Nhật Bản đau đầu với bài toán giải quyết thức ăn thừa với các chính sách mới!

Các nhà điều hành cửa hàng tiện lợi lớn mới đây đã đưa ra các biện pháp chính thức nhằm hạn chế số lượng thực phẩm thừa được thải ra, vốn là một vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Nhật Bản, nơi có tới 6 triệu tấn sản phẩm thức ăn thừa bị bỏ đi hàng năm.

21:00 21/05/2019

Tuy nhiên, các nhà hàng và hộ gia đình, những đối tượng chịu trách nhiệm tới khoảng 66% các thực phẩm bị bỏ đi, lại đang trở nên chậm chạp trong việc thích ứng cũng như cắt giảm số lượng các thực phẩm thừa sau các bữa ăn. Các nhà hàng lo ngại rằng họ sẽ mất đi các khách hàng nếu phục vụ các phần ăn nhỏ hơn, trong khi những người tiêu dùng Nhật Bản từ trước đến nay luôn ưu tiên lựa chọn thực phẩm dựa trên độ tươi sống của chúng, vậy nên các thức ăn cũ bị bỏ đi luôn là phương án được ưu tiên lựa chọn.

Seven-Eleven và Lawson, 2 ông lớn trong ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản, cho biết rằng họ sẽ bắt đầu giảm giá cơm nắm cũng như các hộp cơm bento khi các sản phẩm này gần hết hạn sử dụng. Theo đó, các combini tại 2 thương hiệu này sẽ tặng cho các khách hàng đã đăng ký chương trình tín dụng mua sắm tích điểm 5% giá trị của các mặt hàng sắp hết hạn mà họ đã mua.

“Việc lãng phí thực phẩm từ lâu đã trở thành một vấn đề lớn trong nước và trên phạm vi toàn cầu, các cửa hàng tiện lợi cũng cần phải đối mặt với các vấn đề này” ông Sadanobu Takemasu, chủ tịch của Lawson cho biết. Ông cũng khẳng định rằng khoảng 10% các thực phẩm như cơm hộp hay bento của hãng đã bị bỏ đi như là thực phẩm thừa mỗi năm.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Hoa Kỳ, khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm đã bị lãng phí trên toàn cầu mỗi năm, trong khi đó lại có tới 1/9 dân số trên toàn thế giới, tương đương với 815 triệu người, bị thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc sản xuất quá mức lượng thực phẩm cũng như quá trình tiêu hủy các chất thải thực phẩm sẽ góp phần lớn vào việc thải ra khí carbon dioxide gây ô nhiễm môi trường.

Trong các mục tiêu phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia giảm xuống một nửa lượng chất thải thực phẩm trên phạm vi toàn cầu, tính theo bình quân đầu người ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng. Bộ trưởng Nông nghiệp của nhóm 20 nền kinh tế lớn tại một cuộc họp đầu tháng tại thành phố Niigata cũng đã đồng ý trong việc trở thành những người đi tiên phong trong việc giảm chất thải thực phẩm.

Vào tháng 1, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản đã kêu gọi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị không sản xuất quá nhiều các cuộn sushi theo mùa. Yêu cầu của Bộ được đưa ra sau khi hình ảnh của một số lượng lớn các cuộn sushi bị bỏ đi đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội gây ra tranh cãi.

Trong khi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị có xu hướng bị đổ lỗi vì đã sản xuất ra lượng chất thải thực phẩm lớn, con số thực tế lại chứng minh điều ngược lại khi lĩnh vực bán lẻ thực ra chỉ tạo ra khoảng 10%, tương đương với 660.000 tấn trong tổng số 6,43 triệu tấn chất thải thực phẩm trong năm tài khóa 2016, theo thông tin từ chính phủ. “Hung thủ” thực sự tạo nên số lượng rác thải thực phẩm khổng lồ này đó chính là các hộ gia đình, với việc tạo ra tới 2,91 triệu tấn rác thải, tương đương với 40% lượng rác đã thải ra. Các ngành sản xuất liên quan đến thực phẩm và các nhà hàng lần lượt vứt đi 1,37 triệu và 1,33 triệu tấn thực phẩm thừa mỗi năm.

Trong số các công ty đang phải thực hiện các chính sách để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm, nhà điều hành chuỗi nhà hàng lớn Skylark Holdings Co. đã cung cấp cho các khách hàng các hộp cho phép khách mang thức ăn thừa về nhà, cho dù khái niệm về những chiếc túi như vậy vẫn chưa thực sự phổ biến tại Nhật Bản.

Một sáng kiến khác, do Prince Hotels Inc. nghĩ ra, đã cung cấp cho khách hàng các chiếc đĩa được chia thành 9 ô khác nhau tại nhà hàng buffet, như một cách nhắc nhở các khách hàng không lấy các đồ ăn nhiều hơn mức mà họ có thể ăn.

Nhưng đối với phần lớn các nhà hàng, họ cảm giác rằng việc phục vụ các phần thức ăn nhỏ hơn có thể khiến các khách hàng của mình khó chịu, bởi “phụ thuộc vào khách hàng quyết định rằng họ đã kết thúc món ăn của mình hay chưa” như lời của một người điều hành nhà hàng.

Nguồn: Japan Times

Tags:
Mức cảnh báo nguy hiểm về núi lửa được nâng lên tại núi Hakone, khu vực nghỉ dưỡng ở gần Tokyo

Mức cảnh báo nguy hiểm về núi lửa được nâng lên tại núi Hakone, khu vực nghỉ dưỡng ở gần Tokyo

Chính quyền Nhật Bản đã nâng mức cảnh báo về núi lửa hoạt động tại khu vực núi Hakone vào ngày Chủ nhật và cảnh báo mọi người không nên đến gần với khu vực miệng núi lửa, vì các dự báo về địa chấn đang gia tăng tại khu vực nghỉ dưỡng suối nước nóng nổi tiếng gần Tokyo.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất