Nam Định: Vừa sạc vừa dùng điện thoại, thiếu niên 17 tuổi bị nát bàn tay, đứt lìa các ngón
Ngày 13/1, thiếu niên dùng điện thoại trong khi đang cắm sạc thì điện thoại phát nổ. Bàn tay bị dập nát, nạn nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu khi chưa sơ cứu.
18:30 15/01/2019
Các bác sĩ đã vệ sinh vết thương, băng bó, giảm đau cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cho biết toàn bộ bàn tay bệnh nhân bị nát, đứt lìa các ngón.
Thiếu niên 17 tuổi bị dập nát toàn bộ bàn tay
Khác với vết thương cắt lìa có thể vi phẫu nối ghép lại được, trường hợp này bệnh nhân bị tổn thương dập nát nên không còn khả năng nối liền chi.
Bệnh viện từng cấp cứu một bệnh nhân khác cũng gặp nạn tương tự do vừa dùng điện thoại vừa sạc.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo không sử dụng điện thoại khi đang cắm nguồn sạc. Đây là thói quen “chết người” mà rất nhiều người mắc phải.
Ảnh minh họa
Đối với nạn nhân bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi sạc, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Băng bó vết thương, bất động chi và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Liên quan đến vấn đề trên, anh Vũ Thanh Thắng – Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng, Tập đoàn công nghệ BKAV cho rằng trong trường hợp này nguyên nhân là do củ sạc điện thoại. Vì thực tế, củ sạc điện thoại là bộ chuyển đổi nguồn từ 220 VAC sang điện áp VDC (5-12V) nên nếu củ sạc không đảm bảo chất lượng, không có đủ các mạch bảo vệ theo tiêu chuẩn, dễ dẫn đến rò điện, hoặc cháy, nổ, nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Anh Thắng cũng nhấn mạnh rằng, dù có sử dụng sạc điện thoại chính hãng thì người dùng cũng không nên vừa dùng vừa sạc điện thoại. Bởi trong quá trình sạc pin, nhiệt độ trên thiết bị và pin sẽ tăng lên (tối đa có thể lên tới 45 độ C theo tiêu chuẩn an toàn).
Khi người dùng vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng lên nữa. Lúc này, các phản ứng hóa học bên trong pin không ổn định, có thể gây ra hiện tượng chập hoặc cháy – nổ.
Ngoài ra, người dùng cũng cần lưu ý khi chọn mua sạc dự phòng. Nên mua sạc dự phòng chính hãng của các hãng uy tín để sử dụng cho điện thoại, tránh ham rẻ mua các sạc dự phòng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng dẫn đến cháy nổ, hoặc gây hỏng thiết bị.
Một số khuyến cáo sử dụng điện thoại và sạc pin điện thoại đúng cách để đảm bảo an toàn cho người dùng:
– Không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin.
– Để điện thoại ở nơi thoáng mát khi sạc pin (lý tưởng ở 25 độ C)
– Không sử dụng các loại củ sạc, dây sạc, pin, pin dự phòng không chính hãng hoặc không phải của các hãng uy tín.
– Khi thiết bị không sử dụng trong thời gian dài cần sạc pin lên tối thiểu 50%. Sau 6 tháng không sử dụng cần sạc lại pin.
– Với công nghệ pin Li-Ion hiện tại thì có thể sạc lại pin ở bất kỳ dung lượng nào, nhưng khuyến cáo nên sạc đầy pin rồi sử dụng, tránh việc cắm đi cắm lại nhiều lần, có thể gây chai pin.
– Khi phát hiện pin có dấu hiệu bất thường (pin bị phồng, pin sụt nhanh bất thường…) cần liên hệ với nhà sản xuất thiết bị để được thay thế.
– Pin Li-Ion phổ biến trên điện thoại di động hiện nay dùng trên 2 năm, dù dùng đúng cách thì dung lượng pin cũng bị giảm đi, thường chỉ còn khoảng 80%. Lúc này dù pin không có dấu hiệu bất thường thì cũng nên xem xét thay thế.
Theo: dkn.tv
Lén lút chuyển “ngầm” hàng tỷ yen về nước, người đàn ông Việt Nam bị bắt giữ!
Một người đàn ông Việt Nam 36 tuổi đã bị bắt vào ngày hôm nay với cáo buộc điều hành một đường dây ngân hàng “ngầm” và gửi tiền một cách bất hợp pháp từ Nhật Bản về nước, theo thông tin từ phía cảnh sát Nhật Bản.