Tiết lộ bất ngờ của nàng dâu Việt về mẹ chồng và phụ nữ Ấn Độ

Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người về việc phụ nữ Ấn Độ chỉ mặc đồ truyền thống, ở đây các bà, các cô mặc đồ ngắn, thậm chí sexy là chuyện thường.

16:47 24/02/2023

Mặc dù đã có 5 năm yêu người Ấn Độ và nhiều năm tìm hiểu về đất nước này nhưng phải sau gần 2 năm làm dâu, chị Lại Ngọc Lan Hương (hiện sống ở ngoại ô Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ) mới hiểu rõ hơn về cuộc sống và con người nơi đây.

{keywords}

Chị Lan Hương đã có 2 năm làm dâu Ấn Độ

Từ những trải nghiệm cá nhân, chị cho rằng, Ấn Độ có những điều hoàn toàn khác biệt với suy nghĩ của nhiều người Việt. “Ở Việt Nam nhiều người nghĩ rằng Ấn Độ lạc hậu và kém văn minh. Thực tế, cái lạc hậu, kém văn minh là chỉ số nhỏ và ở vùng sâu vùng xa”.

“Ở đây, đi mua kẹo hay bút bi, uống một chén trà xanh ngoài lề đường bạn vẫn có thể trả bằng app, quét code hoặc bắn tiền qua điện thoại”, chị nói.

Nhiều người nghĩ rằng, phụ nữ Ấn Độ chỉ mặc trang phục truyền thống. Thực tế, người Ấn rất coi trọng văn hóa và truyền thống. Ví dụ như với bộ saree quấn vải quanh người, họ không ngại mặc hàng ngày. Tuy nhiên, việc các chị em ở Ấn Độ mặc đồ ngắn, ôm, sexy cũng là chuyện bình thường.

“Chỗ mình ở, như một chị bạn đã từng sống ở đây 8 năm rồi nhận xét, là bang mà con người có tư tưởng cổ hủ nhất Ấn Độ. Ấy vậy mà ngồi ở trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ, đi chơi các chỗ, mình vẫn thấy các bà các cô bận đồ nước ngoài không khác gì ở Việt Nam”, chị Lan Hương cho biết.

{keywords}

Từ căn hộ của gia đình chồng chị Lan Hương nhìn ra ngoài

Đàn ông Ấn Độ có thiên hướng gia đình. Họ mang trên mình trọng trách là trụ cột gánh vác, với trách nhiệm rất nặng nề. Họ thường có suy nghĩ là mình phải đi kiếm tiền nuôi gia đình, bảo vệ vợ con, cha mẹ, anh chị em… tức là họ lo về phần vật chất. Còn người vợ thì lo cho mái ấm gia đình, thờ cúng… tức lo về phần tinh thần.

Tuy nhiên, không vì thế mà phụ nữ Ấn Độ không có giao tiếp xã hội, không đi làm kiếm tiền.

“Sau khi sang Ấn Độ và ở đây một thời gian, mình lên Facebook, lên Instagram tham gia, theo dõi các hội nhóm, các chị em bạn dì quanh khu vực, trong thành phố và trên nước Ấn Độ, mình thấy bản thân thật là vô dụng. Ở Ấn Độ có một giải thưởng tên là Homepreneurs dành cho những người phụ nữ tự kinh doanh kiếm tiền, hoạt động xã hội tốt và có những ý tưởng đột phá.

Phụ nữ Ấn xung quanh mình cực kỳ năng động. Họ bán hàng online, kinh doanh các kiểu. Ngoài chợ, trung tâm thương mại, ngân hàng, bệnh viện… có rất nhiều phụ nữ làm việc, không khác gì ở các nước phát triển”.

Chính vì điều này nên sau khi sinh con, chị Lan Hương quyết định tìm hướng kinh doanh cho mình. Hiện, chị là cầu nối mang các sản phẩm organic của Việt Nam ra thị trường Ấn Độ. Ngoài ra, chị còn là đầu mối giúp người Việt mua hàng của Ấn Độ, xuất tóc Ấn Độ về Việt Nam.

{keywords}

Vợ chồng chị Lan Hương hiện sống cùng mẹ chồng, em chồng.

Kể tiếp về các mối quan hệ ở quê chồng, chị cho biết, đàn ông Ấn Độ rất nể và tôn trọng phụ nữ. Họ không bao giờ nhìn chằm chằm vào phụ nữ.

“Nếu một người phụ nữ tố họ làm gì xấu với mình cho cảnh sát thì người đàn ông đó sẽ bị “lên phường” ngay và luôn. Ở bang Kerela, chính quyền lập hẳn một đội quân áo hồng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em”.

“Mẹ chồng Ấn Độ theo mình thấy, họ rất thích, thương và chiều con dâu. Điển hình như mẹ chồng mình. Bà ăn chay nhưng thấy có điều kiện là giục chồng mình nhanh nhanh đi mua thịt heo về cho mình ăn. Bà hay làm lễ cầu nguyện và ban phước cho mình, trông cháu cho mình ngủ đến trưa, chiều mới dậy…

Mình không biết làm lễ theo đạo của chồng nhưng nhà chồng không ai bắt học cả. Mình thỉnh thoảng vẫn cúng như ở Việt Nam”, chị nói tiếp.

Về chuyện ăn uống, nàng dâu Việt cho biết, người Ấn Độ có thói quen nấu đồ nhiều gia vị và mùi vị rất lạ. Khi ăn, họ ăn bốc là đa số, nhưng với những món không phải bốc (ví dụ cháo, mỳ…) họ dùng thìa và dĩa.

Điều thú vị theo chị Hương là đồ ăn ở Ấn Độ thường được phục vụ trên đồ inox, thủy tinh, hoặc đồ bằng gỗ, giấy, lá cây… là các sản phẩm tái chế được, rất thân thiện với môi trường.

“Ấn Độ cấm và hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa. Họ đã có ý thức và hành động để bảo vệ môi trường từ rất lâu”, chị nói thêm.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất