Muốn làm việc ở Nhật Bản? Ngoài kỹ năng, kiến thức thì bạn cần thêm… nhóm máu “xịn” nữa!
Gần 80% người Nhật tuổi từ 20 đến 49 tin vào sự ảnh hưởng của nhóm máu lên nhân cách, định kiến này đã khiến những người vô tình có “máu xấu” gặp nhiều thiệt thòi không đáng có.
22:00 08/05/2019
Sự ra đời của nhóm máu
Nếu có cơ hội tiếp xúc với người Nhật, chắc hẳn sẽ xuất hiện câu hỏi "Nhóm máu của bạn là gì?", bởi vì tại đất nước mặt trời mọc, nhóm máu được quan tâm hơn cả tuổi và cung hoàng đạo.
Nhóm máu xuất hiện vào năm 1901 khi nhà bác học người Áo - Karl Landsteiner lần đầu chia máu thành 4 nhóm: A, B, O, và AB.
Công trình đạt giải Nobel này không chỉ giúp bác sĩ truyền máu an toàn hơn mà còn cứu sống được vô số sinh mạng, nhưng tiếc rằng, nhóm máu lại bị các tổ chức cực đoan nhanh chóng lợi dụng, tuyên bố rằng máu có thể "quyết định" được cả tính cách và số mệnh của một người.
Nổi bật là cách mà đảng Phát xít sử dụng nhóm máu để thành lập các binh đoàn "thuần chủng", thậm chí nhiều tướng lĩnh trong quân đội còn được phong hàm và bổ nhiệm dựa trên nhóm máu. Đến những năm 1920, lý tưởng này đã được "truyền bá" đến Nhật Bản, đất nước đang bị chi phối về quân sự.
Đến năm 1926, Rin Hirano và Tomita Yashima đã đăng một bài nghiên cứu trên Tạp chí Quân Y, một lần nữa khẳng định nhóm máu là yếu tố quyết định tới tính cách và năng lực của mỗi người. Không lâu sau đó, giáo sư Takeji Furukawa tiếp tục công bố "Nghiên cứu Tính khí qua Nhóm máu" trên tạp chí Tâm lý quốc gia.
Sau khi đế quốc Nhật Bản thất bại, người dân cả nước chuyển sang quyết tâm xây dựng kinh tế và bỏ qua "định kiến nhóm máu".
Nhưng đến những năm 1970, xu hướng này lại bắt đầu trỗi dậy với vô số quyển sách được xuất bản.
Nổi bật hơn hết là tác giả Masahiko Nomi, người không có bất kỳ kiến thức y khoa nào mà chỉ dựa vào những dữ liệu được cung cấp để xuất bản hàng chục quyển sách "liên kết" giữa nhóm máu và tính cách, rất nhiều trong số này nhanh chóng trở thành hiện tượng bán chạy trên cả nước Nhật Bản.
Khi nhóm máu "bùng nổ"
Một bộ truyện tranh nổi tiếng về nhóm máu
Từ những quyển sách không được các nhà bác học "phê chuẩn", dần dần giới trẻ Nhật Bản bắt đầu sử dụng nhóm máu để tìm người yêu và xác định bạn đời tương lai của mình.
Đến khi truyền thông phát triển, hàng loạt tạp chí, sách báo, TV và chương trình truyền hình bắt đầu nhảy vào khai thác nội dung mới lạ và "hấp dẫn" này. Hàng loạt "dẫn chứng" được đưa ra, một mực khẳng định rằng nhóm máu đã và đang ảnh hưởng đến vận mệnh của cả nước Nhật.
Kể từ đó, "định kiến nhóm máu" dần len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của người Nhật, một số đội bóng chày bắt đầu lựa chọn vận động viên dựa trên nhóm máu, và số lượng công ty yêu cầu nhân viên khai báo nhóm máu trong đơn xin việc ngày một nhiều hơn.
Không những thế, một số trường mầm non còn sử dụng nhóm máu để chia lớp. Còn đối với môi trường làm việc chuyên nghiệp, phòng ban, bộ máy nhân sự, quản lý… cũng dần được phát triển dựa trên "nhóm máu phù hợp".
Tận dụng "niềm tin mù quáng" này của người Nhật, nhiều công ty đã tung ra các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, bánh kẹo, rượu… để phục vụ cho từng nhóm máu cụ thể.
Sữa tắm và rượu bán theo ... nhóm máu
Nhưng sự việc nào cũng có mặt trái của nó, và hiện tượng "phân biệt nhóm máu" dần trở thành một chủ đề nhức nhối trong xã hội Nhật Bản. Do 67% dân số tại đất nước mặt trời mọc sở hữu nhóm máu O và A, nên 2 nhóm máu còn lại là B và AB đột nhiên trở thành phe "thiểu số", với nhiều chỉ trích cho rằng người nhóm máu B sẽ "rất ích kỷ và thích gây rối", còn người nhóm máu AB thường "lập dị và khó đoán".
Theo giáo sư Yamaoka, 28% người nhóm máu B và 18,5% người nhóm máu AB thừa nhận rằng mình đã từng bị đối xử không công bằng, thậm chí còn bị miệt thị chỉ vì nhóm máu.
Tình trạng "phân biệt nhóm máu" trong môi trường làm việc còn tệ đến mức Bộ Lao Động Nhật Bản buộc phải ban hành "Hướng dẫn Tuyển dụng Công bằng", yêu cầu tất cả công ty không được hỏi ứng viên về nhóm máu, ngày sinh và cung hoàng đạo trong quá trình tuyển dụng.
Nhưng dù có thoát được "ải tuyển dụng", những nhân viên trong quá trình làm việc nếu như mắc sai lầm vẫn phải chịu nhiều lời đàm tiếu từ đồng nghiệp như: "Nhóm B là thế đó", hay "Bởi vậy, AB có khác"…
Tình trạng phân biệt xảy ra quá thường xuyên khiến nhiều nhân viên nhóm máu B và AB phải khai nhận mình thuộc nhóm máu khác để tránh bị kỳ thị.
Vậy, người Nhật đánh giá nhóm máu như thế nào?
Một bộ sách phân tích nhóm máu nổi tiếng
- Nhóm máu A:
Những người thuộc nhóm máu A sẽ đầy tình cảm, luôn bình tĩnh, cẩn thận đến từng chi tiết, có trách nhiệm, cầu toàn và hay lo lắng.
- Một số nhân vật có nhóm máu A nổi tiếng: Britney Spears, Ringo Starr, và Adolf Hitler.
- Công việc phù hợp nhất với nhóm máu A: Kế toán, nhân viên thư viện, luật sư, nhà kinh tế, nhà văn …
- Nhóm máu B:
Những người thuộc nhóm máu B sẽ luôn lạc quan, ham vui, vô tư, ích kỷ, thích được quan tâm và rất khó đoán.
- Một số nhân vật có nhóm máu B nổi tiếng: Leonardo Dicaprio và Jack Nicholson.
- Công việc phù hợp nhất với nhóm máu B: Thám tử, nhà báo, nghệ sĩ, chuyên gia tâm lý …
- Nhóm máu O:
Những người thuộc nhóm máu O sẽ rất thực tế, luôn tò mò và tham vọng, nhưng họ cũng rất trung thành, sống có tình cảm, đôi lúc cứng đầu và hay ghen.
- Một số nhân vật có nhóm máu O nổi tiếng: Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, John Lennon, Elvis Presley và Paul Newman.
- Công việc phù hợp nhất với nhóm máu O: Kế toán, chính trị gia, doanh nhân, bác sĩ ...
- Nhóm máu AB:
Những người thuộc nhóm máu AB thường rất phức tạp, bí ẩn, đam mê nhiều thứ, rất nghệ sĩ, duy tâm và khó đoán.
- Một số nhân vật có nhóm máu AB nổi tiếng: Marilyn Monroe và Mick Jagger.
- Công việc phù hợp nhất với nhóm máu AB: Quan hệ công chúng, quản lý, đàm phán, giảng viên …
Bạn có đồng ý với những nhận xét trên? Và liệu bạn có tin rằng tính cách được quyết định bởi nhóm máu?
Theo: cafebiz.vn
Chuẩn bị khám phá tuyến đường sắt mất 5h đi HÀ NỘI – SÀI GÒN chuẩn Nhật
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP Hồ Chí Minh là một trong những dự án chiến lược của Đường sắt Việt Nam.