Nhật Bản: Siết chặt quản lý sinh viên quốc tế
Đứng trước nhiều khó khăn về tài chính và áp lực học tập, nhiều du học sinh theo học tại các trường đại học Nhật Bản đột nhiên “biến mất” khỏi trường. Không ít sinh viên lựa chọn cách ở lại bất hợp pháp để trở thành lao động giá rẻ.
03:00 08/06/2019
Hàng loạt sinh viên nước ngoài tại Nhật Bản không lên lớp và cắt đứt liên lạc với nhà trường
Thắt chặt kiểm soát
Các trường đại học Nhật Bản đang phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ chính phủ nước này về cách thức tuyển sinh và theo dõi sinh viên nước ngoài, trước bối cảnh ngày càng nhiều du học sinh tới đây “biến mất”.
Năm 2017, Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, hàng chục sinh viên nước ngoài đã đăng ký vào các trường đại học được phát hiện vẫn ở lại Nhật Bản bất hợp pháp sau khi visa của họ hết hạn. Đáng chú ý, chính sách sinh viên nước ngoài của đất nước đã bị ảnh hưởng do vụ bê bối gây rúng động vào tháng 3/2019, liên quan tới việc hơn 700 sinh viên nước ngoài tại Đại học Phúc lợi Xã hội Tokyo không đến lớp và không liên lạc với nhà trường trong suốt gần một năm, dù đã ghi danh vào các lớp học.
Theo Thời báo Nhật Bản, các sinh viên mất tích hầu hết đều đến từ Việt Nam, Nepal và Trung Quốc. Chính phủ sau đó đã cam kết sẽ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn cho sinh viên trong tương lai; đồng thời tuyên bố sẽ rút ngắn thời hạn visa của sinh viên và yêu cầu các trường đại học phải chịu trách nhiệm khi sinh viên “mất tích”.
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn và giảm thời gian thị thực sinh viên quốc tế, từ 4 năm 3 tháng xuống còn một năm, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc theo dõi họ. Trong một tuyên bố mới đây, chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở giáo dục để mất liên lạc với sinh viên người nước ngoài. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cho biết sẽ thanh tra những trường đại học có nhiều du học sinh bỏ học và sẽ đưa ra giải pháp nhằm cải thiện vấn đề. Theo đó, những cơ sở giáo dục không tuân thủ sẽ được cho là không có sự quản lý sát sao tới sinh viên và phải chịu sự điều tra từ phía Bộ Tư pháp.
Cũng theo Bộ Giáo dục, tên của những trường dạy nghề có hơn 80% sinh viên nước ngoài sẽ được công khai. Các trường này sẽ phải báo cáo về khả năng thành thạo tiếng Nhật của sinh viên, nội dung học và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp cho thấy, cho đến năm 2018 đã có tới 298.900 visa cấp cho sinh viên. Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), có gần 40% sinh viên nước ngoài đang theo học chương trình đại học và sau đại học tại nước này. Trong đó, có hơn 90.000 sinh viên đang theo học tại các trường dạy tiếng Nhật, số còn lại học tại các trường cao đẳng đào tạo chuyên ngành 2 năm như quản lý khách sạn, nông nghiệp hoặc chăm sóc sức khỏe.
Ông Yoshimitsu Sawa, Giáo sư tại Đại học Saga, đã lên tiếng chỉ trích chính sách đối với sinh viên nước ngoài của chính phủ, khi Nhật Bản tuyên bố cố gắng đạt được mục tiêu thu hút 300.000 du học sinh tới đất nước vào năm 2020. “Mục tiêu đó đơn giản là sẽ không xảy ra”, Giáo sư cho biết. Cũng theo ông Sawa, thay vì tạo ra những sinh viên xuất sắc, số lượng du học sinh có được thị thực và trở thành lao động giá rẻ ngày càng trở nên nhiều hơn; đồng thời khẳng định sự yếu kém trong phương thức quản lý của các trường đại học.
Trước lời kêu gọi từ phía chính phủ, không ít trường đại học Nhật Bản đã bắt tay vào hành động, đặc biệt là Trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU), nơi số sinh viên đến từ nước ngoài chiếm khoảng 1/2 - tỷ lệ cao thứ hai chỉ sau Đại học Waseda. Ông Kenji Ito, Trợ lý của Chủ tịch trường, tuyên bố sẽ tiến hành đánh giá các sinh viên “dựa trên tiêu chuẩn quốc tế”.
Đây là sự khác biệt lớn khi trước đây, các du học sinh chỉ được phép nộp đơn vào trường sau khi đã theo học tại các trường dạy tiếng Nhật. “Việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên là điều mà các trường đại học Nhật Bản cần thực hiện nếu muốn sinh viên học tập chăm chỉ và lấy được bằng tốt nghiệp”, ông Ito khẳng định. Vị trợ lý cho rằng, sinh viên quốc tế phải có khả năng chi trả ít nhất 1/3 tiền học phí cũng như nhiều chi phí khác, nếu không sẽ không được trường chấp nhận. Theo ông Ito, văn phòng trường sẽ tìm cách liên lạc với sinh viên nếu họ bỏ học.
Khó khăn của du học sinh
Du học sinh đến từ các nước châu Á chiếm số lượng áp đảo 93% trên tổng số sinh viên nước ngoài theo học tại Nhật Bản - đất nước luôn cung cấp công ăn việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Trong đó, Việt Nam và Nepal là những đất nước có số lượng sinh viên tới du học tại Nhật Bản tăng đột biến những năm gần đây. Đây đều là các quốc gia có thu nhập thấp hơn so với đất nước Mặt trời mọc. Theo thống kê của JASSO, lượng sinh viên từ các nước này tới Nhật Bản tăng đều đặn 40% mỗi năm.
Phó Giáo sư Yuriko Sato, chuyên gia về chính sách sinh viên quốc tế tại Học viện Công nghệ về Môi trường và Xã hội Tokyo cho biết: “Các đối tác làm việc với những trường ngôn ngữ Nhật Bản đã có những biện pháp thúc đẩy khiến đất nước này trở thành điểm đến lý tưởng dành cho sinh viên từ những đất nước có thu nhập thấp”.
Tuy nhiên, nghiên cứu của bà Sato cho thấy, những sinh viên không mang quốc tịch Trung Quốc sẽ rất khó để được theo học tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản. Nguyên nhân chủ yếu là do các du học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc học các ký tự gốc tiếng Trung được sử dụng trong tiếng Nhật và hầu như không thể thực hiện được các yêu cầu học tập cũng như công việc ở trường. Trong khi đó, một số du học sinh xuất sắc học tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản vẫn gặp áp lực nặng nề cả về tài chính và kỹ năng ngôn ngữ mà các nhà tuyển dụng đòi hỏi.
Anh Dulshan, 21 tuổi, đến từ Sri Lanka, cho biết đã đến đất nước Mặt trời mọc được một năm để học tiếng sau khi được cha mẹ thuyết phục. Theo quy định của Nhật Bản, trong thời gian đó anh phải thành thạo ngôn ngữ và sau đó làm bài kiểm tra tiếng Nhật trình độ N1. Nếu đạt yêu cầu, Dulshan sẽ có thể theo học tại một trường đại học Nhật Bản và được kéo dài thời hạn visa. Giống với nhiều du học sinh khác, Dulshan được phép làm thêm 28 giờ/tuần.
Anh làm việc theo ca 3 lần/tuần tại nghĩa địa và dọn dẹp máy bay tại sân bay quốc tế Haneda (Tokyo). Mặc dù được phép làm thêm nhiều để trang trải chi phí, các du học sinh sẽ phải chấp nhận việc có ít thời gian dành cho việc học. “Tôi làm việc vào Chủ nhật nên ngày đầu tuần đối với tôi sẽ rất mệt mỏi nhưng tôi cần tiền để chi trả các chi phí”, nam sinh viên 21 tuổi cho biết. Dulshan cũng khẳng định, anh muốn có một tương lai mới tại đất nước này.
Theo: giaoducthoidai.vn
Chuyên gia Nhật Bản lội sông Tô Lịch khảo sát sau 20 ngày thí điểm làm sạch
Ngày 6-6, Cố vấn Tổ chức Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản Tiến sĩ Takeba Akira đã tham gia nhóm chuyên gia trực tiếp khảo sát đoạn sông Tô Lịch được thí điểm làm sạch trước đó.