hosei vào tháng 1. Cô được phân công sản xuất vỏ xe hơi, không phải may quần áo như người môi giới ở Myanmar từng hứa hẹn trước khi cô sang Nhật.
Nan, một phụ nữ 28 tuổi đến từ Myanmar, đến Nhật Bản vào tháng 11/2016 với tư cách tu nghiệp sinh kỹ năng tại một công ty may ở tỉnh Aichi. Ảnh: Japan Times.
Nan làm việc ít nhất 8 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần trong 5 tháng trước khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cô chỉ nhận được tổng cộng 339.000 yen (68,5 triệu đồng) tổng cộng hay 67.800 yen (13,7 triệu đồng) mỗi tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu luật quy định - điều rõ ràng vi phạm Luật Lao động của Nhật.
Nan là một trong số rất nhiều công nhân nhập cư rơi vào bẫy lao động của các công ty Nhật Bản đang khai thác hệ thống "tu nghiệp sinh" nổi lên những năm gần đây.
Hối hận ngay khi đến Nhật
"Ngay khi đến Nhật Bản, tôi đã hối hận. Tôi cảm thấy bị lừa dối", cô nói với Japan Times thông qua phiên dịch viên trong cuộc phỏng vấn gần đây. Nan cho biết cô không nhận được bản sao hợp đồng lao động nên rất khó đòi quyền lợi cho mình.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố chính quyền của ông sẽ không bao giờ chấp nhận "chính sách nhập cư" để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng bất chấp việc lực lượng lao động Nhật Bản (trong độ tuổi từ 16 đến 64) đang suy giảm nhanh chóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng Nội các của ông Abe vẫn đưa nhiều lao động không có tay nghề từ châu Á vào Nhật bằng cách cung cấp cho họ thị thực "tu nghiệp sinh".
Các "tu nghiệp sinh" không được phép thay đổi công việc hoặc nhà tuyển dụng ngay cả khi nhận thấy tình trạng làm việc không như những gì được hứa hẹn. Đây được coi là một trong những lý do khiến nhiều tu nghiệp sinh như Nan không còn lựa chọn nào khác ngoài làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt.
Năm 2016, Văn phòng Kiểm tra Tiêu chuẩn Lao động đã rà soát 5.672 cơ sở thuê "tu nghiệp sinh" nước ngoài trên cả nước. Văn phòng phát hiện 70,6% (tức 4.004) cơ sở vi phạm luật lao động và các luật lệ liên quan, bao gồm quy định về giới hạn giờ làm việc, các biên pháp an toàn và trả lương.
Luật sư Nobuya Takai cho biết nhiều công ty may mặc ở tỉnh Gifu và Aichi đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Nhiều khách hàng của ông là các tu nghiệp sinh đến từ Việt Nam, Myanmar và Trung Quốc.
"Người lao động Nhật Bản không làm những công việc đó vì mức lương quá thấp", Takai nói. Ông cho biết nhiều tu nghiệp sinh ở các khu vực này nói rằng họ không được trả đúng mức lương.
Lạm dụng hệ thống "tu nghiệp sinh"
"Làm thế nào chúng ta có thể khiến các công ty tiếp nhận tu nghiệp sinh, các đại lý môi giới Nhật Bản và các nhóm công nhân nước ngoài tuân thủ luật lao động? Đó là mối quan tâm lớn", Chieko Kamibayashi, Giáo sư Khoa học Xã hội tại Đại học Hosei, Tokyo, nói với Japan Times.
Hệ thống tu nghiệp sinh tại Nhật Bản manh nha từ những năm 1980. Đến năm 1990, hệ thống này chính thức ra đời cùng với việc sửa đổi luật kiểm soát nhập cư. Đây là thời điểm Nhật Bản đang đối mặt tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng giữa lúc nền kinh tế "bong bóng" trở nên quá nóng.
Những năm gần đây, Nhật Bản lại đối mặt với sự thiếu hụt lao động, một phần do tỷ lệ sinh thấp kéo dài dẫn tới lực lượng lao động thu hẹp nhanh chóng.
Nhân viên điều dưỡng người Philippines trò chuyện với một cụ bà tại viện dưỡng lão ở Taketoyo, tỉnh Aichi, Nhật Bản, tháng 11/2016. Ảnh: Kyodo.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số tu nghiệp sinh nước ngoài ở Nhật Bản đã tăng 57% lên 251.721 người vào tháng 6 năm ngoái từ con số 143.308 trong năm 2011.
Giáo sư Kamibayashi cho rằng các công ty và tổ chức trong và ngoài Nhật Bản tham gia môi giới tu nghiệp sinh đang hưởng lợi vì không có một cơ quan đủ mạnh để can thiệp khi quyền lợi của các tu nghiệp sinh bị lạm dụng.
"Bên môi giới chọn những người ít học vì họ thường không phân biệt được đúng sai nên không thể khiếu nại khi bị ngược đãi", bà nói.
Năm ngoái, trước sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận về hệ thống tu nghiệp sinh, chính phủ Trung Quốc đã thành lập Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ năng (OTIT), một cơ quan có nhiệm vụ giám sát các công ty tuyển dụng tu nghiệp sinh nước ngoài.
Theo luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/11, OTIT sẽ chỉ định thanh tra xác minh các nhà tuyển dụng và giám sát hoạt động của họ. Họ được giao nhiệm vụ thanh tra ít nhất mỗi năm một lần.
Giáo sư Kamibayashi cho rằng OTIT không có đủ thanh tra và họ nên tăng số lượng nhân viên nếu muốn cải thiện điều kiện làm việc cho các tu nghiệp sinh.
Học hỏi từ Hàn Quốc
Các chuyên gia khác cho rằng Nhật Bản nên thiết lập hệ thống cung cấp thị thực làm việc phù hợp với lao động nước ngoài thiếu tay nghề thay cho loại thị thực "tu nghiệp sinh" thường bị các nhà tuyển dụng Nhật Bản lạm dụng.
Oh Hak-soo, phó giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản, cho rằng Nhật Bản nên thiết lập chương trình lao động tương tự chương trình ở Hàn Quốc.
Là người nghiên cứu hệ thống lao động Hàn Quốc, Oh Hak-soo cho biết nước này từng ra mắt chương trình "tu nghiệp sinh" theo mô hình của Nhật Bản. Tuy nhiên, Seoul đã hủy bỏ hệ thống này sau thời gian thường xuyên vật lộn với các vụ vi phạm luật lao động và ngược đãi tu nghiệp sinh.
Những phụ nữ đến Nhật Bản để làm việc tại các nhà dưỡng lão tham gia các khóa học tiếng Nhật do chính quyền tỉnh Miyagi tổ chức tại Sendai hồi tháng 4. Ảnh: Kyodo.
Năm 2004, Hàn Quốc bắt đầu sử dụng hệ thống mới dành cho các công nhân nước ngoài thiếu tay nghề. Khác biệt lớn nhất của hệ thống này là chính phủ nước sở tại và nước xuất khẩu lao động trực tiếp quản lý người lao động nước ngoài.
Điều này trái ngược với chương trình của Nhật Bản, trong đó các tổ chức tư nhân đóng vai trò trung gian và kiểm soát hầu hết điều kiện làm việc của người lao động.
Oh cho biết chính phủ Hàn Quốc chi trả phần lớn các khoản phí cho lao động nước ngoài. "Các doanh nghiệp đang vật lộn với tình trạng thiếu lao động và người nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội việc làm đều hưởng lợi từ hệ thống này", ông nói.
Theo Oh, 32,2% lao động nước ngoài sử dụng hệ thống của Hàn Quốc vào năm 2016 kiếm được từ 200.000 đến 300.000 yen/tháng (40 đến 60 triệu đồng), cao hơn mức trung bình 130.000 yen (26 triệu đồng) cho các lao động thuộc diện "tu nghiệp sinh" ở Nhật Bản. Năm ngoái, 276.042 người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc dưới hệ thống này.
Oh nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận các tu nghiệp sinh để giảm bớt tình trạng thiếu lao động thường không đảm bảo quyền lợi cho người học nghề như với các lao động Nhật Bản.
Ngoài ra, hệ thống của Nhật Bản không cho phép các tu nghiệp sinh thay đổi công việc ngay cả khi điều kiện làm việc thực tế khác với những gì được viết trong hợp đồng.
Nguồn: Zing.vn
Tu nghiệp sinh về nước có được đăng ký XKLĐ Nhật Bản lần 2 không?
Chính phủ Nhật Bản đã quy định, Thực tập sinh từ nước khác tới Nhật Bản làm việc chỉ được cấp duy nhất một lần cấp tư cách lư trú theo diện Tu nghiệp sinh. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không thể quay trở lại Nhật Bản theo diện Thực tập sinh (xuất khẩu lao động Nhật Bản).