NHẬT BẢN: BÚT KÝ NGƯỜI XA XỨc
Hai tháng vừa qua Nhật thật sự là một thách thức. Tôi hiểu vì sao tôi buồn và muốn trở về bên gia đình đến thế.
06:00 08/10/2017
Sang đây, không quen một ai, học chương trình cao học nên ít người Việt. Một thân mình sống ở ký túc xá của trường, và vì không quen ai nên tôi xin bảo vệ cho nuôi một con mèo để làm bạn. Những lúc nhớ nhà thì chỉ biết đi dạo và xem phim với một đứa bạn sống cùng dãy nhà, tên là Parker, người Mỹ, cũng sang học cao học.
May mắn là tháng vừa qua Nhật là giữa tháng 7, cái tháng được xem là đẹp nhất năm ở Tokyo, cũng là lúc mở cửa để du khách leo núi Phú Sỹ. Chỗ tôi sống thì đi xe ô tô khoảng gần hai tiếng về tỉnh Shizuoka, phía Tây Nam Tokyo thì đến chân núi Phú Sĩ, nên mặc dù mới qua Nhật nhưng trong một tháng mà tôi đi trèo núi đến tận ba, bốn lần. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ cuốc bộ lên độ cao khoảng 1000 mét là xuống, trong khi độ cao của núi Phú Sĩ là 3776 m, càng lên thì càng lạnh, tôi thì cớm lạnh nên đi được chừng đó thì tụt xuống rồi. Mỗi lần đi như vậy rất đông người, nhưng cũng vì thế mà vơi đi cái nhớ nhà
Sống tự lập xa gia đình nên cái gì cũng phải tự quyết, đó là chuyện thường tình, nhưng tôi lại ghét phải đối mặt với sự khác biệt trong tập tính sống và sinh hoạt trong khoảng thời gian này. Do chương trình học quá dày, quá nhiều thứ phải làm ở trường và thư viện, khiến tôi đôi lúc thấy đuối, nên những bất cập trong giao tiếp với người bản xứ, tôi cũng bỏ lơ, không muốn học hỏi. Một trong những trải nghiệm cực khổ nhất của là ăn Sushi, Sashimi hay đại loại thế. Không ăn được cá sống, nhưng bản thân tôi lại muốn vượt qua thử thách này, nên đành cố ép mình phải thích nghi, thành ra có những đêm không ngủ được vì bị đau bụng, rồi nôn mửa…May sao có một ngày, bà chủ quán thấy như vậy, bà thương nên đưa cho tôi một củ gừng, bảo là sau khi ăn xong sushi, nên ăn một miếng gừng, về sẽ không bị đau bụng. Quả nhiên là như thế, tự nhiên tôi thấy mừng rỡ và như tìm thấy được ân nhân, từ đó trở đi, tôi xem bà Samatazo ở quán đó như là người bạn thân của mình. Các tối thứ bảy, không học ở thư viện thì tôi đến quán để giúp bà phục vụ, sẵn cơ hội giao tiếp và hiểu thêm người Nhật. Bà Samata bảo tôi rằng, để sống được ở đất nước này, việc tôi phải làm đầu tiên là thích nghi với con người Nhật, chứ không phải là văn hóa của nó.
Vậy là từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu người Nhật. Tokyo được ví như là thành phố New York của Mỹ, đông đúc, nhộn nhịp, xa hoa và tráng lệ. Điểm thích nhất ở thành phố này là sự sạch sẽ và ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật rất cao. Bất cứ nơi nào đi qua, dù là ban đêm hay ban ngày, hầu như không thấy rác. Khó khăn những ngày đầu phải kể đến là giao thoại với người bản ngữ không hiểu sao, người Nhật nói rất nhanh. Mặc dù dùng được tiếng Nhật nhưng hầu như trên xe bus, tàu điện ngầm, tôi rất ngại giao tiếp, tôi sợ tốc độ giao tiếp của họ. Về sau có dịp đi ra ngoài Tokyo, đến Kyoto, Hokkaido, Kyushu… và so sánh thì tôi vẫn có một ấn tượng đặc biệt về con người ở thủ đô Tokyo này: Nói nhanh và không quan tâm đến một ai khi đi trên đường. Họ di chuyển rất nhanh trên phố, nhất là những người mang áo quần công sở. Có lẽ nhịp sống phát triển ở thủ đô này rất cao khiến cho con người ta phải thích nghi như vậy. Nếu cho tôi đặt tên về thành phố này, tôi sẽ gọi là “Thành phố không bao giờ ngủ”. Mãi cho gần một năm sau, tôi mới hết cảm giác sợ giao tiếp này.
Một điều khó khăn trong việc hiểu người Nhật nữa đó là sự lạnh lùng trên khuôn mặt của họ, đặc biệt là nam giới. Nếu muốn hỏi đường, hay là muốn biết một dịch vụ nào đó, thì tôi chỉ chọn nữ giới, tôi có cảm giác phụ nữ ở Nhật thân thiện hơn đàn ông. Lý do cơ bản là do đàn ông ở Nhật thường bị áp lực lớn hơn từ cuộc sống so với những người phụ nữ, trách nhiệm của họ đối với gia đình và xã hội rất cao. Xã hội Nhật ngày nay, tuy nói phát triển nhưng vẫn còn nặng về tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Chẳng hạn như, khi đứng xếp hàng mua mì, người phụ nữ luôn được ưu tiên đứng trước, đây không phải là một quy định thành văn, mà là ý thức tự nguyện của nam giới/đàn ông nơi đây. Nhưng hành động đó nhiều lúc không tự nhiên, có tính miễn cưỡng, và điều đó thể hiện trên khuôn mặt của những người đàn ông.
Một điều đáng để hiểu biết thêm về người đàn ông Nhật nữa là một bộ phận giới trẻ Nhật ngày nay, chủ yếu là nam giới, không muốn gia nhập vào cộng đồng. Ở nhà trường cấp ba trong các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto thì hiện tượng này có tên gọi là hội chứng Hikikomoni, tương tự như triệu chứng bệnh tự kỷ mà các giới trẻ của Việt Nam thường trêu nhau trên facebook, ai mắc chứng bệnh này thì bản thân họ khó hội nhập vào xã hội, đang trở thành một vấn nạn cho xã hội Nhật ngày nay.
Còn nói về người phụ nữ Nhật, ấn tượng nhất là văn hóa chào người lạ của họ. Đó là khi bạn bước vào nhà, nếu là người phụ nữ ra đón chào bạn, họ sẽ làm một động tác đó là quỳ xuống và cuối đầu sát mặt sàn để chào, thường thì mặt sàn sẽ cao hơn mặt đường khoảng 0,5 mét và có tầng cấp bước lên. Lần đầu tiên thấy điều đó, tôi rất cảm động và thấy người phụ nữ chào mình rất dịu dàng, nữ tính và hiếu khách.
Tuy nhiên, cách chào đón này chỉ phổ biến ở ngoại ô, hay vùng xa thành phố thôi, còn ở Tokyo, người ta ít chào như vậy lắm, họ chỉ bắt tay chào hỏi nhau thôi.
Dần dà thì tôi quen với nếp sống ở đây. Học xong chương trình cao học cuối năm 2013, Giáo của tôi giới thiệu tôi vào làm ở một công ty tư nhân, đủ để có thể áp dụng những gì tôi được học vào công việc. Từ khi đi làm, tôi nhận ra rằng mình cũng đi bộ khá nhanh trên những con phố khi tan sở, nhịp sống cũng trở nên nhanh hơn. Nếu bây giờ có ai hỏi tôi rằng, bạn thấy nước Nhật thế nào, thì tôi cũng dễ dàng trả lời họ đúng với những gì tôi trải nghiệm được. Tôi đã có bạn bè nhiều ở đây, người Việt cũng có và người bản xứ cũng nhiều. Tôi cũng thỉnh thoảng lấy tiền lương của mình để tự mua vé về thăm nhà mỗi khi Tết đến, mặc dù ở Nhật đón Tết theo dương lịch nên Tết sẽ đến sớm hơn Việt Nam một tháng, nhưng ở công ty tôi, sếp cho tôi được nghỉ Tết theo ngày Việt Nam, nên những cái Tết gần đây tôi đều có mặt ở Việt Nam.
Nói về dự định trong tương lai của tôi thì tôi chưa nói được điều gì. Có người khuyên tôi ở lại, có người khuyên tôi trở về. Riêng ba mẹ tôi thì để tôi toàn quyền quyết định. Có lẽ sắp đến tôi phải đưa ra một quyết định: Ở lại hay trở về. Nhưng nếu trả lời từ trong tận đáy lòng thì tôi muốn trở về bên ba mẹ mình, tôi muốn chăm sóc họ, chứ không phải sống xa nhà như thế này. Thành ra, có lẽ tôi sẽ quyết định dựa vào bản năng chứ không phải là lý trí. Tôi nghĩ, có năng lực, có kinh nghiệm, thì sống đâu cũng được thôi. Hi vọng là Việt Nam sẽ chào một người con đã năm năm xa xứ.
(Bài viết này là của một độc giả giấu tên)
Nguồn: Mannup.vn
Chỉ với việc xỉa răng thôi mà người Nhật Bản cũng tinh tế đến thế này đây!
Xỉa răng là chuyện hết sức bình thường nhưng xỉa sao để giữ hình ảnh đẹp về mình thì có lẽ không phải ai cũng làm được như người Nhật Bản.