Tình cảnh khốn cùng của các “công dân toàn cầu” trong làn sóng sa thải ngành công nghệ: Giấc mơ Mỹ “đứt gánh giữa đường”
Những người sở hữu thị thực việc làm tạm thời H-1B đang phải chạy đua tìm công việc mới nếu họ không muốn bị trục xuất khỏi Mỹ sau khi mất việc bởi làn sóng sa thải trong giới công nghệ.
14:02 22/11/2022
Nhân sự chất lượng cao loay hoay tìm việc
Việc sa thải hàng loạt trong lĩnh vực công nghệ khiến những công dân nước ngoài đang tạm trú ở Mỹ thông qua thị thực việc làm H-1B có rất ít thời gian để tìm một công việc khác nếu không muốn bị trục xuất. Trớ trêu thay, rất nhiều trong số những “công dân toàn cầu” này đang phải loay hoay, thậm chí là bơ vơ, vì chính các công ty tuyển dụng và bảo lãnh thị thực cho họ không hề có hướng dẫn cụ thể.
Thực tế, ngành công nghệ ở Mỹ từ lâu đã dựa vào chương trình thị thực H-1B để đáp ứng nhu cầu về lao động trong các lĩnh vực chuyên môn cao như khoa học máy tính và kỹ thuật. Amazon, Lyft, Meta, Salesforce, Stripe và Twitter bảo trợ cho ít nhất 45.000 lao động thị thực H-1B trong 3 năm qua.
Các báo cáo được chính những nhân viên Meta và Twitter tổng hợp chỉ ra rằng những đợt sa thải ồ ạt của 2 công ty này đã gây ảnh hưởng tới ít nhất 350 lao động nhập cư mang thị thực loại này. Trong khi đó, luật pháp Mỹ quy định thị thực H-1B chỉ có thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm người lao động mất việc. Nếu họ không tìm được một nhà tuyển dụng mới đứng ra bảo lãnh, họ sẽ bị trục xuất.
Ngành công nghệ Mỹ sử dụng nhiều lao động H-1B.
Rất nhiều người lao động sở hữu thị thực H-1B đã sống ở Mỹ trong nhiều năm và đang chờ quốc tịch vĩnh viễn. Giờ đây, họ phải điên cuồng tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, làn sóng sa thải của các công ty cộng nghệ tạo ra một sự cạnh tranh bất bình thường, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ đều đang thiên về việc cắt giảm nhân sự.
Để tự cứu mình, họ đã lập ra những hội nhóm trên LinkedIn với mong muốn chia sẻ những cơ hội việc làm ở Mỹ và nước ngoài cho những lao động đặc thù này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tìm được việc phù hợp.
Trong bài viết của mình, Bloomberg đã phóng vấn hơn 10 người lao động sở hữu thị thực H-1B, những người lựa chọn giấu tên vì không muốn chọc giận chủ cũ hoặc gây rủi ro cho quá trình tìm việc của họ.
Một nhà thiết kế 30 tuổi cho biết mình đã ở Mỹ được 14 năm. Cô là 1 trong số hơn 3.500 người bị Twitter sa thải sau khi Elon Musk giành quyền sở hữu mạng xã hội này. Dù đã hình dung ra viễn cảnh này từ lâu nhưng nỗi sợ hãi khi phải sống trong cảnh bị buộc phải dọn đồ và rời đi bất kể lúc nào thực sự là điều tồi tệ.
Giấc mơ Mỹ tan vỡ
Chương trình H-1B cho phép người sử dụng lao động ở Mỹ tuyển dụng lao động nước ngoài có bằng đại học trong các lĩnh vực kỹ thuật mà trước đây thường thiếu người làm tại Mỹ. Thị thực được cấp trong 3 năm với khả năng gia hạn. Số lượng người được cấp thị thực loại này mỗi năm ở Mỹ được giới hạn dưới 85.000 trong khi nhu cầu thực tế rất cao, đặc biệt là với các chuyên gia tới từ Ấn Độ.
Theo Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, mức lương trung bình cho một công nhân H-1B là 106.000 USD. Tuy nhiên, mức lương cho nhân sự tại các công ty công nghệ hàng đầu cao hơn thế rất nhiều. Mức lương trung bình cho một người lao động H-1B tại Meta, Salesforce và Twitter là khoảng 175.000 đô la, chưa bao gồm các khoản tiền thưởng khổng lồ và quyền chọn mua cổ phiếu.
Chính vì lý do đó, đợt sa thải này có tác động đặc biệt lớn tới người Ấn Độ, những người có xu hướng xin thị thực tạm trú nhiều hơn các quốc gia khác vì tồn đọng trong việc xin thẻ xanh. Mỗi quốc gia được cấp tối đa số thẻ xanh bằng khoảng 7% lượng thị thực H-1B của họ mỗi năm. Tuy nhiên, một báo cáo ước tính một công dân Ấn Độ nộp đơn vào năm 2020 có thể phải chờ đợi tới 195 năm để có thể trở thành thường trú nhân. Với người lao động của Trung Quốc, thời gian chờ đợi là 18 năm. Phần còn lại của thế giới chỉ phải chờ đợi chưa tới 1 năm.
Chính điều này gây ra những tình cảnh khốn cùng. Vào đầu năm, một người Ấn Độ sở hữu thị thực H-1B mua một căn nhà ở Seattle để bắt đầu làm việc cho Meta. Mười một tháng sau, anh bị sa thải và rơi vào cuộc đua tìm kiếm việc làm với hy vọng có doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh thị thực cho mình.
Ông bố 2 con với 15 năm sống và làm việc tại Mỹ đang phải lùng sục khắp trên mạng xã hội, tham gia các nhóm chat chuyên dụng và nộp hồ sơ khắp nơi với hy vọng có được việc làm.
“Thật trớ trêu, ngay cả với 15 năm công hiến, bạn vẫn chẳng tìm thấy cách nào để ở lại. Con đường đến thường trú nhân cứ thế bị phá nát”, anh này chia sẻ.
Các doanh nghiệp phải bồi thường cho người lao động sở hữu thị thực H-1B nếu họ bị buộc phải rời Mỹ sau khi mất việc nhưng chính sách hỗ trợ rất khác nhau. Năm cựu nhân viên Twitter cho biết công ty hỗ trợ rất ít, thậm chí còn chẳng thông báo chính xác thời gian mà những người lao động có thị thực H-1B sẽ phải tìm việc mới.
Aditya Tawde, một kỹ sư đến từ Ấn Độ làm việc tại LinkedIn, mô tả sự hỗ trợ từ các công ty mà họ được tuyển là “tối thiểu”. Tawde bị TripAdvisor sa thải từ hồi đầu đại dịch. Phải rất vất vả, Tawde mới tìm được một công việc mưới khi chỉ còn 2 tuần nữa là thị thực hết hạn. Nhắc lại giai đoạn đó, Tawde vẫn chưa nguôi nỗi buồn và sự tức giận.
Trong làn sóng “đại sa thải” đang diễn ra, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ là rất hạn chế. Hầu hết những người có thị thực H-1B ở Mỹ đều phải tự thân vận động hoặc giúp đỡ lẫn nhau với hy vọng có thể tiếp tục viết tiếp giấc mơ Mỹ.
Tham khảo: Bloomberg
Nữ phi công không tay lái máy bay bằng chân
Jessica Cox học bay để vượt qua nỗi sợ hãi và trở thành người đầu tiên trên thế giới không có tay được cấp phép lái máy bay.