Thi lớp 10 điểm thấp, học sinh tủi thân nghe mẹ bảo ‘nghỉ học luôn đi’, nuôi uổng tiền
Khi thấy điểm thi của con, không phải cha mẹ nào cũng giữ được bình tĩnh. Hy vọng càng nhiều thất vọng càng cao, dễ nói ra những lời tổn thương tâm hồn nhạy cảm của con trẻ.
06:03 13/07/2022
Đến thời điểm hiện tại, nhiều tỉnh thành đã biết điểm thi xét tuyển lớp 10 công lập, xen lẫn là biết bao cảm xúc vui buồn. Nhưng có lẽ, người chịu áp lực nhiều nhất, mệt mỏi và tủi thân nhất chính là các em học sinh.
Điểm cao thì không sao, đủ đậu nguyện vọng 1 là hạnh phúc. Nhưng lỡ điểm thấp, các em sẽ phải đối diện với sự thất vọng của cha mẹ, tự dằn vặt và thấy có lỗi với cha mẹ. Thương nhất là các em không nhận được sự an ủi từ gia đình, thậm chí phải hứng chịu cơn giận từ người lớn. Có em học sinh phải lên mạng chia sẻ để vơi bớt ấm ức, u uất. Nguyên nhân là vì em học sinh thi lớp 10 công lập điểm thấp, bị mẹ bảo “nghỉ học luôn đi”.
Dù biết là cha mẹ thương con, thấy thất vọng, thấy lo lắng khi con thi lớp 10 công lập điểm thấp nên mới lỡ thốt ra những lời chua chát. Nhưng với đứa trẻ 15 tuổi đang chới với sau kỳ thi, những câu nặng nề của cha mẹ như xát muối vào tim con. Ở cái tuổi tâm lý chưa ổn định, nhiều khi mẹ nói rất nhẹ thôi cũng khiến con suy diễn nhiều thứ không hay.
Cách đây mấy ngày em đang lướt qua các diễn đàn học sinh, thấy có nhiều bé lên than điểm thấp. Kèm theo đó là nỗi uất ức, nghẹn ngào khi bị phụ huynh trách mắng. Các em cảm giác như mình bị oan uổng, bị hiểu lầm, hoặc sắp bị cha mẹ bỏ rơi khi không đậu được vào trường công lập.
– Thi được 20.5 điểm, mẹ bảo bán vé số đi, học làm gì nữa, nuôi uổng tiền.
– Học 8, 9 bài văn, ngày đêm ôn toán, Anh, nhận lại được 17 điểm. Mẹ thì từ sáng đến giờ bảo không cố gắng rồi kêu không học bài, đóng cửa trong phòng chơi game. Rồi… kêu nghỉ học luôn đi, ăn cái giống gì mà “ngốc” dữ vậy không biết nữa.
Không biết mọi người thế nào chứ như em là người ngoài mà còn thấy xót xa, nặng nề. Hỏi sao những em học sinh lỡ điểm thấp lại không bức bối, áp lực. Những ngày này, khắp nơi toàn khoe điểm cao, khoe thi đậu. Đặt vào vị trí của các em, thấy các bạn đều điểm cao, bản thân mình lại trượt, các em cũng chua xót biết bao.
Điểm thi thấp đã rất buồn rồi, các em còn lo lắng không biết mình có được học tiếp hay không. Rớt trường công lập, hoặc vào trường tư, trường quốc tế, hoặc vào trung tâm GDTX, học nghề… Nhưng đâu phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con học trường quốc tế, trường dân lập.
Giờ lại thêm bị mẹ mắng, mẹ “hù” cho nghỉ học. Bình thường thì nghe như mẹ đùa, chứ trong lúc các em đang tổn thương, các em sẽ nghĩ là thật. Chưa hết, các em đã ôn thi rất cực khổ, nhưng chỉ cần điểm thấp là bị mắng chơi game không lo học, suốt ngày nhắn tin điện thoại.
Cảm giác oan uổng, không được công nhận sự cố gắng càng khiến các em bất mãn và mất đi sự tín nhiệm, dựa dẫm vào cha mẹ. Có em học sinh bảo không còn dám tin tưởng vào bất cứ lời nào mẹ nói nữa.
Nhiều người an ủi các em rằng người lớn hay vậy, biết con điểm thấp thì buồn bực nên trách móc vậy thôi, rồi mọi chuyện sẽ nguôi ngoai. Đúng là mọi chuyện sẽ qua, điểm thấp thì các em vẫn phải bước tiếp con đường phía trước. Nhưng sự tổn thương bị cha mẹ la mắng sẽ còn mãi.
Đúng vào lúc con buồn nhất, con thất vọng với chính mình, con áp lực và không biết phải bám vào đâu. Cha mẹ lại không ở bên động viên mà đi la mắng con, trút hết sự thất vọng của cha mẹ lên con. Như vậy, con còn biết lấy đâu làm điểm tựa tinh thần.
Chỉ mong các phụ huynh trong giai đoạn này hãy cố gắng thật bình tĩnh, nhẹ nhàng nhất có thể. Dẫu rằng sẽ khó giữ bình tĩnh khi biết con thi điểm thấp, bị trượt công lập. Lại thêm chồng chất nỗi lo cho tương lai con, ngược xuôi tìm trường cho con, học phí cao nếu học ngoài công lập.
Biết bao gánh nặng oằn lên vai cha mẹ, tâm trạng phụ huynh căng thẳng, rất dễ bộc phát ra thành những lời nặng nề. Nhưng hãy cố nén lại tất cả, vì chẳng có gì quan trọng bằng sự an toàn sức khỏe và tâm lý của con.
*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân
Người phụ nữ thông minh nhất mọi thời đại: Chỉ số IQ hơn 200 không chỉ do gen mà còn đến từ cách dạy con đặc biệt của người cha
Edith Stern – nhà phát minh của IBM đã vào đại học năm 12 tuổi và thành tiến sĩ ở tuổi 18.