Tâm sự của người Việt ở trời Tây: Ảo mộng ‘lương 30 triệu đồng mua được nhà thành phố‘
Lương 50 triệu đồng, tôi vẫn mất 20 năm mới mua được căn chung cư ở Praha, vậy kỳ vọng gì ở thành phố 15 triệu dân như Sài Gòn.
10:31 09/03/2023
Tôi hiện đang ở châu Âu, cụ thể là thủ đô Praha của CH Séc. Mức lương của tôi khoảng 45-50 triệu đồng một tháng - thuộc dạng trung bình ở đây. Trong khi đó, giá nhà ở thành phố này, nếu là chung cư, cũng ít nhất khoảng 6-7 tỷ đồng một căn. Cứ cho là hàng tháng trừ chi tiêu cá nhân, nếu không phải nuôi con nhỏ thì tôi cũng để dành được tầm 25-30 triệu đồng (bao gồm tiền ăn, sinh hoạt và tiền thuê nhà). Như vậy, cũng phải mất hơn 20 năm để mua được căn chung cư ở thành phố một triệu dân này.
Tại đây, lớp trẻ phần lớn như tôi, không thể mua được nhà, người có nhà chủ yếu là nhờ từ các thế hệ trước để lại, hoặc hỗ trợ từ bố mẹ gia đình. Xin nói thêm là giá nhà ở Praha cũng thuộc dạng rẻ so với một số nước châu Âu khác. Vậy nên, nói vậy để các bạn hiểu rằng chúng ta nên kỳ vọng gì ở thành phố 15 triệu dân như Sài Gòn. Với mức lương trung bình 10-30 triệu đồng một tháng, liệu có cơ hội nào để bạn mua được nhà sau vài năm?
Quy luật chung ở một thành phố đông dân, đầy đủ tiện ích là bạn muốn mua được nhà thì cần hội tụ nhiều yếu tố. Còn bạn ở tỉnh lẻ, hoặc thu nhập thấp thì phải chấp nhận ra xa trung tâm để mua. Bạn không thể chỉ thụ động ngồi chờ chính sách siết bất động sản của nhà nước để đòi hỏi mình phải mua được nhà. Vì ngay cả khi giá bất động sản có rẻ xuống thì cũng luôn có một nhóm người có tiền sẵn sàng thu gom lại, và cứ thể bất động sản sẽ lại tăng giá.
Có một điều tôi rất vô lý với các bạn chưa có nhà ở, đó là lúc thị trường đóng băng, giá giảm 30-50% thì các bạn không chớp lấy thời cơ để mua, đến khi giá lên đỉnh thì các bạn lại than thân trách phận, đổ lỗi này kia. Ở đất nước nào cũng thế thôi, người mua được đất, được nhà cũng luôn ít hơn những người không mua được. Bạn qua Tokyo, nơi giá nhà đất cao nhất thế giới, bạn sẽ thấy giá nhà ở đó cũng gấp hàng chục lần thu nhập của người dân, không riêng gì Việt Nam mới vậy.
Tôi đi nhiều nước ở châu Âu, thấy giá nhà ở các thủ đô cũng rất cao so với thu nhập của người dân ở đó. Phần lớn những người mua được nhà trong thành phố về cơ bản đã có nền tảng tài chính, cộng thêm kinh doanh đa ngành nghề, nguồn tài chính của họ đến từ mọi phía. Còn phần lớn người dân muốn ở thủ đô vẫn chỉ thuê nhà thôi, còn không phải ra ngoại ô, hàng ngày di chuyển cả trăm km để vào trung tâm.
Thực tế này phũ phàng như vậy, nhưng đó là quy luật thị trường. Bạn lực yếu, thu nhập thấp, bạn phải rời cuộc chơi của những người nhiều tiền. Còn bạn muốn có nhà ở, bạn hãy mua nhà vùng ven, xa thành phố, rồi cũng có lúc đất của bạn lên giá thôi.
Tôi tin rằng, đất ở đâu giảm chứ trong trung tâm thành phố khó lòng giảm khi nhu cầu thật về nhà ở rất cao. Chỉ những người áp lực trả lãi vay hoặc cần tiền gấp mới giảm giá bán tầm 10-15%, chứ khó có trường hợp giảm sâu được. Tôi cũng như bao người dân, mong nhà đất giảm để mua, nhưng thú thật, hiện tại thì chưa thấy gì rõ rệt.
Ngọc Lan nức nở nói về tuổi thơ thiếu ba, nay ly hôn nhưng không cấm chồng cũ gặp con
Ngọc Lan là một trong những mỹ nhân đa tài của làng giải trí Việt. Xinh đẹp và tài năng, cuộc đời nữ diễn viên lại trải qua nhiều biến cố.