Tiến sĩ Việt đạt thành tích đáng nể trên đất Mỹ: Từng là thủ khoa, giành học bổng toàn phần 5 nước

Từng được tuyển thẳng đại học, thành thủ khoa đầu ra Đại học Y Dược TP.HCM, Tiến sĩ Phạm Đức Hùng nhận học bổng toàn phần 5 nước và đạt thành tích đáng nể tại Mỹ.

11:00 15/03/2023

Từ thủ khoa đến "hiện tượng" trên đất Mỹ

Tiến sĩ Y Sinh học Phạm Đức Hùng hiện đang sinh sống tại TP. Cincinnati, Ohio, Mỹ và làm việc ở Bệnh viên Nhi Cincinnati, Ohio. Đây là bệnh viện lớn thứ 3 nước Mỹ về Nhi khoa.

Trước khi nhận học bổng trao đổi nghiên cứu tại Harvard, năm 2003, anh Hùng từng đạt Giải nhất quốc gia môn Hoá, tuyển thẳng vào ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 2008, anh trở thành thủ khoa toàn khối ngành Dược, ĐH Y Dược TP.HCM.

Từ thủ khoa tới học bổng Harvard, Tiến sĩ Việt đạt thành tích khủng trên đất Mỹ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Dược học Phạm Đức Hùng làm việc ở Bệnh viên Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ. Ảnh: NVCC

Sau đó, anh Hùng liên tiếp nhận học bổng thạc sĩ Erik Bleumink, ĐH Groningen, Hà Lan; học bổng trao đổi nghiên cứu ĐH Cambridge, Anh; học bổng trao đổi nghiên cứu ĐH Harvard, Mỹ; học bổng Tiến sĩ DBOF của ĐH KU Leuven - top 1 nước Bỉ; phần thưởng Bursary Award của FWO, Bỉ; tổ chức chống động kinh ILAE, Mỹ, IBE, Châu Á.

Năm 2016, anh nhận học bổng sau tiến sĩ CpG Award của Bệnh viện Nhi Cincinnati, Mỹ. Năm 2019, anh được nước Mỹ cấp thẻ xanh theo diện "Nhà khoa học trẻ tài năng xuất chúng". Năm 2020, Tiến sĩ Phạm Đức Hùng xuất bản công trình khoa học lên tạp chí Journal of Hepatology, Gastroenterology và Hepatology là các tạp chí khoa học Số 1 trong ngành Tiêu hoá – Gan mật thế giới.

Anh từng đạt TOEFL iBT 116/120 (tương đương IELTS 8.0 – 8.5) và mới đây, năm 2021, anh là người Việt đầu tiên đậu kỳ thi FPGEC – tương đương dược sĩ của Mỹ theo định dạng mới.

Việc hoàn thành công trình khoa học tại Cincinnati (đề tài lần đầu tiên tìm ra rằng đột biến gene ABCC12 là nguyên nhân gây một loại bệnh viêm gan tắc mật mới) có ý nghĩa nhất với Tiến sĩ Hùng. Sau đề tài, các bệnh viện Nhi toàn nước Mỹ sẽ đưa gene này vào tầm soát lâm sàng cho các cặp bố mẹ có nguy cơ, giúp giảm số trẻ em sinh ra bị bệnh viêm gan tắc mật.

Ngoài ra, anh vui mừng khi đã thi đỗ chứng chỉ FPGEC (foreign pharmacy graduate equivalency committee certificate: chứng chỉ chứng nhận Dược sĩ tốt nghiệp trường ĐH nước ngoài tương đương cho PharmD (Doctor of Pharmacy – Dược sĩ của Mỹ).

Tất cả bác sĩ hay dược sĩ Việt Nam khi đi ra nước ngoài học lên thường làm về cơ bản (các bằng cao cấp như thạc sĩ, tiến sĩ) và không được làm lâm sàng (thăm khám, chẩn đoán, kê đơn, bốc thuốc, tư vấn bệnh cho bệnh nhân) trừ khi là phải đi học lại đại học hoặc thi các kỳ thi tương đương. Với bác sĩ ở Mỹ kỳ thi tương đương tên là USMLE, còn với dược sĩ là kỳ thi FPGEC. Kỳ thi FPGEC rất khó vì yêu cầu tiếng Anh và chuyên môn cao, hầu như chưa có dược sĩ nào thi đỗ, đặc biệt là từ khi FPGEC đổi định dạng (từ năm 2021). Tiến sĩ Hùng là người Việt đầu tiên (và duy nhất cho tới thời điểm này) đỗ kỳ thi lấy chứng nhận trên.

Từ thủ khoa tới học bổng Harvard, Tiến sĩ Việt đạt thành tích khủng trên đất Mỹ - Ảnh 2.

Tiến sĩ Hùng là người Việt đầu tiên (và duy nhất cho tới thời điểm này) đỗ kỳ thi và lấy chứng nhận FPGEC. Ảnh: NVCC

Để học lại đại học lấy bằng Dược sĩ (PharmD) phải tốn khoảng 10 tỷ đồng và 4 năm toàn thời gian, trong khi tổng số tiền anh Hùng bỏ ra học tiếng Anh, tham gia kỳ thi FPGEC chỉ 90 triệu đồng và mất 2,5 năm (học lúc rảnh rỗi sau giờ làm). Tiến sĩ Hùng đã chứng minh người tốt nghiệp trường đại học tại Việt Nam không thua kém các bạn dược sĩ tốt nghiệp tại Mỹ.

"Tôi vẫn đang theo đuổi con đường Dược lâm sàng. Dược sĩ lâm sàng là một thành viên quan trọng của nhóm điều trị (bao gồm Bác sĩ, Dược sĩ, Điều dưỡng, và các chuyên gia y tế khác). Tôi hy vọng sau này sẽ có cơ hội hợp tác với các trường đại học hoặc bệnh viện tại Việt Nam để làm chung nghiên cứu về Y Dược", Tiến sĩ Hùng nói.

Trăn trở với du học sinh Việt

Từ thủ khoa tới học bổng Harvard, Tiến sĩ Việt đạt thành tích khủng trên đất Mỹ - Ảnh 3.

Tiến sĩ Hùng luôn trăn trở làm sao để du học sinh Việt nhận được nhiều học bổng nhất. Ảnh: NVCC

"Theo tôi, 2 khó khăn lớn nhất của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam gặp phải đó là có quá nhiều trung tâm tư vấn và quá nhiều thông tin du học trên mạng. Không phải trung tâm tư vấn nào cũng làm việc có uy tín. Có nhiều người chia sẻ rất tốt bụng, nhiệt tình, nhưng bài học của họ có khi lại không áp dụng được cho các bạn khác, đôi khi sẽ làm mất đi thời gian và cơ hội", anh Hùng cho hay.

Theo Tiến sĩ Hùng, có 2 lời khuyên dành cho các bạn đang muốn đi du học là: "Học ngoại ngữ (tiếng Anh) thật tốt. Ngoại ngữ giỏi, đặc biệt là phần nói, phát âm sẽ giúp các bạn nhanh chóng hoà nhập với trường lớp, học tốt và kết bạn học hỏi được văn hoá của nước bạn nhanh hơn.

Thứ 2 là tích cực và chủ động. Dù đi du học hay săn học bổng ở cấp độ nào, các bạn cũng cần phải có nỗ lực, tích cực xây dựng hồ sơ học tập của bản thân và chủ động tìm kiếm cơ hội thì bạn sẽ thành công nhanh hơn. Một câu cửa miệng tôi hay nói với các học trò của mình là: Đi du học giống như dong một con tàu ra khơi, con tàu đi được bao xa là do chính các em đặt những nền móng đầu tiên, xây những cột buồm đầu tiên cho nó. Vai trò của người hướng dẫn như tôi chính là những hoa tiêu. Nhờ vào kinh nghiệm đi trước, tôi sẽ chỉ cho các em con đường nào ít sóng gió, dễ đi hơn để các em đến đích nhanh hơn. Tuy nhiên thuyền trưởng trên con thuyền của các em, phải là chính các em".

Với những thành tích đã đạt được, Tiến sĩ Hùng không muốn giữ cho riêng mình mà muốn lan tỏa đến các bạn học sinh tại Việt Nam. Mới đây, Tiến sĩ Hùng và nhóm tác giả vừa ra mắt một cuốn sách cẩm nang cho bạn trẻ về du học.

"Cuốn sách được tôi lên ý tưởng từ nhiều năm trước. Khi tôi mới bắt đầu đi du học, tình trạng chung tôi thấy là người Việt Nam rất giỏi, tiềm năng không thua ai cả, tuy nhiên số lượng học bổng, số vị trí tốt trong trường đại học hoặc cơ quan lại không bằng các bạn Ấn Độ hay Trung Quốc. Tôi đã lên kế hoạch giúp các bạn săn học bổng", Tiến sĩ Hùng chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, anh Hùng đã giúp hơn 100 bạn trẻ đạt các học bổng cực lớn, mỗi năm giá trị lên tới 7 triệu đô (khoảng 164 tỷ đồng). Vì vậy, khi viết cuốn sách anh đã nhận được chia sẻ từ các bạn. Ngoài ra, anh còn một may mắn lớn khác là được các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia tuyển sinh như GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, GS.TSKH. Nguyễn Đăng Hưng phản biện và góp ý để cho cuốn sách thật hoàn thiện.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất