Mẹ Việt dạy con kiểu Nhật
Thời điểm Tết sắp đến là lúc mà nhiều gia đình trẻ ở thành phố trở nên bấn loạn bởi người giúp việc hay ‘đánh tháo’ về quê.
16:00 03/01/2019
Nhiều tổ ấm ở Việt Nam đang ngày càng lệ thuộc vào người giúp việc, trong khi hầu hết gia đình ở Nhật không có giúp việc
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu trong cuốn sách đầu tay vừa ra mắt của mình có tên Kỷ luật mềm của trái tim cho rằng cha mẹ đừng mong dạy con biết làm việc nhà và tính ngăn nắp nếu cha mẹ không làm việc nhà mà chỉ giao cho người giúp việc.
Ở Việt Nam những năm gần đây, những gia đình có trẻ nhỏ hay thuê người giúp việc hoặc nhờ ông bà hỗ trợ. Những cặp vợ chồng trẻ coi việc thuê người giúp việc hoặc nhờ ông bà là đương nhiên. Dường như chưa có ai nói tới câu chuyện "hệ lụy" của người giúp việc.
Tiến sĩ Thu, một người từng học tập và làm việc nhiều năm tại Nhật Bản lại có cái nhìn khác về câu chuyện này. Chị nhìn thấy trong câu chuyện tưởng là đương nhiên này ở Việt Nam lại có nhiều hệ lụy không ngờ đối với tổ ấm gia đình, với việc giáo dục con cái.
Tôi tin rằng sẽ thật khó để cha mẹ dạy con những phẩm chất mà cha mẹ không có… Sẽ rất khó để dạy con biết làm việc nhà hay tính ngăn nắp, gọn gàng khi con không được chính mắt thấy cha mẹ cũng gọn gàng và ngôi nhà mình ở ngăn nắp. - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu
Từ câu chuyện này, chi Thu nói thêm đa số người lớn Việt Nam vẫn chưa đánh giá đúng tấm quan trọng của việc để trẻ tham gia làm việc nhà, rèn thói quen tự lập.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu ký tặng sách 'Kỷ luật mềm của trái tim' cho độc giả tại Hà Nội - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Một điều bất ngờ là từ "Osin" để chỉ người giúp việc ở Việt Nam những năm qua xuất phát từ một bộ phim truyền hình Nhật Bản, nhưng hầu hết các gia đình ở Nhật hiện nay lại không có người giúp việc, trong khi người giúp việc hầu như thành "đương nhiên" với nhiều gia đình Việt.
Là du học sinh tại Nhật, lập gia đình và nuôi con nhỏ tại Nhật, chị Thu cho biết có một đức tính quý giá mà chị đã học được từ cha mẹ nuôi người Nhật, đó là ông bà luôn tự tay dọn dẹp nhà cửa.
Ngay cả khi cha nuôi của chị đã lên chức giám đốc thì thói quen rửa bát, hút bụi giúp vợ mỗi sáng vẫn được ông duy trì suốt mấy chục năm nay.
Lý do không chỉ bởi dịch vụ người giúp việc ở Nhật Bản rất đắt đỏ, mà còn bởi có một triết lý đặc biệt của người Nhật. Người Nhật muốn tự lau dọn, làm việc nhà như một hành động thể hiện sự trân trọng những đồ đạc đã gắn bó với mình, để trân trọng không gian riêng tư của gia đình.
Với người Nhật, tự tay chăm sóc con cái, tự tay dọn dẹp nhà cửa chính là cách để trân trọng tổ ấm.
Chị Thu đã cùng gia đình chuyển về Việt Nam sinh sống. Cuộc sống ở Việt Nam bận rộn và áp lực hơn nhiều với chị Thu so với thời gian sống ở Nhật, nhưng tới nay chị Thu vẫn quyết định không thuê người giúp việc, kể cả giúp việc theo giờ.
Chính vì luôn tự làm mọi thứ nên chị cũng rất dễ rủ cậu con trai 4 tuổi của chị cùng làm việc nhà. Hai mẹ con chị thường cùng nhau phơi quần áo, cất quần áo, hút bụi, nấu nướng.
Chị muốn dạy những điều này cho con ngay từ khi con còn nhỏ. Và theo chị, không có khóa học kỹ năng sống nào lại hiệu quả bằng những bài học này giữa cha mẹ và con cái trong chính ngôi nhà của mình.
Tuy nhiên, chị Thu cũng không cho rằng thuê giúp việc là không nên, vì có những thời điểm bận rộn, bạn vẫn cần đến sự hỗ trợ từ ai đó để thoải mái hơn, có thời gian và sức lực bên con cái. Nhất là khi bạn có tới 2-3 con, vừa phải đi làm vừa chăm sóc gia đình thì việc nhờ đến sự hỗ trợ từ ai đó là điều rất cần thiết để cân bằng cuộc sống.
Thuê người giúp việc hay không, chắc bạn đã tìm được câu trả lời cho mình.
Theo: tuoitre.vn
Hướng dẫn 'nhập môn' cho tín đồ văn hóa Nhật: cách phân biệt các loại bento
Bento có nhiều loại khác nhau về ý nghĩa nên việc phân biệt chúng là rất cần thiết đấy!