Những người Nhật Bản gieo tình hữu nghị ở Việt Nam

Người Nhật có một câu châm ngôn sống rất sâu sắc, đại ý như sau: “Nhanh nghĩa là đi chậm mà không bị ngắt quãng”.

22:08 02/09/2017

Đây là một triết lý rất đáng để học hỏi và có lẽ nó là khởi nguồn thúc đẩy việc ông Ichimura Yasuo và bà Komatsu Miyuki sinh sống, làm việc tại Việt Nam vì những mục đích cao cả, trong suốt khoảng thời gian hàng chục năm.

Ngày 29-8 vừa qua, hai gương mặt tiêu biểu này đã vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tại nhà riêng của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho những đóng góp tích cực trong việc giảng dạy tiếng Nhật cho người Việt, cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.

Người thầy không cần được nhớ tên

Cho đến khi cầm trên tay tấm bằng khen quý giá của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Ichimura vẫn cho rằng mình chưa thực sự xứng đáng: “Tôi rất vinh dự được đón nhận bằng khen của Ngoại trưởng Nhật Bản lần này, mặc dù cá nhân tôi cho rằng mình không có thành tích xứng đáng để được khen thưởng. Tôi đến Hà Nội, thành lập và vận hành trung tâm tiếng Nhật miễn phí trong 10 năm qua, chỉ có vậy mà thôi”.

Người đàn ông Nhật Bản ấy, dù tuổi đã cao nhưng trong buổi lễ trao bằng đã trang trọng “cúi người” rất nhiều lần để bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã quan tâm và tiến cử ông.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cùng phu nhân trao bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho ông Ichimura Yasuo và bà Komatsu Miyuki.

Động lực để “người già bình dị không có điểm gì nổi bật” (cách ông Ichimura tự miêu tả về bản thân) đến Hà Nội là do tình cờ xem được một chương trình của Đài Truyền hình NHK Nhật Bản năm 2002.

Chương trình đó đưa tin về việc mặc dù có trình độ kỹ thuật cao nhưng bởi không thông thạo tiếng Nhật, nên các kỹ sư công nghệ thông tin người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản chỉ nhận được mức lương bằng 70% mức lương của kỹ sư công nghệ thông tin người Trung Quốc và Hàn Quốc. Vấn đề ấy cứ quẩn quanh trong đầu ông Ichimura rất lâu, khiến ông đích thân đi tìm câu trả lời từ một kỹ sư Việt Nam mà ông quen biết.

Thời điểm đó, ông Ichimura đã về hưu sau nhiều năm làm việc cho Hợp tác xã nông nghiệp toàn quốc Nhật Bản. Tuy nhiên, ông luôn nghĩ rằng, thế giới xoay chuyển và biến đổi từng giờ, vì thế ông cho rằng mình nên vừa tìm hiểu những điều mới mẻ, vừa tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa. Người có khát vọng thì sẽ nghĩ được cách tạo cho mình một chiếc thang, và tháng 9-2008, ông Ichimura đã chính thức khai giảng lớp dạy tiếng Nhật miễn phí đầu tiên tại Việt Nam.

Theo ông Ichimura, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam rất đề cao chứng chỉ năng lực tiếng Nhật và quyết định tuyển dụng cũng như mức lương sẽ được căn cứ vào cấp độ chứng chỉ này.

Do đó, người thầy ấy đã tập trung luyện cho các học sinh của mình kỹ năng tiếng Nhật tại trung tâm của ông từ thứ hai đến chủ nhật với tâm niệm nhân văn rằng: “Chỉ cần các em thi đỗ, có quên tên tôi cũng không sao, nhưng các em phải thi đỗ”.

Ông Ichimura hy vọng rằng, với tâm huyết và năng lực của mình, học sinh của ông sẽ được trang bị thêm một công cụ để phát triển sự nghiệp tại các công ty Việt Nam và Nhật Bản. Đến nay, rất nhiều học sinh bước ra từ “lò luyện thi 0 đồng” của thầy Ichimura được mời làm việc tại các Tập đoàn Nhật Bản lớn như Tập đoàn Mitsubishi, Mitsui hay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

“Chị Hà Nội” và cuộc gặp định mệnh

Giống như ông Ichimura Yasuo, bà Komatsu Miyuki cũng bắt đầu hành trình tại Việt Nam bằng việc giảng dạy tiếng Nhật cho người Việt. Ngày 31-8 năm nay đánh dấu 25 năm chặng đường bà sinh sống và làm việc tại Việt Nam, trong đó giảng dạy tiếng Nhật 16 năm và có thâm niên công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam 9 năm.

Bà Komatsu chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam khi ở độ tuổi 40 và được những người bạn Việt Nam quý mến gọi bằng “Chị Hà Nội”. Vậy mà chỉ hai tuần nữa thôi là tôi tròn 70 tuổi, không còn được gọi là chị nữa mà sẽ trở thành “Bà Hà Nội”.

Qua chia sẻ này, người “Chị Hà Nội” ấy đã thổi một luồng không khí trẻ trung tới những người tham dự buổi lễ, thể hiện sự hóm hỉnh và lan tỏa một năng lượng vô cùng tích cực.

Theo Đại sứ Umeda Kunio, một trong những lĩnh vực làm nên sự nghiệp của bà Komatsu chính là tìm hiểu về lịch sử gia đình cựu binh lính Nhật Bản ở Việt Nam, những câu chuyện mà nhiều người Nhật có thể chưa bao giờ được biết đến. Nhờ việc năng đi lại trao đổi giao tiếp với các gia đình cựu binh Nhật và thông qua hoạt động viết sách, bà Komatsu đã “soi sáng” các câu chuyện cảm động này.

Nhớ lại thời điểm 25 năm về trước, khi đó trong lớp dạy tiếng Nhật của bà có một học viên là con trai của cựu binh Nhật Bản. Bà đã hỏi người học viên ở độ tuổi trung niên đó là tại sao lại học tiếng Nhật và nhận được câu trả lời rằng: “Vì khi gặp cha mà không nói được tiếng Nhật thì không biết phải làm sao”.

Ảnh minh hoạ 

Sự tồn tại và câu nói ấy của người con trai của cựu binh Nhật đã thôi thúc bà làm một điều gì đó thật ý nghĩa, để sự yêu thương không chỉ gói gọn trong trái tim mà sẽ được cất lên thành lời. Vậy là, cùng với sự giúp đỡ của Đại sứ Umeda Kunio, bà Komatsu đã đóng vai trò tích cực trong việc bố trí cho các thành viên gia đình cựu binh Nhật gặp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, nhân chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu hồi cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm nay.

Cuộc gặp gỡ ấy như lại càng thêm xúc động khi Hoàng hậu Nhật Bản chia sẻ tình cảm và ôm lấy bà Nguyễn Thị Xuân, vợ của một người lính Nhật đã 93 tuổi. Ngoài ra, bà Komatsu cũng tiết lộ, ước mơ của các gia đình cựu binh lính Nhật là được một lần tới thăm Nhật Bản – quê hương của người chồng, người cha của họ.

“Đất luôn cứng lại sau mưa”, vì thế, Đại sứ quán Nhật Bản đang phối hợp cùng bà Komatsu thu xếp một chuyến đi thăm thật ý nghĩa và đầm ấm, nhằm hiện thực hóa ước mơ của các gia đình cựu binh.

Theo Huyền Chi – Linh Bùi/Công An Nhân Dân

Tags:
Tâm sự từ người Nhật: Chúng tôi không ghét người nước ngoài !

Tâm sự từ người Nhật: Chúng tôi không ghét người nước ngoài !

Rất nhiều người nước ngoài đến du lịch hoặc sinh sống tại Nhật đều từng một lần có suy nghĩ:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất