Lời kể của các thợ nail trên đất Mỹ khi về thăm quê hương

Giới bình dân, người Việt mới định cư, du học sinh đi làm thêm... xem nghề này là cứu cánh để ổn định kinh tế, thực hiện được những ước mơ sáng lạn hơn.

08:12 17/10/2022

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nghề nail đã mang về cho cộng đồng người Việt luồng gió mới, là một nghề giúp người Việt “xóa đói, giảm nghèo” ngay trên đất Mỹ, khi mà tỉ lệ người Việt tốt nghiệp đại học là 23,6%, trên đại học là 7%, thấp hơn các sắc dân Châu Á ở Mỹ.

Công việc thường ngày ở tiệm nail

Cứu cánh cho người Việt trên đất Mỹ

Chị Nga sang Mỹ định cư hơn 4 năm thì ngần ấy thời gian chị làm nghề nail. Lúc ở Bến Tre chị làm việc cho một Ngân hàng Nông nghiệp, công việc ổn định, sang Mỹ chị bắt đầu theo nghề nail, do trình độ tiếng Anh hạn chế, chị không đi làm hãng, xưởng (công ty) được nên nghề nail xem ra rất phù hợp.

Chị tâm sự: “Ngày xưa ở Việt Nam cầm viết, bấy giờ chỉ cầm chân vẽ móng, được cái này, mất cái kia”.

Chị vào nghề khá vất vả, qua Mỹ chị phải đi học lấy bằng nail (chứng chỉ hành nghề), có bằng chị làm ở Cali nhưng lương thấp không đủ tiền nuôi con đang học đại học. Chị xem báo thấy các tiệm nail lớn ở các bang lạnh tuyển người lương cao, chi tức tốc gọi điện xin việc. Sau đó, bay hơn 10 tiếng mới đến nơi. Công việc mới, niềm vui mới nhưng trăm thứ phải lo toan, từ chuyện thuê nhà đến đi lại.

Ở tiệm, có 3 chị em làm chung nên quyết định mua lại chiếc xe Camry đời 2003 đã già nua của ông chủ tiệm với giá 500 USD (ở Mỹ xe này rất rẻ vì lỗi thời và gần hết bảo hiểm, nếu đóng tiếp bảo hiểm cần tới 2.000 USD nữa) để làm chân đi lại. Cả ba chị em tự lái, san sẻ tiền xăng, tối về cùng nấu ăn chung. Vì là bang lạnh nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông ngoài trời tuyết rơi, trong phòng phải gắn máy “hít” để sưởi ấm, đắp mềm điện, tuy nhiên máy “hít” rất độc dễ gây chảy máu cam do người Việt quen sống ở vùng nhiệt đới. Nhiều thợ nail qua bang lạnh làm chừng 3 tháng không chịu lạnh nổi phải quay lại Cali làm nghề khác.

Các thợ nail đang tập trung cao độ khi vẽ móng

Trong tiệm nail ở Mỹ chia làm 3 công việc chính: Nail, bột (đắp hóa chất tẩy sơn trên móng cũ) và wát (tỉa lông mày, râu, tóc). Trong đó, công việc đắp bột là độc hại nhất, do thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nên thường để nam làm, lương cũng cao hơn.

Trung bình một bộ móng có giá 35 USD, nhưng do người cạnh tranh nhau giảm giá dần còn 25 USD, hiện nay chỉ còn 15-20 USD. Mỗi tuần thợ nail kiếm được 1.100-1.600 USD, tuy nhiên, phải cạnh tranh khốc liệt giữa thợ với nhau và cả thợ với chủ.

Đa số chủ tiệm nail là dân gốc miền Tây Nam bộ, nên phong cách miền Tây bao trùm lên các tiệm. Trước hết là chuyện sắp tua, nếu ngày thứ 2 tua đầu thì sang thứ 3 là tua chót. Hôm nào vô tua chót, không có khách yêu cầu là ngày đó “hẻo” luôn, lương giảm mà tiền tip (bo) cũng không có. Trong tiệm, những thợ nail thường dùng từ tiền “tê”, nếu nói tiền tip khách Mỹ sẽ biết.

Gặp những khách VIP nếu thợ nail là nữ giỏi tiếng Anh, tay nghề khá thì tiền bo rất hậu hỹ. Nếu tiệm nào có nhiều khách hàng thân thiết thì chủ cũng như thợ làm ăn phát đạt. Do nghề này hái ra tiền nên các tiệm nail mọc ra như nấm sau mưa, nhiều tiệm gần nhau tranh giành khách đã xảy ra khẩu chiến trên facebook.

Đi vào quỹ đạo ổn định

Chị Thủy (gốc ở Vũng Tàu, năm nay hơn 50 tuổi, đã có cháu ngoại, làm nghề nail khá lâu) cho biết: "Mỗi tuần kiếm được 1.100 USD là tui vui rồi, có tiền gửi về Việt Nam nuôi cháu ngoại".

Chị không cạnh tranh nghề nghiệp với ai, lúc nào chị cũng cố gắng lo cho tròn công việc. Chị không se sua đồ hiệu vì như vậy khách tưởng mình quá giàu sẽ bo ít. Nghề nail đối với chị là một công việc ổn định, nghiêm túc.

Còn Tuấn, một sinh viên Việt Nam du học Mỹ vào làm tiệm nail được 3 tháng nay, em rất siêng năng, không chỉ làm công việc vẽ móng, mà các công việc lặt vặt khác trong tiệm em đều đảm đương nên được mọi người thương mến.

Tuấn tâm sự: “Em học kỹ sư máy tính nên công việc này để làm thêm, nhưng nó sẽ gắn bó với em suốt thời gian em ở Mỹ du học. Nghề nail sẽ giúp em vươn xa hơn trong học tập, làm vơi bớt gánh nặng từ phía gia đình ở Bình Dương”.

Ở một tiệm nail sang trọng của người Việt trên đất Mỹ

Tuy nhiên, hiện nay Sở Lao động ở Tiểu bang Connecticut Hoa Kỳ đã ra lệnh đóng cửa 23 tiệm nail với lý do: lương tối thiểu của Tiểu Bang CONN là 9,15 USD/giờ nhưng những tiệm nail này chỉ trả 5,00 USD/giờ cho một số nhân viên.

Theo điều tra của Sở Lao động thì các chủ tiệm nail cho rằng các nhân viên của họ tuy lãnh 5 USD/giờ nhưng được nhiều tiền tip (hoa hồng). Vào đầu năm 2015, Sở Lao Động Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh báo tới các tiệm nail trong vùng cho biết các tiệm nail không có qui chế giống như các nhà hàng ăn uống (restaurants), do đó nhân viên phải được trả theo đúng qui định lương tối thiểu của tiểu bang. Trong số các tiệm nails đóng cửa, có nhiều tiệm bị phạt vì người chủ đã giành tiền tip với các nhân viên.

Theo luật mới của sở thuế IRS Liên Bang năm 2015, thì tiền tip là khoảng sẽ buộc các cơ sở kinh doanh khai thuế. Chủ tiệm nail sẽ bị phạt nếu giành chia tiền tip với nhân viên. Trường hợp ngoại lệ là chủ tiệm nail được quyền chia tiền tip với nhân viên khi họ làm việc như nhân viên; tuy nhiên nếu họ không làm gì cả (ngoài công việc điều hành tiệm) mà đòi chia tip, thì các nhân viên phải báo cáo ngay cho Sở Lao động được biết. Báo cáo cho Sở Lao động có thể ở chế độ "ẩn danh" (anonymous) nếu không muốn hoặc sợ bị chủ tiệm trả thù. Trong các tiệm nail bị đóng cửa, có tiệm bị phạt lên tới 10.000 USD là tiệm Branford’s Sera Nails. Các tiệm Nail này sẽ được mở cửa trở lại sau khi đóng phạt và chịu quản chế theo điều Luật Lao động của tiểu bang.

Như vậy, nghề nail của người Việt ở Mỹ nay đã đi vào quỹ đạo ổn định, khi kinh doanh nghề này không chỉ mang tính cạnh tranh nghề nghiệp mà còn phải tuân thủ luật pháp nước sở tại và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, có như vậy, nghề nail mới thật sự là một cứu cánh của người Việt trên đất Mỹ.

* Ghi theo lời kể của các thợ nail về thăm quê hương

Tags:
Dù ra nước ngoài bị coi thường nhưng tôi ủng hộ con ra nước ngoài sống : Người Việt ra đi để đổi đời

Dù ra nước ngoài bị coi thường nhưng tôi ủng hộ con ra nước ngoài sống : Người Việt ra đi để đổi đời

'Dù biết con mình ở xứ người sẽ vất vả và bị coi thường nhưng vẫn có nhiều lý do để đánh đổi'

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất