Giải cứu hành tinh bằng cách tiết kiệm kiểu Nhật
Với tay qua quầy để chuyền cho chúng tôi một gói senbei (bánh gạo) được gói rất đẹp mắt làm ở nhà, bà chủ cửa hàng lớn tuổi hòa cùng sự ngưỡng mộ của chúng tôi trước các mẫu mã đầy màu sắc.
16:00 19/05/2020
Mỗi gói bánh được gói trong giấy washi truyền thống mà chủ cửa hàng nói rằng có thể được dùng lại để gói quà tặng hoặc để bao vở.
Nguồn ảnh: GETTY IMAGES
"Mottainai," bà gọi khi chúng tôi rời đi với giọng bà ngoại nghiêm khắc và ngoắc ngoắc ngón tay.
'Tôn trọng' đồ dùng
Phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, mottainai đã trở thành lời nhắc nhở khi mọi người nói đến rác thải ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ, thể hiện sự kết nối có ý nghĩa giữa đồ vật và chủ sở hữu vốn bắt rễ sâu trong văn hóa Phật giáo.
Tập trung vào tinh túy của các vật thể, nó khuyến khích mọi người nhìn xa hơn văn hóa vứt bỏ của chúng ta và coi trọng từng đồ vật một cách độc lập, thêm chữ 'R' thứ tư, tức 'respect' - trong tiếng Anh có nghĩa là 'sự tôn trọng' - vào câu châm ngôn nổi tiếng: 'giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế' (reduce, reuse, recycle).
Giấy washi truyền thống dùng để gói đồ có thể được dùng lại làm giấy gói quà hoặc bọc vở. Ảnh: LILY CROSSLEY-BAXTER
Khi sự bền vững trở thành trọng tâm toàn cầu, sắc thái của mottainai đem đến bộ khung thay thế cho liên kết của chúng ta với thế giới và những đồ vật chúng ta đem vào thế giới.
Trong khi nhiều nỗ lực bền vững tập trung vào tương lai của hành tinh như là động lực, mottainai nhìn kỹ vào bản thân các đồ vật, tin rằng nếu bạn trân trọng một đồ vật ngay từ đầu thì sẽ không có lý do gì để lãng phí chúng cả.
Mặc dù tôi thường nghe câu nói mà các giáo viên dùng để mắng học sinh để cơm thừa vào bữa trưa, hoặc được các đồng nghiệp dùng như là lời bào chữa trắng trợn khi họ bới tìm những miếng khoai tây cuối cùng ở đĩa đồ ăn gần đó, tôi chưa bao giờ nghe thấy câu đó được dùng vì nghĩ đến tương lai của đồ vật cả.
Trong bối cảnh hiện tại của phong trào bảo vệ môi trường, việc giảm rác thải - cho dù là nhựa sử dụng một lần, tiêu thụ thực phẩm hay năng lượng - chiếm vị trí cao trong suy nghĩ chung của xã hội.
Được ngưỡng mộ vì có các hệ thống tái chế phức tạp và các thành phố sạch không tì vết, Nhật Bản dường như đã thành công trong việc làm chủ nghệ thuật ba chữ R, nhưng nhận thức này đã tạo ra tâm lý tự mãn nguy hiểm.
Trên thực tế, Nhật Bản là nước phát sinh chất thải nhựa tính trên đầu người cao thứ hai trên thế giới, sản xuất nhiều hơn toàn bộ Liên hiệp châu Âu.
Nguồn gốc lâu đời
Đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, giá trị của một từ duy nhất như mottainai có thể dễ dàng bị bác bỏ, nhưng sự phổ biến liên tục của nó trong đời sống hàng ngày ở Nhật Bản được một số người coi là công cụ lợi hại có sẵn để được tận dụng lại.
Các thành phố của Nhật luôn sạch sẽ tinh tươm, nhưng Nhật Bản là nơi xả thải nhựa đứng thứ nhì thế giới tính theo đầ người. Ảnh: GETTY IMAGES
"Khái niệm mottainai bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản, nhưng gần đây người dân Nhật có xu hướng không quan tâm đến nó," ông Tatsuo Nanai, người đứng đầu chiến dịch MOTTAINAI chính thức, giải thích.
Tổ chức phi chính phủ này được ra đời sau chuyến thăm vào năm 2005 của nhà bảo vệ môi trường người Kenya vốn từng đoạt giải Nobel, Wangari Maathai, với mục đích làm sống lại khái niệm này.
"Bà ấy biết về mottainai và bà ấy rất ấn tượng với khái niệm này," Nanai nói, "bởi vì nó diễn đạt nhiều hơn một từ đơn lẻ."
Sức mạnh tiềm tàng của Mottainai nằm ở ý nghĩa phức tạp của nó, xuất phát từ niềm tin Phật giáo cổ đại.
"Mottai bắt nguồn từ từ ngữ Phật giáo vốn đề cập đến tinh túy của sự vật. Nó có thể được áp dụng cho mọi thứ trong thế giới vật chất của chúng ta. Nó cho thấy các vật thể không tồn tại trong cô lập mà được gắn kết nối với nhau," Nanai cho biết.
Ông nói thêm rằng, "'nai' là sự phủ định, vì vậy 'mottainai' trở thành sự thể hiện nỗi buồn trước sự mất kết nối giữa hai thực thể, sống và không sống."
Sự gắn kết giữa chủ sở hữu và đồ vật là yếu tố cơ bản của văn hóa Nhật, được phản ánh trong mọi thứ, từ nghệ thuật sửa chữa truyền thống kintsugi cho đến niềm vui mà nhà tổ chức nổi tiếng Marie Kondo tìm kiếm.
Du khách có thể nhìn thoáng qua một chiếc bát được sửa chữa tinh tế trong một buổi trà đạo hoặc tình cờ đụng một trong những lễ hội hàng năm được tổ chức để cảm ơn các món đồ vật đã qua sử dụng.
"Khi mọi thứ không còn có thể được sử dụng được nữa, chúng tôi luôn nói với chúng 'otsukaresama-deshita!', có nghĩa là 'cảm ơn vì đã vất vả'," Nanai nói.
Một ví dụ điển hình là các nghi lễ hari-kuyo, khi mà những chiếc kim khâu bị gãy được cho nghỉ hưu và được đặt vào đậu phụ mềm trong một buổi lễ tưởng niệm trang nghiêm để cảm ơn chúng.
Trân trọng tài nguyên giới hạn
Nguồn ảnh: GETTY IMAGES
Tuy nhiên, trong thế giới sản xuất hàng loạt và chủ nghĩa tiêu thụ, khó mà duy trì những kết nối với đồ vật, và điều này làm nổi bật khoảng cách ngày càng tăng của chúng ta với môi trường mà chúng ta dựa vào.
"Mọi người nghĩ chúng ta tách biệt với rừng và biển, rằng chúng ta vượt trội hơn thiên nhiên, nhưng cuộc khủng hoảng môi trường đã đánh thức ý thức của chúng ta trước thực tế rằng chúng ta là một phần của tự nhiên," Nanai nói.
Ở một đất nước phải đối mặt với thiên tai thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng, sức nặng của sự chia cách này được cảm nhận rõ nét.
Mối liên hệ kiểu này với hành tinh chúng ta được Maathai nhấn mạnh khi bà đi khắp thế giới và mang theo thông điệp mottainai.
Trong bài phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hồi năm 2006, bà đã minh họa mối liên hệ giữa nhân quyền và bảo tồn môi trường, dẫn ra sự tham lam đối với tài nguyên hạn chế của Trái Đất là 'nguyên nhân gốc rễ của hầu hết các cuộc xung đột'.
Tiếp theo đó, bà nhớ lại chuyến đi đến Nhật Bản, nơi bà đã học về mottainai và bài học của nó 'để biết ơn, không lãng phí và trân trọng tài nguyên có giới hạn'.
Nhờ vào Maathai, nhóm vận động của Nanai và cộng đồng ngoại kiều Nhật Bản, khái niệm về mottainai đang dần lan rộng trên toàn cầu.
Việt Nam tổ chức lễ hội mottainai hàng năm, được gọi là chương trình 'Trao yêu thương, Nhận hạnh phúc', trong khi khu phố Tiểu Tokyo của Los Angeles chọn nó làm chủ đề cho dự án tái sinh năm 2016 của họ.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Thế vận hội Olympic và Paralympic năm nay tại Tokyo đang được sử dụng để làm nổi bật sự bền vững (tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 nên Thế vận hội sẽ được hoãn tới năm sau, 2021).
Bên cạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các sân vận động và hệ thống giao thông hiện có cũng như có các kế hoạch trung hòa phát thải carbon, sẽ có hai biểu tượng rất dễ cho mọi người nhìn thấy: lễ đài sẽ được làm từ nhựa tái chế được thu thập từ khắp Nhật Bản; trong khi tất cả 5.000 huy chương sẽ được làm từ 100% kim loại tái chế, được chiết xuất cẩn thận từ các thiết bị điện tử do công chúng hiến tặng.
Mua quần áo cũ là một cách quan trọng để giảm bớt việc xả rác thải. Ảnh: GETTY IMAGES
Bằng cách sử dụng các vật dụng cá nhân thay vì các thiết bị công nghiệp hoặc thương mại, mỗi lần hiến tặng cho phép chủ sở hữu cũ của thiết bị điện tử cảm nhận được sự đóng góp của mình vào các huy chương và cũng như toàn bộ giải đấu.
Khoảng cách thế hệ
Tuy nhiên, trong khi nâng cao nhận thức quốc tế về khái niệm này là một ưu tiên, sự cách biệt thế hệ về mottainai cần phải được khắc phục nếu như nó muốn tìm lại ảnh hưởng ở Nhật Bản.
Xem xét những thay đổi xã hội ở Nhật Bản trong thế kỷ qua - từ các cuộc thế chiến cho đến các bước tiến công nghệ nhảy vọt - phó giáo sư Misuzu Asari tại Trường Sau đại học về Môi trường Toàn cầu thuộc Đại học Kyoto lưu ý rằng "nhiều người cao tuổi đã biết cái nghèo đói từ những trải nghiệm của họ trong và sau chiến tranh, và đã học được 'mottainai' trong gian khổ. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ trẻ đã sống trong thời đại của cải vật chất phồn thịnh, do đó, có một khoảng cách lớn giữa người già và người trẻ".
Bà giải thích rằng trong khi sự đứt kết nối của thế hệ trẻ với giá trị nội tại của một đồ vật có thể tạo ra lối sống tối giản hơn, thì nó lại dẫn đến tiêu thụ hàng loạt, với tình trạng đồ vật không được xem trọng và dễ dàng bị thay thế.
Nhằm thay đổi điều này, chiến dịch MOTTAINAI tập trung vào trẻ em và gia đình các em.
Bên cạnh các chợ trời bán đồ cũ MOTTAINAI vốn thường xuyên được tổ chức trên khắp Tokyo, nơi người ta buôn bán những mặt hàng đã qua sử dụng, chiến dịch này cũng tổ chức các khu chợ trẻ em - cho phép trẻ em mua bán đồ chơi và quần áo.
"Trẻ em là chìa khóa," Nanai giải thích, đưa ra những bức ảnh về một phiên chợ gần đây được tổ chức tại Tokyo. "Các em biết tương lai của các em sẽ bị phương hại, vì vậy chúng tôi phải giúp đỡ các em bằng bất cứ cách nào có thể."
Phụ huynh không được đến chợ và với giới hạn 500 yen, các chợ kiểu này được thiết kế để dạy trẻ em không chỉ giá trị của tiền, mà còn là cách làm khác thay vì vứt bỏ những món đồ cũ.
Từ chối sử dụng
Tái sử dụng các vật dụng cũ, như lấy lon đồ hộp làm lọ hoa, là cách cực kỳ tốt để giảm bớt việc vứt rác. Ảnh: GETTY IMAGES
Một phiên bản cực đoan hơn của tinh thần mottainai có thể được tìm thấy trên Shikoku, hòn đảo lớn thứ tư của Nhật Bản, nơi trẻ em là trọng tâm của sứ mạng đến năm 2020 sẽ không còn rác thải ở một thị trấn nhỏ.
Thị trấn Kamikatsu tuyên bố mục tiêu này hồi năm 2003, và giới chức đã làm việc với các gia đình và trường học để đem đến các giải pháp thay thế cho việc đổ rác.
Chủ tịch hội đồng Akira Sakano cho tôi xem một trò chơi mà bà sáng chế cho trẻ em địa phương khi tôi đến thăm vào tháng 12.
"Chúng tôi cho các em năm tùy chọn để giải cứu rác thải: đầu tiên là sử dụng lại, sau đó là dùng nó vào việc khác, chuyển đổi mục đích sử dụng, tái chế và để cho mục nát. Tất nhiên, chúng ta không thể lúc nào cũng giữ được đồ vật, vì vậy chúng tôi cho thêm hai lựa chọn - đưa đến bãi rác hoặc từ chối món đồ ngay từ đầu."
Lựa chọn cuối cùng này, bà giải thích, là chìa khóa cho thông điệp của bà về việc giảm rác thải.
"Bằng cách từ chối, nó tương tự như mottainai, nhưng nó gần hơn với việc bạn có thể nghĩ ra ý tưởng mới như thế nào để không phải sử dụng đồ vật đó ngay từ đầu."
Từ lời hứa sẽ từ bỏ các vật dụng dùng cho thức ăn nhanh cho đến đề xuất dùng chai có thể tái sử dụng, những em nhỏ địa phương tham gia vào chợ rõ ràng đã biết nằm lòng thông điệp.
Thị trấn cũng có một hệ thống tái chế 45 phần phức tạp và một cửa hàng trao đổi kuru-kuru vốn cho đến nay đã tìm được những ngôi nhà mới cho hơn 11 tấn đồ vật và vận hành một dự án chuyển đổi mục đích.
Giờ đây, với việc tái chế hơn 80% lượng rác thải, thị trấn đang trên đường hướng đến mục tiêu không còn chất thải và đang chào đón các thực tập sinh cùng du khách từ Nhật Bản và nước ngoài để chia sẻ những gì họ đã học được.
"Với đà gia tăng dân số và sự thiếu hụt tài nguyên trên toàn thế giới, trí tuệ, văn hóa và công nghệ sẽ là không thể thiếu để giúp sinh tồn," Asari nói.
Từ tờ giấy gói đẹp đẽ đang bao những cuốn tập của tôi cho đến những huy chương tái chế được trao trên bục nhựa, sự kết nối giữa con người, đồ vật và thế giới chưa bao giờ quan trọng như vậy.
Theo: bbc.com
Làn sóng kỳ thị, bắt nạt và tẩy chay bùng nổ ở Nhật Bản trong mùa Covid-19
Virus Corona ở Nhật Bản không chỉ là một loại bệnh dịch, mà còn là sự tấn công của sự phân biệt đối xử, bắt nạt, kỳ thị với người bệnh, gia đình người bệnh và các nhân viên y tế.