Người Nhật chỉ hơn người Việt mỗi cái khẩu trang…..

Ở Việt Nam, người ta ra đường đeo khẩu trang là để tránh bụi, tránh ô nhiễm, tránh lây bệnh cho bản thân. Còn ở Nhật, người ta đeo khẩu trang ra đường khi… họ có bệnh.

09:00 03/08/2019

 

Thực tế là vậy, người Nhật chỉ hơn người Việt có thế, không gì hơn.

Đây là cú sốc văn hóa thực sự của mình trong chuyến đi Nhật vừa rồi. Ngày xưa có kể, đi Anh không thấy sốc, về Việt Nam thì bị sốc ngược, giờ thì sốc xuôi thật sự khi sang Nhật.

Vì sao đeo khẩu trang?

Ban đầu chỉ là do cái tính hay quan sát, để ý, săm soi. Vừa đến Nhật, ở ngay quầy làm thủ tục nhập cảnh đã thấy có người đeo khẩu trang, loại khẩu trang rất đặc trưng – sau này biết là loại dùng một lần vất đi. Mình bảo quái lạ, sao Hải quan lại đeo khẩu trang làm gì nhỉ? Chắc là sợ lây bệnh từ khách du lịch đến ở các vùng có dịch – nghe có vẻ hợp lý – cơ mà có người đeo người không, lạ thật.

Rồi càng đi sâu vào Nhật, càng gặp nhiều người, đến nhiều nơi công cộng càng thấy lạ, không hề có một sự lý giải thỏa đáng nào theo nghĩa thông thường cho việc đó cả. Nhà hàng, quán xá, ga tàu, lái tàu, nhân viên ngân hàng, lái xe, thu ngân, lễ tân khách sạn, cảnh sát… tất cả đều có người đeo người không. Cực kỳ khó hiểu.

Sau, gặp thằng bạn cùng quê nhưng ở Nhật đã 10 năm nay, hỏi nó, nó giải thích rất đơn giản ngắn gọn “người Nhật đeo khẩu trang vì họ không muốn lây bệnh cho người khác, đó là những người đang ốm”. Đờ người, đờ mặt ra một lúc, trong đầu lập tức xảy ra một loạt hiện tượng tái lập trình lại tư duy, nhận thức (recalibrate) rồi bùm, sốc văn hóa!

Ra là thế, vậy mà không nghĩ ra – trong tất cả các tình huống, trong tất cả những gì thuộc về hiểu biết văn hóa, lịch sử Việt của mình, đâu có ai dạy mình, đâu có ý thức hệ nào, mảy may suy nghĩ nào cho mình hiểu rằng nếu mình ho, sụt sịt mũi, có khả năng phát tán virus, bệnh truyền nhiễm thì mình phải đeo khẩu trang vào để tránh-lây-nhiễm-cho-những-người-xung-quanh. Đờ đẫn. Ra là vậy, họ hơn mình là ở đây chứ đâu.

Ở nhà, hắt xì hơi không che miệng, không quay mặt, lấy tay vắt mũi, vẩy vẩy, chùi chùi đi là bình thường. Còn nếu che miệng hoặc quay mặt đi hoặc dùng khăn giấy lau, xì thì đã là lịch sự, lịch thiệp lắm rồi. Khẩu trang được hiểu là công cụ dùng để tự bảo vệ mình, giống các bác sĩ tự bảo vệ ở trong bệnh viện, các bà các chị chống bụi, chống độc ngoài đường.

Ai-mà-nghĩ-được, cái khẩu trang còn là công cụ hữu hiệu để bảo-vệ-cộng-đồng. Ai mà nghĩ được cơ chứ? Vậy mà ở cái đất nước kia, nó ăn sâu vào ý thức của mỗi người – hiếm khi thấy có biển nhắc nhở đeo khẩu trang, nếu có thường là tiếng Anh. Tức là người ta không cần truyền thông nhiều nữa, không cần nhắc nhiều nữa, tất cả đều hiểu như vậy, giống như trời mưa thì phải mặc áo mưa.

Nên sẽ gặp cảnh đôi bạn trẻ tình tứ đi bên nhau, cười nói vui vẻ mà bạn gái thì vẫn đeo khẩu trang khoác tay bạn trai. Nó ngược và sốc văn hóa đến mức, kể cả khi sốc như vậy rồi, hiểu như vậy rồi, trong nhóm đi Nhật của mình ¾ người bị sụt sịt, xổ mũi, ốm, uống thuốc thì cũng không ai nghĩ đến chuyện ra đường đeo mấy cái khẩu trang đó, cho dù siêu rẻ và có bán tại tất cả các cửa hàng tiện lợi, vẫn đơn giản là ho thì che miệng lại. Không biết người Nhật có khó chịu khi thấy vậy?

Có thể ở Nhật từng trải qua nhiều đại dịch khủng khiếp nên họ ý thức rõ việc cần phải tránh lây lan, phát tán bệnh dịch như thế nào – cơ mà, khi có dịch thì tốt nhất tất cả mọi người cùng đeo khẩu trang cho an toàn nhỉ, phòng bệnh hơn chữa bệnh? Nếu bạn nghĩ thế, chắc chắn bạn đúng là người Việt rồi. Thật khó để thay đổi lý do người ta đeo cái khẩu trang. Bảo vệ mình, hay bảo vệ cộng đồng?

Cái rốn của vũ trụ nằm ở đâu?

Trong nhà hàng, quán ăn có đầu bếp giỏi, đầu bếp luôn luôn ở vị trí trung tâm, ăn theo dạng bar. Ví dụ như sushi băng chuyền, các đầu bếp đứng ở giữa, trực tiếp làm món ăn và chuyển lên băng – không như lẩu băng chuyền của Việt Nam, đầu bếp là ai chẳng biết, chỉ biết lù lù mấy cái bát, cái đĩa chạy ra từ sau màn che.

Ngoài đường ở Nhật, trung tâm của sự ưu tiên là người đi bộ, xe đạp tránh người đi bộ, xe máy tránh xe đạp, ô tô tránh xe máy… Ở VN thì các bạn biết rồi đấy, còi to cho vượt, ưu tiên cao nhất là xe tải, xe buýt, rồi đến ô tô các loại, xong xe máy, xong xe đạp, rồi mới đến người đi bộ.

Lý giải của người Việt? mày không tránh ông, ông to hơn, mày thiệt, ông chả thiệt, xe ông càng xịn, tiền mày đền càng nhiều, đừng có dại động vào ông.

Lý giải của Nhật? Anh là người ngồi trong xe có khung thép, túi khí bảo vệ, khi xảy ra va chạm, anh là NGƯỜI thiệt hại ít nhất, còn người đi bộ không có gì che chắn bảo vệ, họ là NGƯỜI thiệt hại và có nguy cơ ảnh hưởng tới TÍNH MẠNG cao nhất, vậy nên họ phải được ưu tiên, đơn giản có thế thôi.

Tạm kết

Đấy, chung quy lại thì thực ra người Nhật chỉ hơn người Việt có mỗi cái khẩu trang thôi, những thứ còn lại chả có gì hơn. Tàu Shinkansen siêu tốc? Công nghiệp sản xuất công nghệ cao, chất lượng tốt như đồ Nhật? du lịch phát triển? cường quốc kinh tế? giao thông công cộng tiện lợi, an toàn? (hoặc công nghiệp tình dục, hạt nhân?)… chẳng phải, chỉ là cách nghĩ trước khi đeo cái khẩu trang lên mặt – để lo cho thân mình, hay lo cho cộng đồng, lo cho những người xung quanh.

Tuy vậy, để đeo được cái khẩu trang như người Nhật, có lẽ, người Việt sẽ mất vài trăm năm, hoặc không bao giờ cả…

Nhân chuyến đi Nhật tháng 04/2014.

Nguồn : Sưu tầm trên Facebook

Tags:
7 bí quyết làm đẹp của người Nhật

7 bí quyết làm đẹp của người Nhật

Từ nhiều thế kỷ trước, người Nhật đã tìm ra cho mình những bí quyết để bản thân luôn cảm thấy trẻ đẹp và săn chắc. Dưới đây là 7 thói quen hàng ngày mang lại hiệu quả làm đẹp lâu dài mà người Nhật Bản vẫn đang áp dụng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất