Một số kinh nghiệm chọn trường và thi đại học ở Nhật
Kỳ thi EJU đã kết thúc, hẳn là nhiều sĩ tử đang đau đầu về vấn đề chọn trường và thi đại học ở Nhật đúng không?
11:35 18/10/2017
I. Tìm hiểu về bản thân
Trừ khi đã có sẵn mục tiêu vào một trường nào đó, bạn nên tự trả lời các câu hỏi dưới đây trước khi chọn trường.
a. Bạn muốn học về lĩnh vực nào? b. Môi trường như thế nào sẽ phù hợp với bạn?(thành phố hay thôn quê, trường có nhiều hoạt động ngoại khoá, các chế độ học bổng cũng như miễn giảm học phí…) c. Bạn đã có sẵn điểm tiếng anh ( TOEIC, TOEFL…) hay chưa.
Bạn chỉ cần ghi ra tất cả các từ khoá phù hợp với bạn là được, không cần thiết phải dài dòng.
II. Tìm, Chọn trường
Sau khi đã có một danh sách các từ khoá, bạn có thể nhập từ khoá đó vào hai trang web dưới đây
hoặc
https://manabi.benesse.ne.jp/daigaku/
bạn sẽ tìm thấy tất cả thông tin về hệ thống trường đại học ở Nhật, hai trang web này cho phép bạn tìm kiếm theo từ khoá, hoặc theo vùng, các thông tin được sắp xếp theo mục, từ thời gian nộp hồ sơ, ngày thi, điều kiện dự thi, và cả học phí và một số thông tin về miễn(giảm) học phí nữa.
III. Trước khi đi thi (những việc cần chuẩn bị)
-
Sau khi đã chọn được một số trường để dự thi, bạn tiến hành gửi mail(nếu xa) hoặc đến trường (nếu gần) để xin 募集要項(ぼしゅうようこうーcác mục quan trọng cần biết để dự tuyển), trong 募集要項 thường có đính kèm luôn một bộ hồ sơ nên sau khi chắc chắn mình đủ điều kiện dự tuyển vào trường đó, bạn có thể tiến hành làm hồ sơ luôn.Bạn cũng nên tìm hiểu xem có sempai người Việt nào đang học tại đó không, các bạn có thể liên hệ senpai đó để hỏi rõ hơn về trường, về cách đi lại để đến đó, nếu may mắn, bạn có thể được ở trọ lại nhà sempai đó đêm trước ngày thi nữa.
-
Tiếp theo là đặt vé tàu, xe buýt hoặc vé máy bay để đi thi. Các bạn nên biết rằng hầu hết các trường đại học ở Nhật tổ chức thi vào tháng 2 ( trừ một số ít trường thi sớm vào tháng 12 hoặc tháng 1), tháng rất lạnh và có thể có tuyết rơi, làm các tuyến tàu, chuyến bay bị hoãn, nên bạn nên cân nhắc đặt vé đi sớm để có thể linh hoạt trong trường hợp này, cũng như chuẩn bị một tinh thần tốt nhất trước ngày thi.
-
Hầu như tất cả các trường đại học đều có kỳ thi phỏng vấn, trang phục nên dùng khi phỏng vấn là vest đen, nên các bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một bộ vest theo chuẩn để dự kì thi phỏng vấn nhé.
IV. Ôn luyện cho kỳ thi Trong khi chuẩn bị những điều đã kể trên, việc quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị kiến thức cho kì thi đúng không nào.
Có thế một số gợi ý dưới đây sẽ giúp cho bạn dễ hình dung hơn về việc ôn luyện này
-
Phỏng vấn là vòng thi hầu như không thể thiếu ở hầu hết các trường đại học, ngoài vốn tiếng Nhật sẵn có, bạn nên trang bị cho mình một số tự vựng cũng như thông tin liên quan đến ngành dự thi. Bên cạnh đó, bạn có thể tải các app xem tin tức hoặc đọc báo, xem tivi để biết thêm tin tức đang diễn ra, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn trong kì thi phỏng vấn.
-
Mội số trường tư lập và đa số trường Quốc, công lập sẽ có thêm phần thi viết luận, tiếng anh , hoặc toán, lý hoá, sinh ( số lượng và nội dung môn thi hoàn toàn do các trường tự quyết định) Thông tin này cũng có thể xem được trên 2 trang web mình đã giới thiệu ở trên nên các bạn nhớ tìm hiểu trước để có kế hoạch ôn thi phù hợp.
-
Các bạn có thể nhờ thầy cô ở trường tiếng nhật luyện phỏng vấn cho các bạn trước khi đi thi, nhưng mình cũng liệt kê ra một số câu hỏi thường gặp để các bạn tham khảo (dựa trên kinh nghiệm của mình và tham khảo thêm các anh chị khác)
-
Giới thiệu bản thân( chú ý chọn lọc các thông tin đưa ra, phần này có thể giúp bạn PR cho mình trước hội đồng xét tuyển)
-
Lý do chọn trường này( ngành này)( nếu có thêm thắt gì thì cũng nhớ nói cho khớp với những gì bạn đã viết trong hồ sơ dự thi nhé, nếu không sẽ có kết quả không tốt đâu)
-
Gần đây em có để ý(quan tâm) tới tin tức thời sự nào không? Tin tức này có liên quan gì tới ngành em muốn học hay không ( đây là lúc sử dụng kiến thức bạn thu được từ những bản tin thời sự đó)
-
Em có dự thi trường nào khác nữa không ( cách trả lời an toàn nhất vẫn là Không. Hoặc là “ Cũng có nhưng trường này là nguyện vọng một của em”)
-
Nếu đậu vào trường thì em định sẽ học tập như thế nào ( đây là lúc bạn thể hiện cho các thầy cô thấy bạn đã tìm hiểu rất kỹ về trường và cũng đã có một kế hoạch học tập nghiêm túc cho riêng mình )
-
Em có câu hỏi gì không? ( cái này hỏi hay không là tuỳ bạn, , theo mình muốn biết thêm gì thì cứ hỏi, không sao cả)
V. Khi ngày thi đến Chuẩn bị chu đáo mọi thứ, ôn luyện kỹ càng, giờ là lúc lên đường thu hái thành quả cho sự cố gắng của các bạn đó. Lưu ý những điểm sau đây để có một kỳ thi thành công nhất nhé.
- Tác phong: Bạn nên chú ý hành xử đúng mực khi dự thi phỏng vấn, nên luyện tập trước cách ngồi, cách đi đứng, vào phòng nhớ khép cửa và đừng quên câu “失礼いたします“、 khi phỏng vấn xong, bước ra cũng đừng quên chào thầy cô và nhẹ nhàng khép cửa lại. ( phần này nếu có luyện phỏng vấn mình nghĩ các thầy cô trường tiếng nhật sẽ tập cho các bạn)
- Giấy tờ cần đem theo: Đọc kỹ 募集要項 và lên danh sách các loại giấy tờ cần đem theo , kiểm tra lại trước khi đi để khỏi quên, thiếu sót. ( nếu cần Isenpai sẽ có một bài hướng dẫn cụ thể cách đọc 募集要項)
- Nơi thi hẳn là một nơi xa lạ mà các bạn chưa đến bao giờ, nên tốt nhất nên đi sớm, tra trước đường đi để khỏi lạc cũng như trễ giờ .
- Ngủ đủ giấc trước ngày thi, điều này sẽ đem lại cho bạn sự tập trung và tinh thần tốt nhất để thực hiện bài thi quan trọng của mình.
Hi vọng những điều trên đây sẽ phần nào giúp các bạn chuẩn bị tốt hơn cho kì thi đại học. Dù điểm EJU của bạn không cao như những người cùng dự thi, thì cũng đừng lo, đó chỉ là một phần thôi. Yếu tố chính còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị và thể hiện của bạn trước hội đồng xét tuyển nữa.
Nhớ nè, ôn luyện cũng đừng quên giữ gìn sức khoẻ, tới ngày thi mà đau ốm thì thật đáng tiếc đúng không.
Điều cuối cùng, 受験生、頑張れ〜、 môi trường đại học đầy những điều thú vị và hấp dẫn đang chờ các bạn đó! ^^
Kỳ lạ chương trình học ở Nhật đem gái xinh vào lớp “thả thính” hút nam sinh
Đàn ông Nhật gặp vấn đề trong tìm kiếm bạn gái không còn là điều bí mật, vậy nên cũng chẳng đáng ngạc nhiên khi một vài doanh nghiệp bắt đầu dùng các cô gái làm chiêu trò thu hút và cạnh tranh, kể cả trong giáo dục.