Muôn hình vạn trạng 'hợp đồng nô lệ': Phải chăng là thời kỳ tuột dốc của công thức ngôi sao?
Những giao kèo xiềng xích mang tên "hợp đồng nô lệ" không ít lần kìm hãm sự phát triển của các nghệ sĩ, thần tượng đình đám, thậm chí dồn họ vào bước đường cùng.
21:53 02/06/2023
Những tưởng "lời nguyền 7 năm" là nỗi khiếp sợ đối với các nghệ sĩ, thần tượng Hàn Quốc, nhưng bản "hợp đồng nô lệ" mới thật sự là cơn ác mộng với không chỉ các tân binh làng giải trí mà cả các ngôi sao hoạt động lâu năm.
Những con số khổng lồ về doanh số bán đĩa của ca sĩ và thần tượng, cát xê không tưởng cho các vai diễn đầu tư của diễn viên, hay thu nhập khủng từ những dự án quảng cáo với nhãn hàng nổi tiếng của ngôi sao hàng đầu, nghe thoáng qua khán giả đều nghĩ rằng thu nhập của giới nghệ sĩ chắc hẳn đều đạt đến con số trên trời.
Nhưng trên thực tế, những khoản thu nhập này không hoàn toàn thuộc về nghệ sĩ, âu cũng bởi vì họ phải chia lợi nhuận với công ty chủ quản. Và hợp đồng chính là yếu tố ràng buộc, mang tính quyết định đối với cả cuộc sống và sự nghiệp của các ngôi sao.
Năm 2009, lần đầu tiên công chúng thật sự biết đến khái niệm "hợp đồng nô lệ" khi vụ việc 3 thành viên DBSK khởi kiện tập đoàn SM Entertainment nổ ra. Theo phán quyết của Tòa án Trung tâm Seoul, bản hợp đồng 13 năm được cho là quá dài, thậm chí bóc lột công sức và thiếu công bằng đối với 3 thành viên DBSK (sau này là JYJ).
Màn kiện tụng tranh chấp kéo dài tận 3 năm này đã mở ra cánh cửa bóc trần một phần mặt tối của ngành công nghiệp giải trí xứ củ sâm, từ đó hàng loạt vụ việc chấn động về các bản hợp đồng nô lệ nghiêm trọng hơn cũng bị phơi bày. Vậy bản chất "hợp đồng nô lệ" là gì? Và bản hợp đồng khét tiếng này ảnh hưởng ra sao tới nghệ sĩ xứ Hàn?
Ảnh minh họa
Cuộc săn tìm tài năng trẻ và xiềng xích vô hình
Trong làng nhạc Kpop nói riêng và Kbiz nói chung, các công ty giải trí đều hình thành mô hình đào tạo ngôi sao rất bài bản. SM, YG, JYP Entertainment là 3 "ông lớn" (gọi tắt là BIG3) có tiếng nhất châu Á khi nói về đào tạo thần tượng Kpop sau thành công của các nhóm nhạc huyền thoại như H.O.T, DBSK, BIGBANG, SNSD, Wonder Girls, BLACKPINK... Sau này, Big Hit Entertainment nhập cuộc với sự thành công kỳ tích của BTS.
Nhìn vào các công ty giải trí này, công thức chung đào tạo ngôi sao đều là chiêu mộ các tài năng toàn cầu từ độ tuổi non nớt để dễ bề đào tạo cả về năng lực và hình thành nhân cách từ nhỏ. Sau đó rèn luyện nhân tài trong lò luyện khắc nghiệt nhất và tất nhiên không thể thiếu được bản hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ, luật lệ nghiêm khắc không tưởng với tầm nhìn là tạo ra các ngôi sao hàng đầu.
Đáng nói, theo phân tích của các chuyên gia giải trí Hàn, bản chất của những bản hợp đồng này vốn đã từ lâu đã mang tính chất "nô lệ" và gây tranh cãi về tính công bằng, đặc biệt ở các điều lệ nghiêm ngặt đến mức vô lý và chi phí đào tạo ban đầu.
Theo JYP Entertainment tiết lộ, số tiền công ty chi ra để đào tạo cho 1 nhóm nhạc ra mắt rơi vào khoảng 700-900 triệu won (12-16 tỷ đồng), quá trình này trung bình kéo dài 3 năm. Khi 1 nhóm nhạc ra mắt, công ty cần đến hơn 1,5 tỷ won (27 tỷ đồng) cho lần comeback đầu tiên.
Đáng nói, khoản tiền khổng lồ này không phải 100% do công ty chủ quản chi trả mà thực chất đè nặng lên vai của chính các thần tượng trong nhóm nhạc đó theo điều lệ hợp đồng ràng buộc. Nghệ sĩ phải cật lực làm việc với lịch trình dày đặc nhiều năm chỉ để trả nợ cho công ty và sau đó mới được nhận đồng lương đầu tiên.
Với những nhóm nhạc may mắn nổi tiếng ngay từ khi ra mắt hoặc "lên hương" nhờ 1 bản hit gây sốt như GOT7, EXID hay GFRIEND, họ vẫn phải mất tận 2 năm để trả hết nợ đào tạo cho công ty. Còn đối với các thần tượng chìm nghỉm ngay từ khi debut, số nợ này cứ thế bị đội lên theo cấp số nhân bởi doanh thu họ kiếm được quá nhỏ, chưa thể bù vào phần chi phí đào tạo, chi phí sản xuất mỗi lần comeback.
Những câu chuyện về thần tượng làm việc đến mức ngất xỉu giữa sân khấu, thần tượng vừa đi hát vừa đi phục vụ quán cafe hay làm nhân viên bán thời gian ở cửa hàng tiện lợi không hề hiếm. Họ vừa kiếm sống vừa mang trên vai món nợ chồng chất trong quá trình theo đuổi ước mơ được trở thành ngôi sao nổi tiếng.
Nói cách khác, ngay từ đặt bước chân đầu tiên vào ngành công nghiệp giải trí, nhân tài chớm nở điển hình đều phải đeo xiềng xích vô hình như hợp đồng, món nợ đào tạo và bài toán thành công.
Chưa hết, nghệ sĩ còn phải đối mặt với các điều lệ gây tranh cãi được đặt ra từ chính hợp đồng độc quyền với các công ty giải trí và bản giao kèo vô hình với công chúng. YG Entertainment từng ra lệnh cấm tân binh hẹn hò trong khoảng thời gian nhất định nhưng lại không áp dụng với tất cả "gà" nhà.
Nhưng điều lệ này không chỉ xuất hiện ở riêng công ty YG và cũng không phải tự nhiên mà có. Tất cả bắt nguồn từ tình trạng thần thánh hóa thần tượng quá đà của chính ekip đào tạo ra nghệ sĩ hay tâm lý chiếm hữu vô lý của bộ phận không nhỏ khán giả đối với idol.
Nhiều ngôi sao bị chỉ trích dữ dội, ghét bỏ và thậm chí là tấn công vì công khai đời sống tình cảm hay lỡ thể hiện cảm xúc quá thật trước công chúng, vì vậy công ty phải rào trước để tránh luồng ý kiến trái chiều từ người hâm mộ.
BLACKPINK và các nhóm nhạc nam của YG như iKON, WINNER từng bị hạn chế tiếp xúc gần trong thời kỳ đầu. Sau khi thành danh, họ đã được gỡ bỏ lệnh cấm, trở nên thân thiết như anh em trong gia đình.
Theo CNN, để có được sự liên kết chặt chẽ với khán giả và hợp tác thành công với công ty chủ quản, các ngôi sao sẽ phải đánh đổi bằng hạnh phúc cá nhân và cuộc sống riêng tư của họ. Các idol đời đầu từng ra mắt ở độ tuổi thanh thiếu niên như Eun Jiwon, BoA hay Taemin đều phải thừa nhận rằng quá trình tìm đến thành công đã bào mòn thanh xuân, sức khỏe và tinh thần của họ. Chưa nói đến những trường hợp thương tâm khi idol, diễn viên ra đi vì áp lực theo đuổi thành công, áp lực dư luận, bóng tối tâm lý như Sulli f(x), Jonghyun (SHINee), nữ diễn viên Yoo Ju Eun...
Trước khi tự tử vào tháng 4 năm nay, nam ca sĩ Moonbin (ASTRO) từng giãi bày với người hâm mộ: "Nghề thần tượng này do tôi chọn. Tôi phải để mình hạnh phúc thì mới làm người hâm mộ hạnh phúc được". Sự kìm kẹp từ nhiều phía biến nhiều ngôi sao trở thành cỗ máy giải trí không có cảm xúc, và không phải ai trong số họ cũng được tận hưởng trái ngọt có giá trị tương đương với công sức bỏ ra.
Muôn hình vạn trạng của hợp đồng nô lệ
Hợp đồng nô lệ được truyền thông quốc tế nhắc đến với tính chất là bản giao kèo độc quyền không công bằng giữa công ty giải trí và nghệ sĩ. Thông thường hợp đồng này chỉ có thời hạn 6-7 năm, nhưng không ít agency cố tình kéo dài hợp đồng tới mức vô lý như 13 năm hay thậm chí là 17-18 năm và có dấu hiệu bóc lột nghệ sĩ.
15 năm trước, tính chất của bản hợp đồng nô lệ này chỉ dừng lại ở vấn đề chia lợi nhuận, nhưng nhiều năm nay mặt tối của bản giao kèo gây tranh cãi này lại "biến chứng" theo mức độ nghiêm trọng hơn nhiều, từ ăn chặn lương để biển thủ tiền tỷ, hay thậm chí là lợi dụng tài chính, bạo hành và lạm dụng tình dục nghệ sĩ.
Mới đây, CBX (3 thành viên EXO gồm Baekhyun, Xiumin và Chen) khiến cả làng giải trí dậy sóng khi khởi kiện SM Entertainment vì nghi bị công ty này ép ký tiếp hợp đồng nô lệ lên đến 20 năm.
Viễn cảnh 3 cựu thành viên Kris, Luhan, Tao khởi kiện SM vào năm 2014 một lần nữa lặp lại với nguyên do tương tự về khoản chia lợi nhuận bất hợp lý.
Trở lại trước đó vào tháng 12/2022, Lee Seung Gi khởi kiện cựu giám đốc, giám đốc hiện tại của Hook Entertainment và CEO Kwon vì lừa dối điều khoản hợp đồng, trích 10% phí người mẫu quảng cáo của anh trong nhiều năm để chia chác với nhau, nợ khoản thu nhập phân phối âm nhạc lên đến 183 tỷ đồng của nam diễn viên kiêm ca sĩ trong tận 18 năm.
Cùng tháng đó, Chuu thành tâm điểm khi bị Blockberry Creative chèn ép, loại ra khỏi nhóm LOONA. Nữ idol trước đó còn chịu cảnh bị công ty này ép trả 50% chi phí hoạt động trong khi chỉ được nhận 30% thu nhập.
Jang Ja Yeon, các thành viên EXO, Lee Seung Gi cùng nhiều ngôi sao khác trở thành nạn nhân của những bản hợp đồng bóc lột.
Mức độ nghiêm trọng của hợp đồng nô lệ từng khiến cả châu Á rúng động vào năm 2009, khi đó, nữ diễn viên Vườn Sao Băng - Jang Ja Yeon đã quyên sinh và để lại thư tuyệt mệnh tố cáo quản lý ép hầu rượu, phục vụ tình dục cho cả 1 danh sách nhân vật cấp cao. Sau đó 9 năm, showbiz Hàn chấn động trước vụ án 2 thành viên nhóm nhạc thiếu niên The East Light - Lee Seok Cheol và Lee Seung Hyun bị chính PD và CEO tra tấn suốt 4 năm, không thể thoát ra vì hợp đồng nô lệ.
Từ những bài học, quy tắc tưởng chừng phục vụ cho mục đích phát triển tài năng của các công ty giải trí, không ít kẻ xấu đã lợi dụng danh nghĩa quản lý và biến bộ máy đào tạo showbiz thành công cụ trục lợi, thỏa mãn dục vọng. Từ idol tân binh đến minh tinh kinh nghiệm đầy mình đều không thoát khỏi cạm bẫy của những thế lực này.
Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết các vụ ồn ào về hợp đồng nô lệ từ năm 2022 trở lại trước đều đã được cơ quan chức năng xử lý với quyền lợi nghiêng về các nghệ sĩ và kẻ xấu bị trừng phạt thích đáng. Song, vấn nạn này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận năm nay. Liệu có lối thoát nào cho nghệ sĩ?
Thời kỳ suy tàn của công thức ngôi sao và bản giao kèo xiềng xích?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Kpop, số lượng nhóm nhạc và thần tượng ngày một tăng mỗi năm, độ tuổi trung bình của idol cũng được hạ thấp đến mức gây tranh cãi. Chuyện idol ra mắt từ khi còn nhỏ không phải là lạ, nhưng tình trạng này bỗng trở thành xu hướng trong nhiều năm trở lại đây và dấy lên làn sóng trái chiều.
Những thiếu nữ, thiếu niên 15-17 tuổi phải dấn thân vào môi trường phức tạp và khốc liệt như ngành giải trí, chịu áp lực lớn từ công chúng và đối thủ cạnh tranh. Song song với sự nổi tiếng là những lời phê bình từ giới chuyên gia, ánh mắt dõi theo đầy khắc nghiệt của công chúng, và loạt tiêu chuẩn kép không thể đếm nổi về ngoại hình.
Hợp đồng của các công ty giải trí hiện nay đều đi liền với những điều lệ giới hạn về sự riêng tư, tự do của idol để tránh scandal, tuy nhiên từ đây cũng nảy sinh điểm bất cập đối với sự phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tinh thần của các tài năng đang ở độ tuổi ăn tuổi lớn.
Công ty giải trí thường mong muốn đưa nghệ sĩ vào khuôn khổ ngay từ sớm để tạo ra được những "ngôi sao không tì vết", song mô hình này lại bị công chúng chỉ trích là "nỗ lực tạo ra các cỗ máy giải trí mang tên thần tượng". Nhưng trên thực tế, càng bị ép buộc, ý chí phản kháng của các ngôi sao càng dễ nảy sinh.
Jang Won Young, Hyein chịu áp lực lớn khi ra mắt vào năm 14-15 tuổi.
Theo Bang Si Hyuk - chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn HYPE và cũng là "người cha đỡ đầu" của nhóm nhạc kỳ tích BTS, cùng trường phòng chuyên gia phân tích của Circle Chart (Gaon Chart - hệ thống chứng nhận âm nhạc dành cho các nghệ sĩ Hàn Quốc) đưa ra tuyên bố đáng lo về ngành âm nhạc Kpop.
Cả hai chuyên gia đều nhận định tốc độ phát triển về mặt kinh doanh của làng nhạc Kpop đang giảm, thậm chí có chiều hướng chuyển biến tiêu cực trên một số thị trường. Mặc cho sự bùng nổ về danh tiếng của làng nhạc Kpop và tầm ảnh hưởng đi lên của văn hóa Hallyu, phần lớn công ty Kpop chỉ chiếm 2% doanh số bán đĩa nhạc và phát trực tuyến toàn cầu.
Tỷ lệ nổi tiếng của các nhóm nhạc xứ Hàn có chiều hướng đi xuống sau khi đạt ngưỡng đỉnh nhờ các cơn sốt toàn cầu như BTS, BLACKPINK, điều này dấy lên dấu hỏi lớn về tính hiệu quả của những công thức đào tạo cũ. Liệu hợp đồng với nhiều điều khoản vô lý của các công ty giải trí liệu còn có tác dụng với thời kỳ phát triển mới, những tài năng mới của thế hệ mới?
Không ít khán giả cũng cật lực phản ánh trực diện với các "ông lớn" trong ngành về tình trạng quá sa đà vào việc kiếm lợi nhuận từ công thức thần tượng thay vì tập trung vào chất lượng âm nhạc, tác phẩm của nghệ sĩ. Bài toán marketing và PR hình ảnh là yếu tố cần để tạo nên 1 ngôi sao, nhưng tài năng và chất lượng sản phẩm nghệ thuật mới là yếu tố đủ để duy trì sự nghiệp, danh tiếng của nghệ sĩ.
Kpop liệu có được tìm một kỳ tích mới như BTS trong tương lai?
Hiện nay, những công ty lớn vẫn giữ vững vị thế trên thị trường như JYP Entertainment, HYPE đều đi theo hướng điều tiết quy tắc hạn chế đời tư theo mức độ hợp lý hơn để nghệ sĩ phát triển với cảm xúc tự nhiên, tích lũy kinh nghiệm sống.
Đây là yếu tố quan trọng giúp nghệ sĩ tạo cảm hứng làm nghệ thuật với nội dung, câu chuyện gần gũi hơn với khán giả, thay vì áp dụng công thức làm nhạc đóng khung với ca từ khuôn mẫu, giai điệu bắt tai chỉ nhằm lôi kéo lượt xem.
Đến nay, khán giả cũng chứng kiến không ít cặp đôi nghệ sĩ đã dám công khai hẹn hò, hay công ty giải trí giữ thái độ tách biệt đời tư và sự nghiệp trong loạt tuyên bố lên tiếng về chuyện tình cảm của nghệ sĩ trực thuộc.
Vào những năm 2010-2017, sau vụ tranh chấp của DBSK và SM, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) quy định giới hạn hợp đồng giải trí chỉ có hiệu lực trong 7 năm, và tiếp tục đưa các hạn chế đối với các hợp đồng giải trí, cải cách trong việc giảm bớt các hình phạt tài chính đối với các thực tập sinh Kpop vi phạm hợp đồng sớm.
Điều này khiến các công ty giải trí khó khăn hơn trong việc bắt buộc các thần tượng Kpop gia hạn hợp đồng. Mặc dù vẫn tồn tại những công ty tìm cách lách luật, xong phần lớn nghệ sĩ xứ Hàn hiện giờ đều có cơ hội lớn hơn, tự do hơn trong việc lựa chọn "mái nhà" phù hợp và đảm bảo quyền lợi đôi bên.
Không chỉ cơ quan chức năng, nghệ sĩ hiện nay cũng chủ động hơn trong việc đòi quyền lợi cho bản thân thay vì cam chịu. Đây là những dấu hiệu đáng mừng cho giới nghệ sĩ giữa làng giải trí đầy cạm bẫy, phức tạp.
Hiền Hồ một năm sau scandal cặp kè 'anh trai nương tựa', từng bị khán giả khắp nơi tẩy chay, giờ ra sao?
Sau scandal tình ái, khán giả, đặc biệt giới trẻ phản đối mạnh mẽ đến nỗi nhiều chương trình phải hủy bỏ vì Hiền Hồ. Nữ ca sỹ ngây thơ một thời giờ ra sao?