Ông Hoàng Nam Tiến khuyên du học sinh: "Đừng về nước ngay khi vừa tốt nghiệp, 5-10 năm sau hẵng mang theo kiến thức, quan hệ, tiền bạc về"
“Khi các bạn về ngay thì những kiến thức học được, ngoại ngữ, những mối kết nối mới có sẽ bị mất đi, không được sử dụng”, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến nhắn nhủ.
13:54 14/11/2022
Việc du học sinh Úc xếp hạng xuất sắc Lê Minh Thùy bị loại trước ứng viên Phạm Hồng Nhung – sinh viên loại giỏi ĐH Bách Khoa TPHCM mới ra trường – để lại nhiều tiếc nuối.
Lê Minh Thùy, 24 tuổi, có 7 năm sinh sống và làm việc ở Australia đang theo học ngành Kỹ sư cầu đường. Cô được giới thiệu là một trong những sinh viên xuất sắc ngành Kỹ sư cầu đường tại Đại học New South Wales, Australia. Thùy có gần 2 năm làm việc trong lĩnh vực tự động hóa, thiết kế và nâng cấp hệ thống cầu tại Australia và 3 năm giảng dạy các môn tĩnh học tại trường ĐH Adelaide, Australia.
Trong 5 sếp ngồi ghế nóng chương trình “Cơ hội cho ai?” tập 11, chỉ có 1 sếp duy nhất lựa chọn Thùy, là ông Nguyễn Thanh Quyền – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi Group.
Lý do ông Quyền chọn Thùy là để bày tỏ sự ủng hộ tinh thần những đồng bào Việt kiều về nước cống hiến. Bên cạnh đó, Thắng Lợi Group cũng đang nghiên cứu ở chi nhánh tại Sydney (Úc). Ông Quyền bày tỏ hy vọng sẽ gặp lại Thùy ở Sydney.
Một vị sếp khác, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom – không lên tiếng thử thách hai ứng viên trong vòng Đối mặt. Nhưng khi Thùy bị loại, ông đã khuyên nhủ: “Các bạn đi du học thì đừng nên về nước làm việc ngay”.
Lý do ông Tiến đưa ra là khi các du học sinh về nước ngay khi tốt nghiệp thì những kiến thức học được, ngoại ngữ, những mối kết nối mới có sẽ bị mất đi, không được sử dụng.
“Trong khi đó, 5 – 10 năm nữa khi em trở về đây, với hành trang là kiến thức, quan hệ, tiền bạc, thậm chí là gia đình nữa, thì sẽ tốt hơn cho em rất nhiều. Tin tôi chuyện đó đi!”, Chủ tịch FPT Telecom nói.
Lê Minh Thùy không phải trường hợp du học sinh duy nhất lên truyền hình tìm việc. Trước đó, Nguyễn Hoài Thu, lớn hơn Thùy 1 tuổi, đến từ Liên Bang Nga, tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU, Liên Bang Nga). Cô thông thạo nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, Nga, Anh, Pháp. Về chuyên môn, Hoài Thu có 3 năm kinh nghiệm trong việc kinh doanh Thương mại Điện tử, 2 năm làm xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nga. Đặc biệt cô là 1 trong 3 diễn giả tại Diễn đàn Thanh niên Quốc tế Á-ÂU 2021.
Ấn tượng với background của Hoài Thu với nhận định “những người học MGU ra đều không phải người thường”, ông Tiến cũng nói thẳng là với những gì du học sinh Nga thể hiện, bản thân ông không biết phải bố trí lương thế nào.
Hoài Thu nhận được 2 offer từ DH Foods với mức lương 18 triệu đồng, và FPT Telecom với mức lương 23.456.789 đồng. Sau khi thương lượng, Hoài Thu chọn về với FPT, vị trí Digital Marketing cùng với công việc tại ban văn hóa đoàn thể.
Thường xuyên dành lời khuyên cho các bạn trẻ, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng ngày nay Gen Z và tất cả các bạn cần phải có 4 phẩm chất:
1- Tư duy phản biện, độc lập
2- Khả năng tự học Life-long Learning - học tập suốt đời
3- Phong cách sống khác biệt
4- “Hãy nhớ, Tiếng Anh là ngôn ngữ để làm việc và ngôn ngữ để sống, không phải là ngoại ngữ nữa”, ông Tiến nói.
Bí ẩn Gia tộc Morgan: Đế chế kinh doanh “nắm nước Mỹ trong lòng bàn tay”, câu chuyện về cây đa cổ thụ của nền tài chính hiện đại
Nói đến ngành Tài chính – Ngân hàng thế giới, là phải nói đến Phố Wall, nước Mỹ. Và nhắc đến Phố Wall, thì không thể không nhắc đến J.P. Morgan và Morgan Stanley thuộc gia tộc Morgan.