Mẹ Việt ở Nhật dạy con tự lập qua thời dịch

Hàng ngày, chị Thu Giang để con trai ở nhà một mình và theo dõi bé tự học bài, ăn uống, đi siêu thị qua các thiết bị điện tử.

21:00 08/04/2020

Đã ba tuần nay, cứ mỗi sáng, chị Thu Giang, 35 tuổi, ở Tokyo, dậy sớm chuẩn bị sẵn đồ ăn cho cậu con trai, dặn dò vài điều rồi để cậu bé ở nhà một mình. Chị sau đó đưa con gái đi học mẫu giáo rồi đến công ty làm việc.

Từ khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vào đầu tháng 3 ra lệnh đóng cửa tất cả các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19, những phụ nữ như chị Giang phải lựa chọn hoặc để con ở nhà một mình hoặc làm việc từ xa. 

Chị Giang, người gắn bó với chi nhánh FPT tại Nhật Bản gần 6 năm nay, đã chọn cách đầu tiên, dù có thể đề xuất công ty tạo điều kiện ở nhà vừa trông con vừa làm việc. 

"Nói không lo lắng là không đúng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát của mình và tin tưởng con trai có thể tự lo liệu", chị nói.

Con trai và con gái chị Giang (2 bé ở giữa) cùng các bạn đi chơi bằng tàu điện hồi cuối tháng hai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con trai và con gái chị Giang (2 bé ở giữa) cùng các bạn đi chơi bằng tàu điện hồi cuối tháng hai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cậu con trai học lớp 2 của chị Giang trước đây từng có thời gian đi học về sớm và ở nhà một mình khoảng 1-2 tiếng chờ bố mẹ nên cũng không quá bỡ ngỡ với thử thách lần này. Hàng ngày, chị giao thêm cho con một số bài tập để làm, ngoài các bài sẵn có của giáo viên. Cậu bé với tên gọi thân mật là Bi chỉ được xem tivi 30 phút, thậm chí nghe một bài hát cũng phải báo cáo mẹ. Đến giờ ăn trưa, Bi tự quay nóng đồ ăn đã được chuẩn bị sẵn bằng lò vi sóng.

"Mình theo dõi mọi hoạt động của con qua camera, đồng thời gọi điện hỏi han, nhắc nhở thường xuyên để con không buồn và lo lắng", chị Giang cho biết. "Mình cũng yên tâm hơn khi con được nghỉ học ở nhà và tránh tiếp xúc đông người, dễ lây nhiễm virus".

Ngoài giờ tự học ở nhà, Bi tự bắt xe buýt đến các lớp học ngoại khoá. Như bao trẻ em khác tại Nhật Bản, từ khi vào lớp một, cậu bé bắt đầu được bố mẹ cho đi ra ngoài một mình và tự đi học bằng xe buýt. 

Bí quyết an tâm của chị Giang đó là một thiết bị thông minh kết hợp nhiều chức năng được địa phương phát cho trẻ em. Với thiết bị này, Bi có thể gọi điện cho bố mẹ khi cần, bấm nút báo động cho trung tâm theo dõi trẻ em khi gặp người xấu. Chị Giang cũng có thể định vị xem con đang ở địa điểm nào. 

"Trong khoảng thời gian mẹ vắng nhà, con trai tự ra siêu thị mua đồ ăn rồi tự đi đến các lớp học đàn và lắp ghép robot, nhưng nhờ có thiết bị theo dõi mà tôi không lo lắng nhiều, còn con thì có cơ hội rèn luyện tính tự lập", chị Giang nói.

Dù đi đâu, điều quan trọng mà chị luôn nhắc nhở các con để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh là đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. 

"Thời gian đầu khi Covid-19 bùng phát, tôi nhận thấy người Nhật vẫn khá bình thản, không mấy ai đeo khẩu trang. Đến đầu tháng này, khi chính phủ yêu cầu các trường học đóng cửa, tâm lý phòng dịch của mọi người như bước sang một giai đoạn khác", chị Giang kể. 

Người dân Nhật Bản đổ xô đến siêu thị mua đồ ăn tích trữ, giấy vệ sinh cháy hàng do có tin đồn rằng các nhà sản xuất phía Trung Quốc đóng cửa. Thực phẩm hàng ngày không tăng giá và vẫn dồi dào, nhưng nước rửa tay và khử khuẩn thì luôn trong tình trạng khan hiếm do nhiều người không chỉ mua để sử dụng mà còn gom bán sang nước khác.

Chị Giang cũng từng xếp hàng mua thêm khẩu trang nhưng không có. Chị phải nhờ người quen ở Việt Nam mang sang khẩu trang vải để tái sử dụng. Công ty FPT sau đó đã chuyển 5.000 khẩu trang vải sang Nhật Bản phân phát để nhân viên yên tâm làm việc.

Do phí thuê giúp việc đắt, hầu như các gia đình không sống cùng ông bà, nghỉ việc đồng nghĩa với mất thu nhập, các bậc phụ huynh Nhật Bản đã phản ứng gay gắt khi Thủ tướng Abe công bố lệnh đóng cửa trường học. Họ chỉ trích quyết định này là quá vội vàng, làm xáo trộn đời sống và không có tác dụng ngăn chặn nCoV do người lớn vẫn tiếp tục đi làm. 

Tuy nhiên, chị Giang ủng hộ biện pháp của chính phủ Nhật Bản. 

"Chính phủ đã kêu gọi các công ty thay đổi văn hoá làm việc, cho nhân viên làm từ xa, đồng thời còn có chính sách hỗ trợ để họ trả lương cho những người phải nghỉ việc ở nhà trông con. Ngoài ra, các điểm trông trẻ vẫn mở để phụ huynh gửi con nhỏ khi cần".

Các công ty tại Nhật, trong đó có FPT, đã điều chỉnh linh hoạt thời gian để giãn lượng nhân viên tập trung trong văn phòng, giảm tải lượng người sử dụng các phương tiện công cộng, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm vào các thiết bị trên tàu điện hay xe buýt, tránh tổ chức các cuộc họp đông người, huỷ các cuộc liên hoan, tiệc tùng và các chuyến công tác ở các vùng có dịch.

Người dân Nhật Bản chen chúc xem lễ rước ngọn đuốc Olympic tại khu tưởng niệm sóng thần Ishinomaki Minamihama ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi hôm 20/3. Ảnh: Reuters

Người dân Nhật Bản chen chúc xem lễ rước ngọn đuốc Olympic tại khu tưởng niệm sóng thần Ishinomaki Minamihama ở Ishinomaki, tỉnh Miyagi hôm 20/3. Ảnh: Reuters

Dù là một trong những quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc phát hiện các ca nhiễm nCoV, Nhật Bản hiện là một trong những nước phát triển chịu ảnh hưởng ít nhất của Covid-19. 

Nước này hôm qua ghi nhận thêm 54 ca mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 1.012, không bao gồm hơn 700 ca trên du thuyền Diamond Princess, theo hãng thông tấn Kyodo. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Nhật đang là 43.

Phản ứng chậm chạp với Diamond Princess và việc không cấm nhập cảnh với những người đến từ Trung Quốc từng khiến chính phủ Nhật Bản đối mặt với chỉ trích. Tuy nhiên, các biện pháp sau đó như đóng cửa trường học và huỷ các sự kiện đông người dường như đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế sự lây lan của nCoV. Các nhà hàng vẫn mở, những chuyến tàu vào giờ cao điểm vẫn đông đúc, cuộc sống dường như vẫn diễn ra khá bình thường với hầu hết người dân Nhật Bản. 

Kenji Shibuya, giáo sư đại học Hoàng gia London, cựu giám đốc chính sách y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng có hai khả năng, một là Nhật Bản đã hạn chế sự lây lan bằng cách tập trung kiểm soát các cụm dịch, hai là có những cụm dịch ở nước này chưa được phát hiện.

"Cả hai đều có lý, nhưng tôi dự đoán rằng Nhật Bản sẽ chứng kiến sự bùng nổ và chắc chắn sẽ sớm chuyển từ giai đoạn khống chế sang trì hoãn đỉnh dịch", Japan Times dẫn lời ông Shibuya nói. "Số ca xét nghiệm đang tăng nhưng chưa đủ".

Chị Giang đồng tình với ý kiến này của chuyên gia và nghi ngờ số liệu được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng. "Mật độ dân số Tokyo cao nhưng chính quyền không áp dụng biện pháp cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm, trừ những người từ vùng dịch về. Việc xét nghiệm nCoV cũng không diễn ra rộng rãi".

Trong khi đó, Thủ tướng Abe hôm qua kêu gọi các trường học sớm mở cửa trở lại, khi năm học mới bắt đầu vào tháng 4 tới. Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo như dự kiến.

Chị Giang cho hay mình vẫn chưa an tâm cho con đi học và ủng hộ tiếp tục đóng cửa trường. 

"Dù bản thân người lớn hàng ngày đi làm có nguy cơ lây nhiễm cao, vẫn nên hạn chế ở mức thấp nhất nguy cơ ở trường học. Nếu không, khi lây nhiễm bùng phát không kiểm soát được, bệnh viện trở nên quá tải sẽ rất nguy hiểm", chị nói.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Hàng nghìn người Việt kẹt ở Nhật: Liên tục bị hủy vé, chật vật đợi ngày về

Hàng nghìn người Việt kẹt ở Nhật: Liên tục bị hủy vé, chật vật đợi ngày về

Vì dịch Covid-19, nhiều công dân Việt kẹt ở Nhật Bản liên tục bị các hãng hàng không hủy vé không hoàn tiền, những lao động bất hợp pháp phải ra ở khu nhà dành cho người vô gia cư, chờ đợi hỗ trợ chuyến bay về.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất