Mẹ à, Tết sau con sẽ về …
Mẹ à, năm nay Tết nhà mình lại vắng con nữa rồi, cái Tết thứ ba của con, nhưng tính đến nay cũng đã năm cái Tết nhà mình không được đoàn viên rồi nhỉ, kể từ ngày em hai đi lao động bên Nhật, rồi em út đi, rồi con đi, vắng đứa này thiếu đứa kia, nên Tết nhà mình có đâu sự trọn vẹn mẹ nhỉ.
16:00 29/01/2019
Con không dám mong đến Tết đâu mẹ, con sợ mẹ buồn, mẹ rơi nước mắt, con biết đằng sau những cuộc điện thoại nói là mẹ khoẻ, là ở nhà rất ổn lại không ổn tí nào, con biết những cơn đau xương đau khớp của cả một đời lam lũ mẹ nuôi ba chị em con ăn học trong những ngày đông giá rét hay trời trái gió, là bao nhiêu trăn trở suy nghĩ cho gia đình, lo cho tương lai của ba chị em mà không ngòi bút nào có thể tả- nỗi khổ cực, cay đắng mẹ đã trải qua trong năm mươi lăm năm cuộc đời, mà nếu như có người chồng cùng san sẻ sẽ bớt đi phần nào, tất cả cũng chỉ để để đứa con gái luôn tỏ ra mạnh mẽ như con được yên tâm học hành và làm việc nơi đất Nhật lạnh lùng với từng bước chân vội vã cùng những bữa ăn qua loa chạy vội trên tàu mỗi sáng bình minh, là để động viên con…
Mẹ à, năm mới thì cũng đến rồi, nhưng là Tết của họ, không phải Tết của con, con vẫn đang đếm ngược từng ngày để đón giao thừa cùng với quê hương, với gia đình mình đây, và con ước con có thể thay mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng ngày Ông Công Ông Táo, dọn dẹp nhà cửa, và làm bữa cơm Tất Niên chiều 30, cùng ăn cơm sau cả một năm dài lao động vất vả, nhìn lại một năm qua và tính toán cho những bước đi năm tới.Con nhớ như in chiều 30 Tết năm 2016, năm đầu tiên con xa nhà lâu đến vậy và cũng là năm đầu tiên cả ba chị em con không ở nhà với mẹ, tắt điện thoại đi mà con gào khóc như một đứa trẻ bị lạc chốn đông toàn người xa lạ, con không biết tại sao con lại lựa chọn đi du học ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, và con ước con có thể về ngay khi đó, bởi sau phím tắt cuộc gọi con biết mẹ đã khóc rất nhiều, vì cô đơn. Khóc vì Tết nhà người ta đông đủ con cái, còn nhà mình chỉ có mình mẹ đêm 30…
Và mẹ à, những ngày cuối năm này, ngồi tàu trên đường đi học, ngoài xem những bản tin trong ngày bằng tiếng Nhật, con lại lướt facebook, xem báo mạng đọc tin những ngày cuối năm ở Việt Nam- nơi có gia đình của con. Năm thứ 3 xa nhà nhưng cảm xúc của con mỗi khi nghe bản nhạc chào năm mới, những quảng cáo đậm tình Tết dân tộc là trong lòng con lại dâng lên một cảm xúc khó tả, nước mắt trực trào, và cảm thấy thực sự cô đơn,con nghĩ- con làm gì ở đây một mình vậy? Bao giờ mới lại được đón giao thừa cùng Gia đình mình đây? Con thèm nghe tiếng ba chị em con nói chuyện mà như cãi nhau mỗi bữa ăn ngày Tết, những câu hỏi mà mẹ chỉ biết cười chứ không có câu trả lời cũng như câu nói quen thuộc mỗi sáng mùng Một :” Mẹ ơi, lì xì con đâu?” “Mẹ ơi được mỗi Năm mươi ngàn thôi à”…
Con nhớ nhà!
22 tuổi năm ấy,bước chân lên máy bay với quyết định lựa chọn Nhật Bản là nơi để tiếp tục con đường học tập, con biết con đã bỏ lại sau lưng quá nhiều, bỏ lại tiếng cười xô những nếp nhăn dần theo năm tháng của ông bà ngoại, bỏ lại những câu mắng ồn ào của mẹ mà trong sâu thẳm luôn mong con khôn lớn trưởng thành, bỏ lại những cuộc gặp mặt vội vã qua facetime của 2 đứa em thời điểm đó cũng xa nhà, đứa Nhật, đứa Đài, những tiếng cười ngây thơ của đám em con dì cũng đã bỏ lại khi máy bay cất cánh. Và qua ô cửa ấy, vẫy chào Quê hương, gia đình, bạn bè. Con hứa sẽ về vào một ngày gần nhất…
Cuộc sống xa nhà không làm con cảm thấy cô đơn, lạc lõng bởi trước khi đi con cũng có hành trang 4 năm đi học xa nhà, cuộc sống tự lập khi tuổi mười tám ấy cũng đã dạy cho con sự trưởng thành, biết tự chủ cuộc sống cho mình. Chỉ khác là, mỗi ngày làm về không có người chờ cơm, không có những ồn ào chuyện kể sau một ngày ra khỏi nhà của các em con. Con nghe nói” ăn cơm một mình thì dù có là sơn hào hải vị cũng sẽ không thấy ngon” mà con lại khóc. Giá như nhưng món con ăn, những đồ con dùng hàng ngày con được chia sẻ với mẹ và hai em, để cho mẹ thấy sự an toàn và sạch sẽ nơi đất nước con đã chọn. Để mẹ yên tâm nơi con…
Con mong ngày sớm nhất con có thể về bên gia đình, về với bữa cơm chỉ cần có đĩa rau bà ngoại trồng, tương bác gái làm, dưa cà mẹ muối, là con đã cảm thấy bao nhớ nhung mong mỏi của con như bay hết đi rồi. Chứ chẳng mong gì cao sang. Chẳng hứa hẹn ngày thành công này nọ để trở về, con mong con sẽ về nhà với mẹ, với ông bà, với gia đình mình ngày con trưởng thành nhất, và cái Tết gần nhất gia đình mình được đoàn tụ đông đủ, mang đúng nghĩa “Tết đoàn viên”…
TÊN TÁC GIẢ: Nguyễn Hằng
DU HỌC SINH: Nhật Bản
Cách chấm điểm máy móc của giáo viên Nhật bị chỉ trích
Tuy làm đúng yêu cầu vẽ hình tam giác và hình vuông của đề bài, học sinh vẫn không được chấm đúng bởi đường kẻ chưa thật sự thẳng.