Ở Mỹ không cần đăng kiểm ôtô
Ở Mỹ, các gara và chủ ôtô độ xe, thay đổi cấu trúc xe sẽ bị phạt rất nặng. Thứ mà họ 'đăng kiểm' là mức độ phát khí thải.
16:21 01/01/2023
Chuyện các chủ xe ở Việt Nam kéo nhau đi các gara để tháo các phụ kiện đã được "độ", lắp lại các chi tiết "gốc" để đi đăng kiểm, đã chỉ ra rằng, ở hạng mục này đăng kiểm là một hoạt động rất không cần thiết.
Về nguyên tắc, chủ xe đem ôtô tới, đơn vị đăng kiểm sẽ tiến hành kiểm tra xem các chi tiết trên xe có đúng quy định hay không, kiểm tra khí thải và cấp giấy chứng nhận. Cho dù các đơn vị đăng kiểm có làm đúng quy trình đi chăng nữa thì các chủ xe có thể đối phó như trên, và mọi công sức đăng kiểm đều đổ sông đổ bể.
Ở Mỹ, bạn không cần đăng kiểm ôtô. Thay vào đó thì bạn chỉ cần đăng ký (registration). Khi mua xe về thì thủ tục sang tên xe sẽ được tiến hành bằng cách nộp đơn ở Cục Phương Tiện Giao Thông (Department of Motor Vehicle - DMV). Chủ xe hằng năm sẽ nhận được thư để đóng tiền đăng ký chiếc xe. Khi xe lên tới một độ tuổi nhất định, cứ hai năm phải kiểm tra mức độ phát thải (SMOG), cái này do doanh nghiệp được cấp phép làm, và rất nhiều tiệm sửa ôtô làm việc này.
Ngoài việc đem xe đi kiểm tra SMOG thì chả ai tới kiểm tra xe cộ của ai cả. Xe tải thùng hàng cao bao nhiêu dài bao nhiêu rộng thế nào đã có thiết kế sẵn, bày đặt cơi nới thì đi đường cái thùng hàng sẽ to hơn làn đường gây va quẹt hay bị dính vào cầu vì quá cao.
Thậm chí cái đầu xe tải đã được thiết kế với chiều cao nhất định, làm thùng hàng mà cao hơn xe tải là ai cũng biết là gian dối. Trong tất cả những trường hợp đó mà đi ra đường thì khả năng bị tóm là rất cao, thậm chí là còn bị người khác gọi điện mách cảnh sát tới sờ gáy.
Các tiểu bang của Mỹ đều có luật cấm thay đổi cấu trúc xe cộ (vehicle modifications). Ai cũng biết một số điều cơ bản này: không được độ gầm xe lên cao hay quá thấp, không được nhuộm kính xe màu tối, không được làm dàn loa xe quá to, không được thay đèn quá sáng, không dàn đèn trên nóc xe tải, đèn phía trước không thể có màu...
Việc kiểm soát hoàn toàn do cảnh sát thực hiện. Thật ra thì những thay đổi này đều có thể bị nhận ra bằng mắt thường, cảnh sát đi tuần cứ thế mà bắt những người vi phạm. Khi bị bắt thì sẽ có những hình phạt khác nhau, thường là phạt tiền, phải sửa xe lại để lấy phần bị "độ" đó đi.
Sau khi sửa xe xong, phải đem xe tới cho cảnh sát kiểm tra, họ thấy phần bị phạt đã được sửa lại thì sẽ ký giấy hoàn thành hình phạt. Còn vi phạm thêm nữa thì sẽ bị trừ điểm bằng lái, cái này thì rất mệt.
Việc "độ" xe thì phải do ai đó thực hiện. Các chủ xe tự mình độ xe thì bị phạt như trên, các cơ sở sửa xe mà bày đặt độ xe bất hợp pháp thì cảnh sát truy ra sẽ tới phạt, từ phạt tiền tới rút bằng. Vì vậy, tất cả những ai tham gia vào việc thay đổi cấu trúc xe đều phải suy nghĩ xem mình đang làm cái gì.
Vì vậy, ở Mỹ, các tổ chức ngoài nhà nước chỉ có một công việc duy nhất liên quan tới "đăng kiểm" là kiểm tra khí thải. Cái này thì nơi nào có dịch vụ này cũng phải có bằng và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của chính phủ.
Đăng kiểm vì vậy là không cần thiết, bởi vì cho dù các đơn vị có minh bạch và tuân thủ đúng luật trong đăng kiểm thì các chủ xe vẫn sẽ có cách qua mặt họ. Thay vào đó, luật giao thông nên tập trung vào việc bắt các sai phạm về cấu trúc xe và phạt từ chủ xe tới các gara độ xe.
Chính những người này mới là nguyên căn của vấn đề. Còn công tác đăng kiểm ở thời hiện tại chỉ đặt ra thêm một công việc không cần thiết, tạo điều kiện cho những người không phải là nhà nước có thêm một cửa quyền và một biện pháp để tham ô.
Nữ sinh Đại Học Yale, Hilary Nguyễn: Nghị lực kiên trì với ước mơ ‘bác sĩ giải phẫu não’
Hilary Nguyễn, sinh viên năm thứ tư ngành thần kinh học (neuroscience) tại Đại Học Yale, tiểu bang Connecticut, với ý định trở thành bác sĩ giải phẫu não trong tương lai, tất cả nhờ một nghị lực kiên trì.