Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản bỏ trốn đang ở mức cao và tiếp tục tăng nhanh
Đó là thông tin do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cung cấp trong hội thảo “Xúc tiến hợp tác nguồn nhân lực giữa Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản” do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức sáng 26/7.
10:00 27/07/2019
Nhật Bản là thị trường tiếp nhận số lượng lớn lực lượng lao động xuất khẩu của các quốc gia khác. Tuy nhiên, con số này tại TP. Đà Nẵng còn tương đối khiêm tốn. Từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng có 959 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Hình thức xuất khẩu lao động chủ yếu thông qua doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và theo hình thức hợp đồng cá nhân.
Nhật Bản là thị trường “hấp dẫn” với lao động Việt Nam (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động nhằm tạo nhận thức đầy đủ hơn về xuất khẩu lao động cho người lao động trên địa bàn, như: hỗ trợ cho vay vốn đối với hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động; vận động gia đình, người lao động thực hiện đúng hợp đồng và kỷ luật lao động cũng như về nước đúng hạn; tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động đi làm việc nước ngoài về…
Tại hội thảo, nhiều thông tin về thị trường lao động Nhật Bản đã được cung cấp như kỹ năng đặc định đối với Việt Nam, lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động tại Nhật Bản… Đáng lưu ý là thông tin về thực trạng cư trú bất hợp pháp và bỏ trốn của công dân Việt Nam thực tập và làm việc tại Nhật Bản.
Theo báo cáo của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có 330.000 người Việt đang cư trú tại Nhật Bản, đứng thứ 3 trong số các quốc gia có công dân cư trú ở Nhật.
Bên cạnh việc lao động Việt Nam cần cù, chịu khó, có sức sáng tạo,…thì thực trạng “nóng” của công dân Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay đó là tình trạng cư trú bất hợp pháp, vi phạm hình sự và lao động, thực tập sinh bỏ trốn. Đáng báo động là tình trạng này có xu hướng tăng nhanh qua từng năm.
Theo thống kê của các cơ quan chức trách Nhật Bản, năm 2018, có tới 2.993 vụ vi phạm pháp luật do công dân Việt Nam, mặc dù giảm so với năm 2017 (3.591 vụ) nhưng vẫn đứng đầu về số vụ vi phạm so với các quốc gia khác có lao động làm việc tại Nhật. Có tới 11.131 người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản.
Đặc biệt là tình trạng thực tập sinh kỹ năng Việt Nam tại Nhật Bản bỏ trốn tăng nhanh. Năm 2017, có tới hơn 50% thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ trốn là thực tập sinh Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng nhức nhối này được cho là do những tổ chức môi giới, cơ quan phái cử, những cơ sở đào tạo tiếng Nhật và doanh nghiệp Nhật Bản kém chất lượng đang trục lợi bất chấp từ những người có mong muốn sang lao động, học tập tại Nhật Bản.
Đại sứ quán Nhật Bản cũng cho biết, hiện Chính phủ 2 quốc gia vẫn đang nỗ lực có những giải pháp và biện pháp để xử lý tình trạng này cũng như bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam làm việc và học tập hợp pháp tại Nhật Bản.
Nguồn: Công thương
Cựu du học sinh Nhật nói về vụ cô gái bị bắt vì 10kg nem chua và trứng vịt: "Không nên lấy đói nghèo để bao biện cho sự phạm pháp"
Theo chị Hà, một vụ việc bắt giữ như bạn Phương Linh mới đây dù đáng thương nhưng hoàn toàn cần thiết để cảnh báo cho nhiều người khác về sự nghiêm khắc của pháp luật Nhật bản.