Mang thai ở Nhật và những điều cần biết
Hiện nay số người Việt có ý định lập gia đình và định cư lâu dài tại Nhật ngày càng tăng, cùng với đó, số lượng phụ nữ sang Nhật cùng chồng để sinh sống cũng rất lớn.
06:00 16/04/2019
Vì thế việc có thai, sinh con ở Nhật là điều khó tránh khỏi. Vậy bạn đã biết về các thủ tục cần làm nếu mang thai, chi phí sinh con hay các chương trình hỗ trợ người nước ngoài nuôi con của Nhật chưa?
Xác minh chính xác việc mang thai
Đầu tiên phải xác nhận việc có thật mình đang mang thai không bằng cách đơn giản nhất là dùng que thử thai. Bạn có thể dễ dàng tìm mua được ở các hiệu thuốc, cửa hàng tiện lợi.
Một số loại que thử thai của Nhật
Ảnh: girlschannel.net
Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu, để xác định, bạn phải đến kiểm tra tại khoa phụ sản của bệnh viện.Trước khi tới khám bạn có thể hẹn lịch trước để đỡ phải chờ đợi. Tại đó, sau khi được thăm khám và làm các xét nghiệm xác nhận việc có thai, bạn sẽ được bác sỹ cấp cho giấy chứng nhận mang thai (妊娠届出書)
Trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận được giấy chứng nhận, bạn phải mang nộp cho Cơ quan hành chính nơi bạn sinh sống để trình báo về việc mang thai. Tại đây, bạn sẽ nhận được “Sổ tay sức khỏe mẹ và bé” (母子健康手帳) và “Sách sức khỏe mẹ và bé”(母と子の健康ブック)
Trong Sách sức khỏe mẹ và bé (母と子の健康ブック) gồm có:
Phiếu khám sức khỏe trong thời kì thai sản (受診票): ghi các lịch khám định kì cho mẹ
Phiếu báo sinh(出生通知票): là phiếu cần nộp cho trung tâm chăm sóc sức khỏe tại địa phương khi trẻ đã được khi ra. Khi nộp phiếu này, trung tâm đến tận nhà để thăm hỏi trẻ mới sinh, hướng dẫn cụ thể các xét nghiệm, thăm khám cần thiết cho trẻ trong thời kì bú mẹ, hoặc hướng dẫn về lịch tiêm chủng…
Giấy hướng dẫn về các lớp học dành cho các bà bầu(母親学級)…
母子健康手帳のイラスト
Sổ tay sức khỏe mẹ và bé
Sổ tay sức khỏe mẹ và bé (母子健康手帳) là một cuốn sổ tay ghi chép về tình trạng sức khỏe của mẹ trong quá trình mang thai, những điều cần lưu ý khi mang thai, chế độ ăn phù hợp cho thai phụ, sản phụ, tình trạng sinh đẻ của mẹ, tình trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ, lịch tiêm chủng từ khi sinh ra đến khi 6 tuổi, những cách hay trong nuôi dạy con… Cuốn sổ được cấp miễn phí cho mỗi bà mẹ khi mang giấy chứng nhận mang thai tới Cơ quan hành chính của mỗi địa phương. Ngoài ra, cuốn sổ tay còn được dịch ra 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, tuy nhiên tùy từng địa phương mà có thể mất phí. Tìm hiểu thêm về cuốn sổ tại: https://www.mhlw.go.jp/stf/seisakunitsuite/bunya/kodomo/kodomo_kosodate/boshi-hoken/kenkou-04.html ( Trang của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật bản)
Quá trình mang thai
Trong cả quá trình mang thai bạn sẽ phải đi khám tổng cộng khoảng 14 lần:
Từ khi phát hiện có thai đến tuần thứ 23: khám 4 tuần 1 lần (tổng 4 lần)
Tuần thứ 24 đến tuần 35: 2 tuần 1 lần (tổng 6 lần)
Tuần thứ 36 đến tuần 40: mỗi tuần 1 lần ( tổng 4 lần)
Mỗi lần đi khám thai nhớ mang theo Sổ tay sức khỏe mẹ và bé để bác sĩ tiện theo dõi và thăm khám.
Trang tìm kiếm các bệnh viện có khoa phụ sản ở Tokyo: https://www.himawari.metro.tokyo.jp/qq13/qqport/tomintop/
Chi phí cho một lần sinh (ước tính)
Chi phí khám định kì: khoảng 10 man yên (~20 triệu)
Chi phí để mua quần áo cho sản phụ: 5 man yên(~10 triệu)
Chi phí để mua các đồ chuẩn bị cho cuộc đẻ (tã lót hay quần áo cho trẻ): khoảng 10 man (~20 triệu)
Chi phí khi nhập viện sinh con (để theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ sau khi sinh cần nhập viện kiểm tra. Với trường hợp sinh con so thì cần ở lại viện khoảng 5 ngày sau sinh): khoảng 30-70man (~60-140 triệu)
Tổng các chi phí lại là hết hoảng 55-95 man(~110-190 triệu đồng)
Trên đây là chi phí ước tính cho một lần sinh thường tại Nhật. Tuy nhiên trong trường hợp bà mẹ bị mắc các bệnh như thiếu máu, đái tháo đường, hội chứng tăng huyết áp trong thời kì mang thai hay các bệnh về tim mạch phải nhập viện sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị.
Trong trường hợp quá khó khăn để chi trả, hãy liên hệ với Cơ quan hành chính tại địa phương vì cũng có thể bạn sẽ được hỗ trợ một phần chi phí sinh con.
Các thủ tục cần làm sau sinh
Có 2 trường hợp xảy ra:
Nếu sau sinh bạn vẫn muốn sống tại Nhật (thời gian hơn 60 ngày) thì trong vòng 14 ngày sau sinh phải đi làm giấy khai sinh cho trẻ tại Cơ quan hành chính nơi bạn sinh sống. Khi đi cần mang theo:
Giấy chứng sinh (出生証明書) do bác sỹ cấp
Sổ tay sức khỏe mẹ và bé
Con dấu của người nộp đơn
Trường hợp đã kết hôn rồi sinh con thì cả cha hoặc mẹ của trẻ đi làm đều được, còn nếu là bà mẹ đơn thân thì người mẹ sẽ đi làm.
Sau đó, trong vòng 30 ngày sau sinh, chồng hoặc vợ phải tới Cục xuất nhập cảnh tại địa phương nơi đang cư trú để làm đơn xin cấp tư cách cư trú. Thủ tục này thì hoàn toàn không mất phí nhé. Tuy nhiên phải mang theo:
Giấy chứng sinh, giấy khai sinh(出生届) của trẻ
Hộ chiếu, thẻ lưu trú của bố mẹ.
Ngoài ra cũng phải tới Đại sứ quán của nước mình để trình báo.
Trường hợp 2, nếu trong vòng 60 ngày sau sinh bạn có ý định rời Nhật thì không phải làm các thủ tục như trên.
Các chương trình hỗ trợ việc nuôi con cho người nước ngoài
Hướng dẫn nuôi trẻ mới sinh bằng việc tới thăm hỏi tận nhà
Cho tới khi trẻ được 4 tháng tuổi sẽ có chuyên viên tư vấn sức khỏe và nữ hộ sinh tới tận nhà bạn để hướng dẫn cách nuôi con như: cách tắm cho trẻ, cách cho bú, tư vấn về chế độ ăn và vận động hợp lý cho bà mẹ…
Hỗ trợ chi phí y tế
Từ khi sinh ra đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ được hỗ trợ các chi phí liên quan tới y tế. Tuy nhiên, vì có giới han thu nhập nên cũng sẽ có những trường hợp trẻ không được hưởng chế độ này.
Tiêm chủng
Trẻ sẽ được tiêm phòng miễn phí các vacxin phòng các bệnh như bại liệt, sởi, Rubella, viêm não Nhật bản…
Thăm khám sức khỏe định kì
Vào một thời gian nhất định tại địa phương, sẽ tổ chức thăm khám sức khỏe, dinh dưỡng, về cách nuôi dạy trẻ miễn phí.
Nguồn tham khảo: http://watatani-houmu.com/visa/2016/10/06/visa-family/
https://www.tokyo-icc.jp/guide/child/01.html?fbclid=IwAR1u3cTeSg4onJGtOKYd7u2ndO7CIzuWfk0dWB06RpOF1uUti5F3qI
Các bạn trẻ cần chuẩn bị gì trước khi sang Nhật Bản làm việc?
Để làm việc được ở “đất nước Mặt Trời mọc”, các bạn trẻ Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ mọi thứ từ kiến thức cho đến kỹ năng công việc.