Ông chủ tiệm bánh người Pháp: Nụ cười người Việt cùng tình yêu cho bánh mì
Phỏng vấn Stephane Haudebault, một nghệ nhân làm bánh người Pháp tại TP.HCM, ông đã nói về sản phẩm, khách hàng; Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với ông...
20:01 14/02/2023
Phóng viên: Ông sẽ làm bánh gì cho những ngày Tết sắp đến?
Stephane Haudebault: Chúng tôi đã chuẩn bị một số thứ, trong đó có bánh quy. Khá nhiều loại bánh quy. Tết mà! Và chúng tôi sẽ bỏ chúng vào những chiếc lọ nhỏ.
- Khách hàng của ông sẽ là ai?
Stephane Haudebault:: Rất nhiều người Việt và cả người Việt gốc Hoa. Khu phố của chúng tôi rất quốc tế. Ông có thể nhận ra trên đường đến đây là có nhiều biển hiệu được dịch sang tiếng Trung.
- Nhưng ông cũng nên có đơn đặt hàng từ các cửa hàng trong thành phố?
Stephane Haudebault: Tạm thời thì chúng tôi chỉ có một nhà hàng ở đây. Nhưng chúng tôi cũng bán sản phẩm cho các quán cà phê trong thành phố trấn như "Good Morning Coffee", "Song Coffee". Chúng tôi giao hàng mỗi ngày hoặc hai ngày một lần.
- Hãy quay trở lại với sản phẩm. Ngoài những sản phẩm phục vụ Tết, ông còn cho ra lò những sản phẩm mới nào khác không?
Stephane Haudebault: Tất nhiên. Đâu phải chỉ Tết mới có hàng! Chúng tôi đang ra sức phát triển sản phẩm mới, khoảng hai tháng một lần, cỡ đó. Ví dụ, chúng tôi có hai loại bánh mì sắp được tung ra: bánh mì ô liu và bánh mì với hạt các loại. Chúng tôi cũng sẽ sản xuất một loạt sản phẩm cần được bảo quản lạnh: bánh táo, bánh chanh, bánh pho mát, bánh sữa trứng. Như vậy, chúng tôi ra sức đổi mới một chút thôi. Nhưng mỗi lần, chúng tôi cố gắng ổn định việc thực hiện các công thức làm bánh trước. Và cũng để đảm bảo chúng được tiêu thụ một cách tốt đẹp. Vấn đề là không phải tung ra quá nhiều sản phẩm mới.
- Ông tìm những nguyên liệu cần thiết ở đâu vậy?
Stephane Haudebault: Có thể tìm thấy mọi thứ mong muốn trong thành phố, từ nhà chuyên môn, nhà sản xuất bột... Chúng tôi tìm thấy mọi thứ ở đây, và tất nhiên, trong đó có cả sản phẩm nhập khẩu.
- Ông có sản xuất bánh mì kiểu Việt Nam?
Stephane Haudebault: Chúng tôi không sản xuất nhiều nữa vì những nhà sản xuất Việt Nam làm tốt hơn chúng tôi. Chuyện bình thường mà! Và tại cửa hàng, chúng tôi có rất ít nhu cầu về loại bánh mì này, mà chủ yếu là bánh mì baguette của Pháp. Tuy nhiên, bánh mì của chúng tôi không được nướng chín quá vì dành cho khách hàng địa phương; họ thích ăn như vậy.
- Như vậy, chỉ bánh mì kiểu Pháp là chính ...
Stephane Haudebault: Đúng. Nhưng vì khách hàng địa phương thích bánh mì nướng không kỹ, vậy nên, ở đây có một loại bánh mì có thể coi là hơi trắng với 280 gam bột, trong khi ở Pháp là 250 gam. Từ ngày mai, chúng tôi sẽ tung ra loại bánh mì baguette truyền thống của Pháp với mức giá không tưởng: 15.000 đồng, rẻ gấp ba lần ở Pháp. Chúng tôi sẽ bán nó tại một gian hàng 9 mét vuông cách đây 200 mét. Để làm cho bánh mì baguette của Pháp được biết đến nhiều hơn.
- Khó khăn nào là số một mà người làm bánh phải đương đầu?
Stephane Haudebault: Làm bánh là một phương pháp. Làm bánh ngọt là một kỹ năng. Nhưng cái khó nhất là sự đều đặn, ổn định chất lượng sản phẩm. Không cần phải thành công trong một ngày; phải thành công mỗi ngày...
- Tại sao ông lại chuyển đến TP.HCM?
Stephane Haudebault: Vì cả lý do cá nhân lẫn nghề nghiệp. Nhưng trước hết là tình yêu của người Việt dành cho bánh mì. Thị trường ở đây rất lớn.
- Ông mở của hàng như thế nào?
Stephane Haudebault: Chúng tôi không gặp bất kỳ khó khăn đặc biệt nào khi làm ăn ở đây. Các cơ quan thực hiện dịch vụ công rất có năng lực, hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu của chúng tôi.
- Còn Việt Nam, nói chung, ý nghĩa ra sao đối với ông?
Stephane Haudebault: Có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân tôi. Tôi rất gắn bó với đất nước này, nơi tôi đã gặp những con người thân thiện và chăm chỉ, và tất cả đều có nụ cười, mà ở châu Âu người ta thường đã quên mất.
- Hãy cho biết một chút về lai lịch của ông, nếu có thể...
Stephane Haudebault: Tôi tốt nghiệp nghề làm bánh khá muộn, nhưng tôi luôn bị nghề làm bánh cuốn hút. Tôi nghĩ bánh mì là một loại ngôn ngữ phổ quát: bạn có thể ghét thịt nhưng chẳng thể không thích bánh mì!
- Hiện tại, ông mong chờ điều gì nhất?
Stephane Haudebault: Tìm khách hàng mới, đó là chuyện bình thường. Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu của công việc kinh doanh, phải khiêm tốn. Phải chứng tỏ khả năng của mình là tốt; và tốt thường xuyên và lâu nhất có thể. Một lần nữa, tính nhất quán thực sự là chìa khóa.
- Tên tiệm bánh ngọt của ông, sao lại như vậy?
Stephane Haudebault: Chúng tôi gồm tất cả năm nhà đầu tư, một người Việt Nam, bốn người Pháp. Chúng tôi cùng suy nghĩ với một công ty tiếp thị.Thế là ra tên: Ê Ô Resto. Kèm theo đó là một logo: con gà trống nhỏ với cờ Pháp. Thông qua đó, chúng tôi trưng ra hình ảnh tổng thể gợi nhớ đến chất lượng, tình bạn và cả sự chuyên nghiệp trong làm bánh.
Cùng Việt Hương ‘lên rừng, xuống biển’ khám phá trong Tôi yêu chợ Việt
Trong các tập từ 25 đến 28 của Tôi yêu chợ Việt, khán giả đã có dịp khám phá những nét đặc trưng trong tính cách và văn hóa bán buôn của tiểu thương tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa. Những ngôi chợ ở cao nguyên và miền biển mang đến nhiều nét khác biệt thú vị.