Kỳ bí ngôi đền xứ Phù Tang cứ 60 năm lại đập đi, xây lại
Dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Nhật Bản Yukihito Masuura, quá trình xây dựng Đền Izumo Oyashiro (hay tên thường gọi là Đền Izumo Taisha) – một trong những ngôi đền Thần đạo (Tiếng Nhật là Shinto) linh thiêng nhất đất nước Nhật Bản đã được gợi mở sau 1.300 năm tồn tại.
13:30 15/04/2019
Trung tâm của vùng đất thiêng
Là một tỉnh cũ của Nhật Bản mà ngày nay bao gồm phía đông tỉnh Shimane (nằm trên vùng Chugoku, trên đảo Honshu), Izumo được coi là vùng đất của những vị thần. Và Đền Izumo Taisha nằm tại chân núi phía nam núi Yakumo, trung tâm của các ngôi đền ở vùng Izumo, chính là biểu tượng cho vùng đất thiêng này. Người ta tin rằng, tất cả các vị thần sẽ tề tựu về đây vào tháng 10 Âm lịch hàng năm. Tháng này được người Nhật gọi là là Kan-na-dzuki (tháng không có thần linh) nhưng ở Izumo lại được gọi là Kami-ari-dzuki (tháng có thần linh).
Đền Izumo Taisha được coi là nơi để các vị thần linh tại Nhật Bản tập hợp mỗi năm.
Ngôi đền đã được xây đi xây lại trong suốt 1.300 năm qua.
Với sự thiêng liêng của mình, Đền Izumo Taisha luôn được bao quanh bởi bầu không khí tĩnh mịch, trang nghiêm và huyền bí.
Tại đây, người dân Nhật Bản thờ phụng thần Okuninushi – vị thần bảo trợ cho những mối lương duyên tốt lành trong cuộc sống.
Đền Izumo Taisha gắn với truyền thuyết cổ xưa về chú thỏ vùng Inaba.
Gắn liền với ngôi đền là truyền thuyết cổ xưa có tên gọi “Chuyện về chú thỏ vùng Inaba”. Truyền thuyết này kể rằng, có một chú thỏ đã lừa một bầy cá mập xếp thành một cây cầu để thỏ băng qua biển mà không cần bơi. Khi phát hiện mình bị lừa, những con cá mập đã tấn công thỏ, rứt da thỏ.
Khi đó lại đúng lúc thần Okuninushi đang trên đường đến cầu hôn công chúa Yakami xinh đẹp ở tỉnh Inaba. Tại đây, thần Okuninushi đã dừng lại để giúp đỡ chú thỏ. Sau đó, dù đến muộn nhưng thần Okuninushi vẫn được kết hôn cùng công chúa.
Khung cảnh bên trong ngôi đền vào buổi đêm.
Nghi lễ bí ẩn 60 năm xây lại một lần
Việc xây đi xây lại được gọi là nghi lễ shikinen sengū, đã được thực hiện liên tục trong 1.300 năm qua. Về mặt tinh thần, người Nhật tin rằng nghi lễ này tái hiện sự tôn nghiêm vĩnh cửu, tái tạo sự gắn kết tinh thần và cộng đồng. Bên cạnh đó, nghi lễ cổ xưa này còn là cách bảo tồn các kỹ năng thủ công cần thiết để duy trì thẩm mỹ kiến trúc truyền thống Nhật Bản, chống lại sự xói mòn của thời gian.
Cứ 60 năm, Đền Izumo Taisha lại được xây mới lại. Đây là bức ảnh do Nhiếp ảnh gia Yukihito Masuura thực hiện.
Trên thực tế, mỗi lần xây dựng, Đền Izumo Taisha đều được xây giống hệt như ban đầu bằng cách sử dụng các phương pháp và kỹ thuật truyền thống, cụ thể là dùng các khớp gỗ lồng vào nhau.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng, người dân sẽ tổ chức lễ kỷ niệm đặc biệt rước thánh thần về nhà mới. Gỗ của các tòa nhà cũ không bị vứt bỏ mà được sử dụng để sửa chữa Torii (cổng đền). Phần còn lại sẽ được chuyển tới các đền thờ khác trên khắp Nhật Bản để tái cấu trúc hoặc xây dựng.
Kỹ thuật xây dựng của ngôi đền vẫn được gìn giữ suốt hơn 1 thiên niên kỷ qua.
Lễ di dời điện thờ chính sau khi việc xây dựng hoàn thành.
Cuối tháng 3 vừa qua, Đền Izumo Taisha vừa hoàn thành việc xây dựng lại sau 10 năm kéo với chi phí hơn 50 tỷ USD.
Đền Izumo Taisha mang lối kiến trúc đền đài cổ nhất của Nhật Taisha Zukuri. Đền cao 24m, điện chính có 9 cột tròn, trong đó cột to chính giữa là cột trọng tâm, gốc của nó được chôn sâu dưới lòng đất, hiện tại đã đổi sang kiểu đặt đứng trên nền móng.
Hai bên đường dẫn vào điện chính được phủ xanh bởi những cây thông hàng trăm năm tuổi.
Đặc biệt, tại điện thờ của Đền Izumo Taisha có 2 dây thừng lần lượt nặng 1 tấn và 4,5 tấn. Đây là vòng dây thừng bện từ rơm được cho là lớn nhất ở Nhật Bản.
Búi dây thừng nặng hàng tấn là điểm nhấn độc đáo của Đền Izumo Taisha.
Hướng đông và tây quanh điện chính đều có dựng một ngôi đền 19 cửa. Đây được cho là nơi để các vị thần dừng chân nghỉ ngơi khi tụ họp về vùng đất thiêng Izumo vào tháng 10 Âm lịch.
Du khách không được phép chụp ảnh tại Đền Izumo Taisha và nhiếp ảnh gia Yukihito Masuura là nhiếp ảnh gia duy nhất được tiếp cận với ngôi đền thiêng này. Vì vậy bộ ảnh về quá trình xây dựng lại trong 10 năm của ngôi đền được ông giới thiệu tại triển lãm “Thẩm mỹ Kehai* của Nhật Bản qua ảnh của Yukihito Masuura” từ ngày 3-6/4 tại New York, Mỹ, đã lật mở một “trang” huyền bí về ngôi đền thiêng này.
“Tôi muốn cho thế giới thấy bằng chứng rằng việc kế thừa vẻ đẹp và duy trì một xã hội bền vững trong hơn 1000 năm qua là có thể”, nhiệp ảnh gia Yukihito Masuura chia sẻ.
(*): Nhiếp ảnh gia Yukihito Masuura gọi nghệ thuật xây dựng cổ xưa kéo dài hơn 1.000 năm qua tại Đền Izumo Oyashiro là Kehai – ý tưởng về sự tồn tại của sự thật và vẻ đẹp trong thế giới tự nhiên. Khái niệm Kehai hiện vẫn còn tương đối xa lạ.
Nguồn: phunuvietnam.vn
Nhật Bản dự kiến mang thiết bị đến làm sạch lòng sông Tô Lịch
Trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiến sỹ Tadashi Yamamura cho biết phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch dòng sông này.