Tết 'nhanh gọn' của người Nhật trong mắt nàng dâu Việt

Bỏ Tết âm, chỉ còn ăn Tết dương lịch, nhưng người Nhật còn giữ nguyên các nét truyền thống như mừng tuổi, đi chùa...

16:00 31/12/2018

Nguyễn Thị Mai sang Nhật năm 2016, khi tham gia chương trình trao đổi sinh viên. Gần đây cô kết hôn với một chàng trai Nhật Bản, hiện sống tại thành phố Suita, thuộc tỉnh Osaka. Cô dâu Việt đã có 2 cái Tết cùng gia đình chồng và trải nghiệm nhiều điểm thú vị của Tết Nhật.

"Điểm nổi bật là Tết ở đây khá đơn giản. Nghỉ Tết thường từ 29/12 đến 4/1. Nhưng các gia đình chủ yếu dành thời gian nghỉ ngơi, hoặc đi du lịch, chứ không bận rộn quá nhiều cho mua sắm hoặc trang hoàng nhà cửa, nấu nướng", Mai cho biết.

Gia đình chồng cô cũng giống nhiều gia đình hiện đại, đã đặt osechi ở siêu thị để tiết kiệm thời gian. Tương tự, món bánh mochi truyền thống để cúng các vị thần cũng được bày bán rất nhiều.

"Năm nay bố mẹ chồng tôi đặt vé đi du lịch Australia từ cuối tháng 12, hết dịp nghỉ Tết mới về. Dù có nhiều đồ ăn, đồ trang trí theo truyền thống nhưng tất cả đều có thể mua ở siêu thị, nên việc chuẩn bị Tết rất nhẹ nhàng", Mai chia sẻ.

Mâm cơm Tết năm trước của gia đình Mai. Ảnh: Nguyễn Thị Mai.

Mâm cơm Tết năm 2018 của gia đình Mai. Ảnh: Nguyễn Thị Mai.

Người Nhật đã ăn Tết theo lịch dương từ lâu, tuy nhiên người dân vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống. "Tết Nhật có khá nhiều nét gần gũi với Tết Nguyên đán Việt Nam", Mai chia sẻ thêm.

Chẳng hạn, mỗi gia đình thường tổng vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp vào một trong ba ngày cuối năm, nhận thiệp viết tay chúc Tết từ người quen, nhận tiền mừng tuổi.

"Bữa tối 31/12 gia đình tôi thường quây quần để ăn mì soba truyền thống. Ngày đầu năm cả nhà đi đền, chùa để cầu cho năm mới thuận lợi, sức khỏe, công việc", Mai cho biết. 

Ngày 1/1 gia đình sẽ thưởng thức osechi - bữa ăn mừng Tết đặt trong tráp sơn rất cầu kỳ, đẹp mắt. Các món ăn đều mang ý nghĩa cầu phúc điều tốt lành.

Nhóm du học sinh Việt Nam tại Nhật đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thị Thu.

Nhóm du học sinh Việt Nam tại Nhật đi lễ chùa đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thị Thu.

Theo Japantimes, trước thời kỳ Minh Trị, nước Nhật cũng đón Tết âm lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, vào năm 1873, 5 năm sau khi bắt đầu phong trào Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian (lịch dương) và ngày 1/1 theo lịch này chính thức trở thành ngày bắt đầu năm mới ở Nhật Bản.

Phạm Thị Bích Nguyệt đã kết hôn với chồng Nhật được 7 năm, hiện sống ở Tokyo. Cảm nhận của cô là Tết dương lịch ở đây khá đơn giản trong khâu chuẩn bị, mọi thứ đều có thể mua sẵn. 

"Gần đến Tết tôi sẽ ra siêu thị mua sắm một lượt. Các đồ trang trí nhà như vòng hoa treo trước cửa, hoa cắm trong nhà, bánh mochi, đồ ăn truyền thống... đều có thể mua sẵn", Nguyệt cho biết.

Bữa ăn osechi ngày đầu năm là một trong những phong tục Tết lâu đời ở Nhật. Ảnh: Chintai.net.

Bữa ăn osechi ngày đầu năm là một trong những phong tục Tết lâu đời ở Nhật. Ảnh: Chintai.net.

Ngày mùng 1, Nguyệt cùng chồng và con gái cũng đi chùa cầu may. Theo cô, Tết ở Nhật Bản các cặp vợ chồng dành thời gian cho gia đình riêng là chủ yếu. "Cha mẹ chồng tôi ở gần Tokyo, vì thế chúng tôi cho con về thăm ông bà nội một ngày, còn việc thăm họ hàng thì hầu như không có", Nguyệt cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, Hà Nội) đã có 11 năm sống tại tỉnh Tsubaki, Nhật. Chị còn nhớ cảm giác bất ngờ khi mới sang, thấy người Nhật chỉ đón Tết dương lịch, không khí Tết chỉ kéo dài 2 ngày rồi mọi sinh hoạt trở lại bình thường.

"Theo lịch nhà nước thì mọi người được nghỉ một tuần, nhưng tôi thấy chỉ có cơ quan, công sở nghỉ, còn các cửa hàng, trung tâm mua sắm vẫn hoạt động bình thường. Một số sinh viên không về thăm nhà thì đi làm thêm các việc thời vụ", Thu kể.

Chị Thu cho rằng việc người Nhật nghỉ Tết ít ngày, chỉ ăn Tết dương và bỏ Tết âm đã giúp cho năng suất lao động của toàn xã hội tăng đáng kể. "Họ rất giỏi trong việc giữ gìn những nét bản sắc. Mặc dù ăn Tết theo lịch Tây, nhịp sống hiện đại rất gấp gáp nhưng các phong tục truyền thống như đón năm mới, Thanh Minh, lễ Vu Lan... đều được duy trì".

Với cô dâu Việt Nguyễn Mai, việc Nhật Bản không đón Tết âm lịch lại là một may mắn. Nhân dịp này cô có thể cùng chồng thu xếp công việc về ăn Tết Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Người Nhật rộn ràng trong ngày làm việc cuối năm, chuẩn bị tiễn năm Chó đón năm mới Lợn rừng

Người Nhật rộn ràng trong ngày làm việc cuối năm, chuẩn bị tiễn năm Chó đón năm mới Lợn rừng

Người Nhật sẽ đón năm mới theo lịch phương Tây vào ngày 1/1 sắp tới. Tuy nhiên, đây vẫn là dịp lễ lớn nhất năm và gắn với nhiều truyền thống văn hóa phương Đông.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất