Nhật Bản sẽ tuyển lao động nước ngoài ra sao trong năm 2019?

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa cung cấp thêm thông tin liên quan tới việc Quốc hội Nhật Bản mới đây đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi theo hướng nới rộng cơ hội việc làm cho lao động nước ngoài.

15:00 21/12/2018

Hơn 200.000 thực tập sinh đã tới Nhật Bản

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ khi triển khai chương trình tiếp nhận lao động tới nay, Việt Nam đã đưa được gần 200.000 lao động sang tu nghiệp và thực tập tại Nhật Bản. Số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126.000 người. Dự kiến năm 2018, Việt Nam sẽ phái cử trên 56.000 thực tập sinh.

Với kết quả trên, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hàng năm và số thực tập sinh đang thực tập tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 8/12/2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, trong đó có nội dung quy định về tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc biệt”.

Dự kiến, các thông tin cụ thể về cơ chế tiếp nhận mới vào khoảng tháng 1/2019 và hướng tới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019.

Cũng theo Cục Quản lý lao động, Quốc hội Nhật Bản sẽ xem xét về cơ chế tiếp nhận nhân lực nước ngoài theo tư cách “kỹ năng đặc biệt” theo phương hướng sau:

Trường hợp có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết đủ để đáp ứng công việc được gọi là “kỹ năng đặc biệt số 1”.

Trường hợp đã thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn được cấp tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”.

Với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 1”, người lao động được giới hạn thời gian làm việc là 5 năm và không được bảo lãnh gia đình. Với tư cách “kỹ năng đặc biệt số 2”, người lao động có thể ở lại làm việc lâu dài và bảo lãnh gia đình cùng sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Tăng cơ hội hợp tác

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ chế tiếp nhận mới của Nhật Bản được thông qua sẽ là điều kiện thuận lợi phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

Nhằm giữ vững ổn định và phát triển thị trường lao động trong bối cảnh phía Nhật Bản đang xem xét cơ chế tiếp nhận mới, các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, đề xuất về các nội dung cụ thể.

Cụ thể, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu hướng đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác giữa hai chính phủ trong lĩnh vực phái cử và tiếp nhận nhân lực với tư cách “ kỹ năng đặc biệt” nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích cần thiết cho người lao động.

Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, cơ chế phái cử phù hợp với chính sách tiếp nhận mới của phía Nhật Bản nhằm đảm bảo quá trình phái cử và tiếp nhận được tiến hành thuận lợi và chặt chẽ.

Bên cạnh đó cần quy định rõ về việc không thu tiền ký quỹ từ người lao động để loại bỏ những công ty phái cử, môi giới kém chất lượng.

Chú trọng công tác đào tạo chất lượng tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ cho người lao động trước khi sang làm việc.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính người lao động về việc trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực tiếng Nhật để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiếp nhận, tạo sức cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Nguồn: dantri.com

Tags:
Nhật Bản chặn đơn visa của 17 cơ sở tư vấn du học ở Việt Nam

Nhật Bản chặn đơn visa của 17 cơ sở tư vấn du học ở Việt Nam

Các cơ sở không được nộp hồ sơ đến Nhật cho đến tháng ba hoặc tháng 5/2019.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất