Nữ sinh Đắk Nông đỗ trường Đại học top đầu tại Mỹ: Mỗi năm học ở 1 nước

Ánh Tuyết có một tinh thần học tập đáng ngưỡng mộ vì em học miệt mài, học không ngừng nghỉ với tâm thế “không bỏ lỡ bất cứ kiến thức nào”.

08:25 14/10/2022

Ánh Tuyết tên đầy đủ là Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 20 tuổi, quê tại tỉnh Đắk Nông. Hiện em là sinh viên Đại học Minerva, nước Mỹ (Minerva University) – một ngôi trường khó trúng tuyển nhất thế giới tỷ lệ đỗ của sinh viên quốc tế hằng năm rất thấp. Năm mà Ánh Tuyết thi là dưới 1%. Minerva là trường đại học đổi mới nhất thế giới theo bảng xếp hạng World’s Universities with Real Impact (WURI).

Một điểm đặc biệt là trong quá trình du học, Ánh Tuyết sẽ được học tập 7 quốc gia trong vòng 4 năm. Những đất nước mà nữ sinh sẽ đi là: Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Đức, Argentina, Anh.

Về học thuật, Ánh Tuyết đạt Giải Nhất kỳ thi HSG cấp tỉnh (năm 2019); Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Truyền thống 23/3 (năm 2019); Giải Ba tại kỳ thi HSG cấp tỉnh (năm 2018); Huy chương Đồng tại kỳ thi Olympic Truyền thống 23/3 (năm 2018); Thủ khoa kỳ thi đầu vào tại trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (năm 2017).

Về kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khóa, Ánh Tuyết luôn năng động tích cực tham gia và giành được nhiều thành tựu như: Đồng tác giả bài nghiên cứu khoa học đăng trên Tạp chí Quốc tế thuộc SCOPUS Q1; Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm của iSMART Education; Trợ lý Nghiên cứu dự án CoronaNet; Nhà sáng lập, quản lý của Road to Fulbright University Vietnam; Trưởng ban sự kiện, cố vấn học thuật tại Tổ chức Giáo dục phi lợi nhuận TT Advisers và nhiều tổ chức khác.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Ánh Tuyết để biết được quá trình học tập đáng ngưỡng mộ của nữ sinh này nhé:

Hành trình “Săn” học bổng ngôi trường danh giá bậc nhất nước Mỹ

– Du học có phải ước mơ thuở nhỏ của em không? Em mất thời gian bao lâu để thực hiện?

Dạ không! Với một cô bé lớn lên ở vùng nông thôn của Đắk Nông và xung quanh chưa từng có ai du học ở Mỹ bằng học bổng thì đây là chuyện rất xa vời đối với em. Mãi đến hè năm lớp 11, em mới bắt đầu nghiên cứu về các gói học bổng. Gia đình hoàn toàn ủng hộ mọi quyết định của em. Tuy nhiên, khi thấy em thiếu ngủ và sụt 4kg khi làm các dự án “apply”, mẹ đã phản đối vì lo cho sức khỏe của em.

Thực tế trước khi đi du học, em đã học 2 tháng tại một trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế hàng đầu Việt Nam. Em muốn học về Venture Capital (Quỹ đầu tư mạo hiểm) và Impact Investment (Đầu tư tác động). Ngành học này nhằm đầu tư vào các công ty startup có tiềm năng tạo ảnh hưởng tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, môi trường ở Việt Nam còn ít cơ hội học về ngành này, vì vậy em quyết tâm đi du học.

Nguồn ảnh: Soha

– Quá trình “apply” học bổng của em chắc hẳn gặp nhiều khó khăn, em có thể chia sẻ đôi chút không?

Trước đây, em không hề biết tới các chương trình du học với học bổng. Em chỉ biết những người đi “du học” theo dạng xuất khẩu lao động. Thật sự, việc đi du học là 1 điều rất xa vời với không chỉ riêng em mà với rất nhiều học sinh trong tỉnh. Đến hè năm lớp 11, em có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, và tới tận lúc đó mới biết đến chương trình du học bằng học bổng.

Thời điểm đó, em đặc biệt quan tâm đến Đại học Minerva. Trường có chính sách tuyển sinh rất khác biệt: Không IELTS, không SAT, không điểm chuẩn hóa. Thay vì thế, tụi em cần làm 6 bài kiểm tra nhỏ: Toán, Viết, Đọc, Giao tiếp, IQ, Tư duy sáng tạo. Ngoài ra, em cũng cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để chứng minh cho trường thấy em là một học sinh năng động, tích cực, có kiến thức và có nhiều kỹ năng mềm.

Khó khăn lớn nhất của em là quản lý thời gian. Mãi đến hè năm lớp 11 em mới biết đến du học, vì vậy năm lớp 12 mới lật đật tham gia hàng loạt hoạt động ngoại khóa. Em làm 7-8 dự án cùng 1 lúc, trong khi vẫn học đội tuyển. Rất may mắn bên em có những người thầy, người bạn và anh chị khóa trước hỗ trợ trong việc chọn đề tài nghiên cứu khoa học. Để công việc thuận lợi hơn, em đã phải chuyển từ Đắk Nông xuống Sài Gòn sinh sống và học tập.

Trong quá trình “apply”, em không chỉ học tại Đại học Kinh tế TP.HCM. Em còn nhận được học bổng 1 trường bên Mỹ bằng hình thức học tập từ xa trong vòng 4 năm. Trường không yêu cầu nộp học phí, lúc thi chỉ cần đóng 20 USD/tín chỉ, quá rẻ cho việc lấy bao nhiêu lượng kiến thức. Là một đứa muốn học hết mọi thứ nên em đã không bỏ qua cơ hội ngàn vàng này. Tuy nhiên, vì ôm đồm nhiều thứ nên em thường rơi vào tình trạng bị “deadline dí” khiến sức khỏe suy giảm.

– Vậy hiện tại em đang theo học chuyên ngành gì tại Đại học Minerva

Cuối cùng, sau bao nỗ lực, em đã trúng tuyển vào Minerva. Chuyên ngành em theo học là Kinh doanh chuyên sâu vào Scalable Growth (Mở rộng doanh nghiệp) và Strategic Finance (Tài chính chiến lược). Em quyết định chọn “Tăng trưởng doanh nghiệp” vì ấp ủ dự định quay về Việt Nam mở rộng mô hình kinh doanh hiện tại.

Bên cạnh đó, em học “Tài chính chiến lược” để biết cách đánh giá tiềm năng các ý tưởng khởi nghiệp, định giá công ty và đưa ra chiến lược tài chính. Mục đích trong tương lai sẽ trở thành nhà đầu tư vào các doanh nghiệp, có khả năng đóng góp cho cộng đồng mà vẫn đạt doanh thu ổn định.

Ánh Tuyết bên những người bạn ngoại quốc. Nguồn ảnh: Soha
Ánh Tuyết bên những người bạn ngoại quốc. Nguồn ảnh: Soha

Nói “không” với việc chép bài, là thực tập sinh “xịn xò” tại Big 4 từ năm thứ nhất

– Khi ra nước ngoài học tập và sinh sống, em đã gặp những khó khăn gì?

Mặc dù xa bố mẹ từ lâu (em ở xa bố mẹ từ năm 8 tuổi) nhưng khi đi ra nước ngoài, em vẫn thấy nhớ gia đình da diết. Hơn 1 nửa kỳ học đầu, em không thể tập trung làm việc hiệu quả. Em đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà. Ngày em bay, gia đình cũng không tiễn em vì khi đó, cả Sài Gòn cách ly cộng đồng. Em biết rằng, nếu có chuyện buồn, em cũng không thể bay về ngay với bố mẹ được vì cách nhau nửa vòng trái đất. Tâm lý rằng sẽ rất lâu mới có thể trở về khiến em vô cùng sợ hãi.

Nguồn ảnh; Soha

– Việc thay đổi môi trường đột ngột đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý. Vậy sau khi đã ổn định, em đã có những phương pháp học nào cho riêng mình?

Em không chép bài giảng hay viết ghi chú bao giờ. Trong quãng thời gian học cấp 3, em chỉ có 1 quyển vở nhỏ cho tất cả các môn.

Có 3 lý do để em không ghi chép bài. Thứ nhất, khi chép bài, em có thể không tập trung vào lời giảng của giáo viên. Em muốn thật sự chú tâm nghe giảng, đồng thời suy nghĩ những câu hỏi để thảo luận giúp hiểu sâu vấn đề. Thứ hai, em cho rằng, chép bài có thể khiến em quên kiến thức sau buổi học.

Nhiều người thường chép bài đầy đủ để về nhà xem lại nhưng với em, em lại quá lười và không xem lại vở ghi chép bao giờ. Vì vậy, có chép bài thì kiến thức vẫn rơi rớt. Em muốn ép mình nhớ kiến thức luôn trong buổi học. Và điều cuối cùng là sau khi nhớ kiến thức trên lớp, em không cần xem lại vở nữa, dành thời gian để học những kiến thức khác.

– Ánh Tuyết có tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong quá trình du học không? Đâu là dự án mà em tâm huyết nhất?

Ngoài việc học, em còn là thực tập sinh truyền thông tại Đại học Minerva, và rồi thực tập tại phòng Merger and Acquisition tại Ernst & Young – 1 trong 4 công ty kiểm toán danh giá nhất thế giới.

Hiện tại em còn là nhà đồng sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận MiYork Organization (bao gồm MiYork Research, MiYork Network và MiYork Education). MiYork Research giúp học sinh cấp 3 nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Chủ đề nghiên cứu xoay quanh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Nữ sinh Việt Nam vinh dự được cựu Thủ tướng Vương quốc Anh trao giải thưởng. Nguồn ảnh: Soha

Mỗi năm học một nước, có trải nghiệm thú vị nhưng cũng có trải nghiệm “hết hồn”

– Chương trình du học mang đến cơ hội trải nghiệm học tập tại 7 quốc gia trong 4 năm thật thú vị. Vậy em đã đi tới những quốc gia nào và có gặp nhiều khó khăn không?

Năm vừa qua, em đã học ở Mỹ và Hàn Quốc. Năm tới em sẽ sang Đài Loan (Trung Quốc). Đi nhiều nước học tập nhưng em không gặp khó khăn về tài chính vì có học bổng. Em cũng không bỡ ngỡ khi bước vào 1 môi trường mới vì Đại học Minerva sẽ thuê nhân viên người bản địa ở các nước hỗ trợ.

Em chỉ đau đầu trước mỗi chuyến bay sang các quốc gia. Em thường trêu mọi người rằng mình thuộc “Hội những người dành cả thanh xuân để làm visa”. Trung bình, em sẽ di chuyển đến 1 nước khác sau mỗi 4 tháng mà việc làm visa cho mỗi nước mất gần 2 tháng. Vì thế, em cứ đến 1 đất nước, quen với nó tầm 2 tháng thì lại bắt đầu chuẩn bị hồ sơ visa sang nước khác. Thủ tục visa mỗi nước khác nhau khiến em cảm thấy mệt mỏi.

Nhưng những điều thú vị mang đến đã giúp em… tan biến muộn phiền. Bởi việc được đi nhiều giúp em có thể so sánh rõ ràng sự khác biệt giữa các quốc gia. Điều đặc biệt cho học kỳ ở Hàn Quốc của em năm nay là đúng thời gian bầu cử tổng thống. Em được chứng kiến việc người dân đi vận động hành lang cho các ứng viên đến việc trường em bao nguyên cả 1 dãy nhà Hanok vào buổi tối ngay trước ngày có kết quả bầu cử tổng thống để sinh viên được trải nghiệm ngày trọng đại của đất nước này.

Nguồn ảnh: Soha

– Đi nhiều quốc gia, trải nghiệm nhiều điều thú vị. Em có những kỷ niệm khó phai nào không?

Có một đêm, tụi em đã nghe thấy tiếng nổ rất lớn. Chúng em tưởng là tiếng pháo hoa, nhưng không, đó là tiếng súng xả ngay trước cửa kí túc xá. Trong khoảng thời gian đó, 4 trường đại học thuộc nhóm Ivy League (Columbia, Cornell, Brown, và Yale) cũng thông báo phải đóng cửa tạm thời vì bị dọa đánh bom.

Còn khi sang Hàn Quốc, mọi thứ yên bình hơn. Em thích nhất là được trải nghiệm những thứ thường thấy trong phim Hàn như: Mặc hanbok, đi chơi đảo Jeju, uống rượu Soju, đi con đường idol, đến những nơi mà quay các cảnh phim Hàn. Mọi thứ quá đỗi ngọt ngào!

– Đâu là câu nói truyền động lực mãnh liệt cho em?

Cứ cố gắng, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp, không theo cách này thì theo cách khác.

Cảm ơn em vì buổi trò chuyện!

Tags:
9 ɱẹo ɫroпg cuộc sốпg để quá ɫrìпɦ làɱ sạcɦ diễп rɑ пɦɑпɦ cɦóпg và ɦiệu quả

9 ɱẹo ɫroпg cuộc sốпg để quá ɫrìпɦ làɱ sạcɦ diễп rɑ пɦɑпɦ cɦóпg và ɦiệu quả

Với пɦữпg ɱẹo пɦỏ пày bạп có ɫɦể dễ dàпg loại bỏ được пɦữпg vếɫ bẩп cứпg đầu пɦư lớρ ɱỡ dày bị cɦáy ɫrêп cɦảo.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất