Tinh thần Olympic của người Nhật
Việc Olympic Tokyo 2020 bị hoãn vì dịch COVID-19 không phải là lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải thay đổi kế hoạch tổ chức kỳ Olympic của họ. 80 năm trước, nước Nhật từng phải trải qua nỗi đau này...
10:00 05/04/2020
Đó là Olympic 1940, được lên kế hoạch ban đầu ở Tokyo. Kỳ Olympic thứ 12 này cũng là kỳ Olympic đầu tiên diễn ra ngoài phạm vi châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Kazuo Goto và chiếc áo kỷ niệm Olympic 1964 - Ảnh: AFP
Lần đầu bất thành
Vì vậy, người Nhật năm đó rất háo hức với kế hoạch tổ chức Olympic của mình. Chính phủ Nhật xem Olympic 1940 như một cột mốc đánh dấu sự hồi sinh của đất nước sau thảm họa động đất Great Kanto 1923 đã tàn phá nhiều thành phố, khu đô thị lớn ở vùng Kanto. Đây cũng là dịp kỷ niệm 2.600 năm đế chế huyền thoại Jimmu.
Và về mặt chuyên môn, người Nhật cũng đặc biệt háo hức với giấc mơ vươn lên top đầu làng thể thao thế giới khi ấy.
Ở Olympic 1936, Nhật đứng thứ 8 trên bảng tổng sắp huy chương với 6 HCV, 4 HCB và 8 HCĐ. Trước Olympic 1940, Nhật được xem là cường quốc số 1 thế giới ở môn bơi lội (Nhật giành đến 4 HCV bơi lội ở Olympic 1936) - một trong những môn thể thao cơ bản của Olympic.
Nhưng đến năm 1937, chiến tranh Trung - Nhật nổ ra và dư luận thế giới bắt đầu kêu gọi hủy bỏ Olympic 1940.
Ban đầu, các đại biểu người Nhật của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn kiên trì cho rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Thái độ này được duy trì hơn nửa năm cho đến tận giữa năm 1938.
Nhưng cuối cùng Olympic 1940 cũng phải hủy bỏ. Chính xác hơn, ban đầu nó được dời sang Helsinki, Phần Lan và rồi hủy bỏ hoàn toàn vì Thế chiến II nổ ra.
Koichi Kido - cố vấn của hoàng đế Hirohito khi đó - tuyên bố: "Khi hòa bình ngự trị trở lại ở vùng Viễn Đông, chúng ta có thể lại tổ chức Olympic ở Tokyo và chứng minh cho thế giới thấy tinh thần Nhật Bản thực thụ".
Lời tuyên bố đó không hề vô nghĩa. 24 năm sau, đại hội Olympic cuối cùng cũng đến với Tokyo.
Thành công với Olympic 1964
Diễn ra 19 năm sau thảm họa bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Olympic 1964 là cơ hội để nước Nhật chứng tỏ cho thế giới thấy sự hồi sinh thần kỳ của họ.
Và họ đã thành công khi Olympic 1964 đánh dấu một loạt cột mốc đặc biệt trong lịch sử thế vận hội.
Cụ thể có đến 93 quốc gia tham dự Olympic Tokyo 1964, con số đông đảo nhất của một kỳ Olympic tính đến thời điểm đó. Đó cũng là lần đầu tiên Olympic được phát sóng vệ tinh trên toàn thế giới, thu hút đến khoảng 800 triệu lượt xem.
Ban đầu, ban tổ chức ước tính có 70% tổng lượng vé tất cả các sự kiện của đại hội sẽ được bán ra, nhưng con số cuối cùng vượt qua ước tính của họ (tổng cộng bán được hơn 2 triệu vé).
Để có được những thành tựu đó, người Nhật cũng đã bỏ ra khoản đầu tư kỷ lục: 4,6 tỉ USD và trở thành kỳ đại hội thể thao đắt giá nhất lịch sử tính đến thời điểm đó.
Đã hơn 5 thập niên trôi qua, những người dân Nhật từng chứng kiến kỳ Olympic lịch sử đó giờ không còn nhiều, nhưng tinh thần của người Nhật vẫn vậy.
Kazuo Goto - một trong số những người được trao trọng trách rước đuốc ở Olympic 1964, ủng hộ quyết định hoãn của IOC và ban tổ chức. Người đàn ông 73 tuổi thậm chí còn kêu gọi hủy cuộc rước đuốc trước thềm Olympic 2020 để bảo vệ an toàn cho mọi người.
Ít nhất đến lúc này, Olympic không bị hủy bỏ, IOC xác định lịch thi đấu mới, được lùi lại đúng 1 năm so với lịch ban đầu.
Những hậu quả vì chiến tranh cùng 24 năm chờ đợi đã không thể quật ngã "tinh thần Olympic" của người Nhật, vậy cơn đại dịch lần này có làm khó họ trong lần thứ 2 đăng cai thế vận hội mùa hè?
Theo: tuoitre.vn
Tokyo: Thêm 47 ca mới dương tính với COVID19
Cho tới 5h chiều thì ngày 26/3 Tokyo đã công bố thêm 47 ca mắc viêm phổi do corona. Hiện tại tổng số ca mắc ở thủ đô Nhật Bản đang là 259, trong đó có 121 ca trong 4 ngày gần nhất.