Nơi “yên nghỉ” của những người Việt qua đời tại Nhật Bản
Từng hàng bài vị bằng gỗ có khắc tên từng người được đặt trên bàn thờ tại một ngôi chùa Phật giáo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đây là nơi lặng lẽ thờ tự những người Việt Nam qua đời sau khi tới Nhật Bản lao động hoặc học tập.
08:00 01/04/2019
Sư cô Thích Tâm Trí bên bàn thờ đặt bài vị của người Việt Nam qua đời tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
“Bất kể khi nào có ai đó liên hệ với tôi và thông báo rằng có người chết, tôi chỉ có thể nói được hai từ: “Tại sao?” và “Lại nữa à?”, sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, nói với hãng tin Reuters.
“Những người trẻ này, họ đã sống trong cảnh nghèo khó ở nhiều vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Cha mẹ của họ cũng gặp nhiều khó khăn. Họ muốn làm việc chăm chỉ tại Nhật Bản. Họ có những giấc mơ. Và rồi họ đột ngột qua đời”, sư cô Thích Tâm Trí nói sau khi dâng hương và cầu khấn tại chùa Nisshinkutsu ở Minato.
Lao động Việt Nam thường bị lôi cuốn bởi mức lương cao tại Nhật Bản, tuy nhiên họ cũng phải gánh khoản nợ do mất chi phí lớn cho các nhà tuyển dụng. Người Việt nằm trong nhóm lao động nước ngoài có số lượng gia tăng đông nhất tại Nhật Bản.
Kể từ ngày 1/4, Nhật Bản sẽ thực thi hệ thống luật mới, cho phép nhiều lao động nước ngoài hơn tới nước này làm việc để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động lịch sử.
Trong số 140 người Việt Nam có tên khắc trên bài vị, nhiều người tới Nhật Bản thông qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật. Những người còn lại là sinh viên và lao động bán thời gian.
Bên cạnh bài vị của người lớn là hàng bài vị nhỏ hơn dành cho những thai nhi chưa ra đời, trong đó có nhiều trường hợp bị phá bỏ.
Sư cô Thích Tâm Trí cầm trên tay di ảnh của những người Việt Nam qua đời tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh chương trình tiếp nhận lao động mới của Nhật Bản, trong đó đề cập tới những vấn đề như làm việc quá giờ, lương thấp và bị quấy rối.
Sư cô Thích Tâm Trí cho biết nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản qua đời vì các bệnh liên quan tới áp lực căng thẳng, một số người khác thiệt mạng trong các vụ tai nạn, trong khi một số trường hợp tự tử.
“Gia đình ở quê nhà đặt nhiều hy vọng vào họ. Người thân của họ rất tự hào, luôn khoe với hàng xóm trong làng về con trai và con gái ở Nhật Bản. Họ đặt nhiều niềm tin. Nhưng thay vào đó, những gì họ nhận được là hài cốt của con mình, bài vị và một vài bức ảnh”, sư cô Thích Tâm Trí nói.
Nguyen Thi Trang là thực tập sinh làm việc cho một hợp tác xã nông nghiệp ở phía bắc Nhật Bản khi cô qua đời vì bệnh viêm màng não. Cô có chồng và hai con nhỏ tại Việt Nam.
“Tôi đã đồng ý cho cô ấy đi vì thu nhập (tại Nhật Bản) cao hơn một chút so với Việt Nam. Nếu tôi biết rằng quyết định của mình sẽ dẫn đến việc này, tôi sẽ không bao giờ dám để cho cô ấy đi làm như vậy”, Vu Ngoc Thuy, chồng của Trang, cho biết.
Thuy nói rằng vợ anh không nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời. Tuy nhiên, theo Toshimi Matsubayashi, chủ hợp tác xã nông nghiệp nơi Trang làm việc, Trang đã được đưa tới bệnh viện ngay sau khi cô ngã bệnh và tổ chức này đã thanh toán các chi phí về y tế cho cô. Toshimi cho biết mọi thực tập sinh của hợp tác xã đều được đối xử tốt.
Chương trình tiếp nhận lao động mới tại Nhật Bản sẽ cho phép khoảng 345.000 người lao động vào nước này trong 5 năm. Họ sẽ làm việc trong 14 lĩnh vực đang bị thiếu hụt lao động tại Nhật Bản.
“Có những thực tập sinh làm việc chăm chỉ trong 3 năm, sau đó quay trở về Việt Nam, xây lại những ngôi nhà tồi tàn của họ thành những ngôi nhà kiên cố. Đó là những tin tốt lành”, sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ.
“Thế giới ngày càng kết nối và điều quan trọng trong quan hệ giữa người với người là vượt qua tôn giáo, vượt qua văn hóa và nhấn mạnh vào tình yêu”, sư cô Thích Tâm Trí nói.
Theo: nguoivietonhat.com
Dịch vụ độc nhất vô nhị trên thế giới tại Nhật Bản: Chỉ một lời xin lỗi kiếm về hơn 5 triệu đồng
Nếu cảm thấy không thể trực tiếp gửi lời xin lỗi, dịch vụ xin lỗi thuê của Nhật Bản sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.