Nhìn cách trẻ em Nhật Bản sang đường, cha mẹ Việt Nam học được điều gì?
Sở dĩ nước Nhật được cả thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng với những ai đã từng sống hay nghiên cứu về Nhật Bản đều nhận ra rằng, sự khâm phục đó phải xuất phát từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người.
00:53 27/09/2017
Trẻ em Nhật cúi chào cảm ơn người đã nhường đường
Tuy không thần tượng hoá đất nước mặt trời mọc, nhưng cách dạy con của phụ huynh Nhật Bản đáng cho ta học hỏi. Người Nhật nổi tiếng thế giới với những lễ nghi, quy tắc trong giao tiếp, ứng xử và những phẩm chất đẹp trong giao tiếp. Những lễ nghi quy tắc này không phải có trong ngày một, ngày hai, mà là kết quả của cả một quá trình rèn giũa, lưu truyền.
Một clip quay cảnh trẻ em Nhật qua đường khiến người lớn cũng phải nghiêng mình kính phục ý thức của con người đất nước mặt trời mọc. Trong clip ngắn, một nhóm học sinh tiểu học ở Nhật đứng đợi ở vạch kẻ đường cho người đi bộ, khi các xe dừng đèn đỏ, các em nhỏ mới cùng nhau bước sang đường.
Điều đáng ngạc nhiên là khi sang đến đường bên kia, các em nhỏ đều đồng loạt cúi đầu cảm ơn những người lái xe đã nhường đường cho mình mặc dù đây là việc đương nhiên của những người lái xe.
Tuy nhiên, đó lại không phải là hành động khó gặp mà đó là hành động mà bạn có thể bắt gặp thường xuyên, ở bất kỳ nơi đâu, tại trường học, khi đi chơi… ở Nhật Bản.
Bài học đầu tiên: “Cảm ơn” – “Xin lỗi”
Ở Nhật, trẻ em được dạy cách cảm ơn sau khi nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào dù lớn hay nhỏ và cũng tại nơi đây, trẻ em Nhật cũng được dạy cách làm thế nào để có thể đứng dậy sau mọi thất bại. Tại Nhật Bản, ngay từ khi trẻ bắt đầu bước chân vào mẫu giáo đã được dạy bài học về quy tắc ứng xử căn bản.
Nếu bạn đã từng xem qua các bộ phim, các chương trình của Nhật hoặc tiếp xúc trực tiếp với người Nhật thì điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy rằng họ đặc biệt chú trọng các câu chào hỏi, xin lỗi và cám ơn. Chính vì thế mà điều này đã được đưa vào giảng dạy cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ.
Khi trẻ đến trường, việc đầu tiên trẻ phải làm đó là xếp hàng vào lớp và sau đó là trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu việc học. Trong quá trình học và chơi, trẻ cũng được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp.
Đến giờ ăn, trẻ sẽ cùng nói ‘Itadakimasu’ (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn) trước khi bắt đầu bữa ăn và nói ‘Gochisosamadeshita’ (Cám ơn vì bữa ăn) khi đã ăn xong. Với người Nhật, hành động này sẽ dạy cho trẻ biết được cách trân trọng đồ ăn của mình, cách cảm ơn những người đã tạo ra bữa ăn cho chúng và cảm ơn vì mình đã được ngồi đây, ăn bữa ăn ngon miệng này.
Bài học nhân cách phải được ưu tiên hàng đầu
Môn học bắt buộc và được chú trọng nhất ở Nhật Bản không phải là Toán, Văn hay Tiếng Anh mà đó chính là môn Đạo đức. Nhưng có một điều kỳ lạ là môn học này thì không có một giáo trình chung nào cả và thầy cô hoàn toàn có thể thiên biến vạn hóa nó để làm sao cho bài giảng phù hợp nhất với các em học sinh.
Theo phương châm của nền giáo dục Nhật Bản thì ‘Giáo dục là cần phải nhắm tới thực hiện xã hội ở đó từng công dân có thể mài giũa nhân cách bản thân và mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức’.
Việc rèn luyện đạo đức cho trẻ tại Nhật Bản sẽ diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở. Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…
Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt trường công lập hay dân lập, trường nghèo hay trường giàu (từ cấp I đến cấp III) đều bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường. Việc làm này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị lao động, kỹ năng lao động, tinh thần hợp tác, đoàn kết trong lao động, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật …
Từ khi là học sinh tiểu học, trẻ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng hàng ngày, quanh năm, ngay cả ngày hè nhằm gắn chặt với môn khoa học, làm quen với thiên nhiên, sinh vật quanh môi trường sống, dần dần hình thành lòng yêu sinh vật, yêu thiên nhiên, yêu quý cuộc sống.
Ví dụ, để giúp trẻ hiểu rằng không nên lãng phí đồ ăn và quý trọng công sức của các bác nông dân, cô giáo không giảng “một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi, nên các em không được lãng phí…”. Các bé được trực tiếp trồng lúa hoặc các loại rau củ trong vườn cây hoặc bồn hoa của trường. Các bé sẽ tự gieo hạt, chăm sóc, cho tới thu hoạch, tất nhiên là vẫn dưới có giáo viên hướng dẫn nhưng chủ yếu là các bé tự làm.
Chương trình giáo dục đạo đức của Nhật xác định đúng mục đích là rèn luyện cho học sinh chứ không phải để lấy điểm lên lớp. Người Nhật cũng không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho con trẻ, để trẻ có được căn bản vững chắc mà phát triển còn hơn dạy cho chúng những điều to lớn viển vông.
Ninh Linh
Theo Trí Thức Trẻ
Những trò chơi làm trẻ em Nhật thích thú
Trẻ em Nhật Bản từ khi còn rất nhỏ được gia đình và cộng đồng chú trọng phát triển nhân cách, rèn luyện đạo đức, trở thành con người có ích cho xã hội.