Nữ sinh Đại Học Yale, Hilary Nguyễn: Nghị lực kiên trì với ước mơ ‘bác sĩ giải phẫu não’
Hilary Nguyễn, sinh viên năm thứ tư ngành thần kinh học (neuroscience) tại Đại Học Yale, tiểu bang Connecticut, với ý định trở thành bác sĩ giải phẫu não trong tương lai, tất cả nhờ một nghị lực kiên trì.
10:07 01/01/2023
Thông minh, hiếu học từ nhỏ, Hilary Nguyễn thi đâu đậu đó nên việc cô được học bổng toàn phần bốn năm trị giá khoảng $330,000 của Bill Gate chưa phải là điều đáng nói nhất đối với ông Nam Nguyễn, thân phụ cô.
Ông Nam Nguyễn nói: “Điều Hilary làm tôi hãnh diện nhất là năm cháu đang học lớp 9, gia đình tôi đổ vỡ, gây ra nhiều ảnh hưởng rất tệ hại về mặt tinh thần cho cháu. Nhưng Hilary vẫn luôn vững vàng.”
Theo ông Nam, nếu không đủ nghị lực để vượt qua sự tan vỡ gia đình này thì Hilary đã không đạt được tất cả những thành quả sau đó, như đậu thủ khoa trường Sarah McGarvin Intermediate rồi thủ khoa Trung Học La Quinta High School (cả hai trường đều thuộc Học Khu Garden Grove) rồi được học bổng toàn phần của tỷ phú Bill Gate khi vào Đại Học Yale và chọn ngành học khó nhất.
Nhờ tinh thần không suy sụp, Hilary mới bảo đảm được tương lai cho mình.
“Năm đó, có hơn 36,000 ngàn người nộp đơn xin học bổng của Bill Gate mà chỉ có 300 người được chọn,” ông Nam hãnh diện nói. “Nhưng sức mạnh tinh thần của Hilary là điều làm tôi vui mừng và hãnh diện nhất.”
Với nghị lực vững chắc và phi thường, Hilary đã và đang thực hiện được ước mơ.
Cô nói: “Em ước mơ được học ngành này từ hồi học lớp 5 đến giờ. Đầu óc con người là một bộ phận hết sức vi diệu và đầy thú vị. Ngành này rất khó nhưng em chọn vì thích và tin rằng mình có khả năng.”
Lớp 5, cô phải tìm hiểu về thần kinh học để chuẩn bị cho một bài thuyết trình trong lớp. Những thông tin cô thu thập được năm ấy đã ảnh hưởng đến con người và tương lai cô cũng như những bệnh nhân của cô sau này.
Cô thích thần kinh học đến nỗi lúc nộp đơn xin vào đại học, cô không mất thời gian đắn do suy nghĩ mà chỉ cẩn thận theo dõi nội dung các lớp học trong ngành rồi hỏi ý kiến của những người đang học những lớp ấy.
“Em dựa vào ‘class review’ và lời giới thiệu của các anh chị khóa trên để chọn lớp. Chủ yếu, tìm hiểu các lớp học để quyết định rằng mình có muốn học những lớp này hay không,” cô nói.
Hilary cho biết nhiều lớp trong khóa dự bị y khoa (pre-med) trùng lặp với các lớp chuyên khoa ngành thần kinh học và sinh học.
Vì vậy, tình cờ, thần kinh học rất thuận tiện cho cô.
“Thần kinh là một lĩnh vực rất rộng và phát triển nhanh chóng mà sinh viên ngày càng quan tâm. Nó kết nối với nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tâm thần học, tâm lý học, sinh học, vật lý và y học,” Hilary trình bày.
“ Yale nới thành lập chuyên khoa này cách đây vài năm và đã thu hút được rất đông sinh viên.”
Vì yêu thích ngành mình học, Hilary không thấy khó khăn gì cả.
Cô nói: “Nhìn chung, em thấy những lớp chuyên khoa thần kinh không có khuyết điểm nào; mặc dù thỉnh thoảng có lớp có thể quá căng thẳng hoặc đòi hỏi nhiều thời gian đối với những sinh viên không quen phải xử lý và ghi nhớ quá nhiều bài vở.”
Riêng với Hilary, càng học, cô càng hứng thú.
“Mới học đến năm thứ tư mà em đã say mê tất cả những gì về ngành này,” cô nói. “Chẳng hạn như tìm hiểu về não bộ của tuổi thiếu niên và vật lý liên quan đến việc truyền tín hiệu của óc.”
Cô hăng say nói: “Bộ não là một bộ phận phức tạp đáng kinh ngạc trong cơ thể con người, cho phép chúng ta có những suy nghĩ, ký ức, cảm xúc và chuyển động. Phải có não, chúng ta mới trở thành con người trọn vẹn. Nó cho phép chúng ta đổi mới và phát triển các công nghệ mà chúng ta thành tựu đến hôm nay.”
Cô Hilary trích một nhận xét của Bác Sĩ Marian Diamond, một nhà tiên phong ngành thần kinh học: “Bộ não là một khối lượng ba pound bạn có thể cầm trong tay nhưng nó có thể hình thành vũ trụ có chiều ngang hàng trăm tỷ năm ánh sáng.”
Đôi lời nhắn nhủ
“Với các sinh viên đang cố gắng chọn một chuyên ngành, hãy cởi mở với các lựa chọn của mình. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn quan tâm đến điều gì. Bạn thích khoa học, lịch sử hay viết lách…,” Hilary nói.
Cô thêm: “Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn làm với sự nghiệp của mình và liệu bạn có hài lòng với nghề nghiệp này suốt đời không?”
Tuy nhiên, cô nhắc nhở, hãy nhớ rằng không phải ai cũng cần phải theo một con đường nhất định để thành công.
“Bạn không cần chỉ làm những việc liên quan chặt chẽ đến chuyên ngành của bạn. Mặc dù lập kế hoạch trước và kiên định với một con đường là điều tốt, nhưng bạn cũng có thể đổi ý trong tương lai,” cô giải thích.
Cô khuyên: “Bạn nên tìm thêm nhiều lựa chọn, thử các lớp học khác nhau và rút kinh nghiệm từ những gì bạn thích và không thích.”
Gia đình trên hết
Điều quan trọng nhất đối với Hilary Nguyễn là gia đình.
Cô cho hay: “Gia đình động viên tôi khi tôi buồn bã, căng thẳng hoặc thất vọng với chính mình. Gia đình nhắc nhở tôi rằng những nỗ lực của tôi sẽ có kết quả, cách này hay cách khác. Gia đình nhắc tôi rằng nên chú trọng vào những gì tôi đã đạt được thay vì những thất bại.”
Còn thân phụ cô, ông Nam Nguyễn, tin tưởng rằng nếu không nhờ ở ý chí mạnh mẽ của Hilary hồi lớp 9 thì gia đình ông không có ngày hôm nay để cùng vui mừng trước tương lai rực rỡ của cô con gái đầu lòng. [kn]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]
Những dự đoán từ 100 năm trước về năm 2023
Charles P. Steinmetz, nhà khoa học người New York, năm 1923 từng dự đoán rằng vào năm 2023, con người chỉ làm việc 4 tiếng/ngày.