Nhật Bản có đang thiếu cảnh giác trước COVID19?
Với thực tế số ca nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt những ngày gần đây, cộng thêm tâm lý lơ là của người dân, thủ đô Tokyo rất có thể sẽ “vỡ trận”.
17:00 10/04/2020
Tính đến hết ngày 8/4, thủ đô Tokyo, Nhật Bản xác nhận thêm 144 ca mắc COVID-19 – mức nhiều nhất được ghi nhận trong ngày, nâng tổng số người nhiễm tại tâm dịch này lên hơn 1.300 người. Điều đáng nói là con số này đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần.
Các toa tàu tại Nhật Bản vẫn đông đúc giữa tình trạng khẩn cấp
Những số liệu thống kê vẫn tăng bất chấp việc Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ đầu tuần này, đang dẫn đến lo ngại rằng Nhật Bản có thể đang chậm chân trong nỗ lực kiểm soát dịch.
Tại hai ga tàu điện ngầm đông đúc bậc nhất tại Tokyo, bất chấp tình trạng khẩn cấp đã được ban bố, các chuyến tàu vẫn đông kín người vào giờ cao điểm. Cảnh tượng bên ngoài đường phố cũng vẫn nhộn nhịp, hoàn toàn trái ngược với những con đường vắng vẻ ở các quốc gia khác đang trong tình trạng đóng cửa.
Một số người dân cho biết, họ có thể điều chỉnh thói quen, nhưng vẫn chưa thực hiện giãn cách xã hội. “Tôi cố gắng tránh không lên các chuyến tàu đông đúc bằng cách đi làm thật sớm và về sớm hơn khung giờ cao điểm. Cửa sổ trên tàu đã được để mở cho thoáng khí”, ông Sato – người dân Tokyo, Nhật Bản cho hay.
Chị Chihiro Kakegawa – người dân Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Tôi làm tại một công ty tài chính nên buộc phải có hệ thống luân phiên người đi làm. Chúng tôi mong sẽ sớm được chuyển sang hình thức làm việc tại nhà để không còn phải di chuyển”.
Chính sách chống dịch của Nhật Bản cho đến nay là khoanh vùng ổ dịch bằng cách theo dõi các ca nhiễm và cho người nghi nhiễm tự cách ly. Trong nhiều tháng qua, Nhật Bản vẫn được coi là ngoại lệ của thế giới, khi ghi nhận số ca nhiễm tương đối thấp dù không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt.
Tờ Washington Post bình luận thói quen của người Nhật Bản bao gồm đeo khẩu trang và cúi đầu chào hỏi thay vì bắt tay có thể đã giúp quốc gia này tránh được sự bùng nổ số ca nhiễm ở thời kỳ đầu. Nhưng sự may mắn này có thể sẽ không thể bảo vệ Nhật Bản mãi trước làn sóng gia tăng số ca nhiễm từ nước ngoài và không rõ triệu chứng.
CNN bày tỏ lo ngại rằng số ca nhiễm hơn 4.600 được xác nhận tại Nhật Bản tính đến nay có thể mới chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi nước này có chính sách xét nghiệm khá giới hạn với lý do tránh tạo áp lực lên hệ thống y tế.
Tính tới đầu tháng 4, Nhật Bản mới xét nghiệm được hơn 39.000 người trên tổng số 125 triệu dân. Đây là tỷ lệ rất nhỏ so với các nước khác. Ví dụ Hàn Quốc có dân số ít hơn Nhật Bản nhưng đã xét nghiệm được hơn 440.000 người. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo nếu COVID-19 lây lan nhanh tại quốc gia có dân số già như Nhật Bản, cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt.
VTV
Những người Việt 'tiến thoái lưỡng nan' giữa dịch ở Nhật
Gần một tháng kể từ ngày có triệu chứng bệnh, anh Minh vừa sống trong lo sợ nhiễm nCoV vừa canh cánh các loại chi phí khi đã mất việc làm.