Tôi kéo bố mẹ nuôi người Nhật khỏi hội đa cấp

Mẹ nuôi tôi người Nhật, thất nghiệp ở tuổi 70 và bị vướng vào đa cấp bảo hiểm, đồ giảm giá và mỹ phẩm.

11:00 10/09/2020

Gần đây thấy thông tin về đa cấp rất nhiều, mong rằng nội dung tôi chia sẻ sẽ giúp bạn nào gặp trường hợp giống tôi trải qua bình tĩnh để hành động đúng đắn hơn.

Tôi sang Nhật cuối năm 2007. Gần hai năm, có một nhóm người lao động Việt Nam tôi quen bị công ty đuổi việc bất ngờ. Năm người bị đuổi ra ký túc xá, thu hết đồ đạc, không được hỗ trợ một đồng.

Tôi lúc đó 21 tuổi, muốn giúp đỡ năm bạn xin hỗ trợ thất nghiệp nhưng không rõ thủ tục. Tôi hỏi nhiều người và được dẫn tới nhà bố mẹ nuôi mình. Bố mẹ nuôi tôi lúc đó là người Nhật, có tiền và có quyền, nên đã giới thiệu tôi đến nơi làm thủ tục xin hỗ trợ thất nghiệp cho các bạn đó.

Sau đó ông bà vì thương tôi còn nhỏ, vừa đi học vừa đi làm nên thường xuyên đón tôi đến nhà, đưa tôi đi ăn đi chơi, đi du lịch. Có lúc ngồi ăn cùng nghị viên, có lúc ngồi ăn cùng các vị sumo, có những nơi rất sang trọng mà chắc ngay cả bây giờ tôi cũng không đủ tiền để tới.

Đầu năm 2013, bố mẹ nuôi tôi phá sản. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn là đã tới đêm trước ngày công bố phá sản. Công ty gia đình nên cả nhà, ông bà và hai con trai, bị cuốn vào hết. Toàn bộ công ty, 11 nhà hàng bị niêm phong. Nhà riêng, ôtô bán hết. Bát đĩa, dụng cụ trà đạo, kimono, tất cả những thứ giá trị đều bị bán. Thậm chí, vì bị siết nợ nên có những món đồ mấy trăm triệu chỉ còn có vài triệu cũng phải bán.

Thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng bị khóa, phải đi ở nhờ nhà người khác. Bố nuôi tự sát không thành nhiều lần. Dao, kéo và những thứ nguy hiểm ở trong nhà phải giấu đi. Mẹ tôi vốn là tiểu thư từ nhỏ nhưng mạnh mẽ hơn bố nhiều. Bà chỉ khóc khi còn tôi và bà nằm với nhau lúc nửa đêm. Ban ngày bà vẫn cố gắng nói những điều tích cực để vực dậy tinh thần bố và các anh.

Gần đây tôi nói chuyện với một bạn người Nhật làm ở văn phòng luật sư, chuyên về phá sản. Bạn kể nhiều công ty phá sản vì dịch. Bạn phải săm soi tìm xem công ty đấy giấu tài sản ở đâu, làm sao ra tiền nhiều nhất có thể để trả cho các bên liên quan. Tôi im lặng, nhớ buổi đêm trước ngày bị niêm phong công ty của bố mẹ nuôi. Tôi, mẹ nuôi và một người bạn nữa lén đến công ty, mở cửa giấu đi những món đồ có thể giấu, vì biết sáng hôm sau các công ty liên quan và tòa án sẽ kéo tới niêm phong tài sản.

Ở Nhật, hay là ở trường hợp của bố mẹ nuôi, đã phá sản thì khó đứng dậy được. Đó là vết đen trong kinh doanh mà đối tác không ai dám tới gần. Chính quyền cũng khóa chặt các tài khoản không cho kinh doanh trong 6 năm. Có muốn kinh doanh thì cũng phải đứng tên người khác, nhưng ai dám?

Trong 6 năm mua sắm gì cũng bị tra hỏi vì nếu có tiền mua thì phải trả nợ. Bố mẹ nuôi đã 70 tuổi, không thể đi làm việc gì khác được, tiền lương hưu còn không đủ sống, nói gì đến trả nợ. Anh hai thì còn có vợ con, mà vợ anh ấy thì cũng không đi làm...Hai mẹ con ngồi bần thần với nhau bao ngày, mẹ tôi hỏi: "Mẹ biết làm gì để sống bây giờ?". Bà nói lúc nhiều tiền không biết tiết kiệm để dành, bây giờ chỉ còn ít năm mất đi để lại khoản nợ cho con. Thời gian đầu còn được anh em họ hàng giúp đỡ, sau thì cũng hết dần, vậy là đa cấp kéo tới.

Đầu tiên là đa cấp bảo hiểm.

Mẹ tôi đi làm rửa bát cho một quán ăn gần nhà để kiếm thêm. Bà chủ rất xởi lởi, mỗi ngày đi làm đều gói ghém đồ ăn cho mẹ mang về. Mẹ cũng mừng, nói mỗi ngày đi làm là được đỡ tiền ăn ngày hôm sau.

Nhưng dần dần bà chủ cũng lộ diện. Bà bán bảo hiểm nhân thọ, là loại bảo hiểm khi người ta mất thì sẽ để lại cho con một số tiền nào đó. Nhưng bảo hiểm đó rất đắt tiền, 1/4 số lương hưu của bố mẹ tôi dùng để trả bảo hiểm.

Khi bà nói về gói bảo hiểm đó thì các anh và tôi đều can. Nhưng bà coi bà chủ kia như ân nhân nên không từ chối. Bà chủ còn nói nếu mời được ai vào nữa thì sẽ được rất nhiều tiền. Mẹ tôi cũng đi mời nhưng tất nhiên ai cũng từ chối hết. Sau gần một năm chắt bóp để trả tiền bảo hiểm, cuối cùng mẹ nuôi tôi cũng dám đề nghị với bà chủ kia cắt bảo hiểm.

Cắt bảo hiểm thì cũng đồng thời là cắt luôn cả công việc và cắt luôn cả quan hệ với bà chủ kia. Bà lại rơi vào tình trạng thất nghiệp lần tiếp theo.

Thứ hai là đa cấp hội viên mua đồ giảm giá.

Cái tủ lạnh mang từ nhà cũ sang bị hỏng. Bà hỏi bạn bè xem mua đồ tủ lạnh ở đâu cho rẻ, đồ cũ cũng được. Bà được giới thiệu vào hội tiêu dùng đa cấp. Mọi thành viên ở trong hội được mua đồ trong catalogue với giá ưu đãi 5 - 20%.

Khi tôi tìm kiếm trên mạng, giá thực tế còn rẻ hơn nhiều. Nhưng mẹ nuôi tôi quyết định nhập hội để mua cái tủ lạnh. Bà nói trong hội có thể mua túi xách, đồ gia dụng đồ điện tử và nói tôi tham gia cùng. Tôi từ chối nhiều lần và nói khéo để bà thôi nhưng không được. Bà nói bây giờ bà không có tiền nên những chỗ rẻ như thế này rất quan trọng.

Bà mời gọi nhiều người vào cùng. Tôi cũng không rõ có ai đồng ý không, nhưng thực sự lúc này xung quanh bà đã chẳng còn bạn bè gì nữa rồi. Tôi không biết nhóm mua hàng giảm giá này là đa cấp nên không có ngăn cản gì bà nhiều, chỉ sau này tra lại thông tin mới biết đây cũng là một hình thức đa cấp.

Thứ ba là đa cấp mỹ phẩm, dầu gội.

Có người mời bà mua đồ mỹ phẩm, dầu gội, xà phòng... Bà mua gửi cho tôi dùng thử, nói đằng nào cũng mua ở chỗ khác thì mua cho bà. Tôi từ chối vì biết nếu tiếp tục mua, bà sẽ có một phần thu nhập, lại càng khó thoát khỏi vòng xoáy ấy. Ông bà hơn 70 tuổi, sẵn sàng đi máy bay lên Tokyo tham gia hội nghị. Lúc lên mang cả đồ mỹ phẩm, kem đánh răng, tài liệu của hội giải thích cho tôi.

Tôi nhận ra đây chính xác là đa cấp vì đã nhiều lần được mời bán hàng cho các hãng tương tự rồi. Bà nói đã ghi tên vợ chồng tôi vào hệ thống, chỉ cần cho số tài khoản bưu điện là có tiền vào tài khoản liền.

Điều này làm tôi sững sờ nhất. Việc sử dụng thông tin cá nhân người khác như vậy ở Nhật là vi phạm pháp luật. Vậy mà ông bà làm như vậy. Nhưng tôi không nói chuyện đó. Tôi từ chối với lý do công ty của hai vợ chồng không cho làm thêm nên không nhận được. Có lẽ vì vậy tôi và ông xã được xóa tên khỏi hệ thống.

Lúc này tôi in ra những thông tin trên mạng về công ty đó, giải thích chi tiết nhiều lần cho bà về hệ thống kinh doanh đa cấp. Nhưng tất cả là vô ích. Bà và ông tìm đủ mọi lý do để thuyết phục tôi rằng rất nhiều người giỏi trong hệ thống đã thành công. Giờ bà đã hơn 70 tuổi, không thể làm việc gì khác được nữa, dù việc này có sai thì bà cũng phải làm để có tiền cho các anh trả nợ.

Tới thời điểm này, tôi thấy bà bị quay vòng hết chỗ này đến chỗ kia, mất tiền, mất bạn, mất người thân. Tôi cũng ở xa bà tới cả ngàn cây số nên cũng không thường xuyên nói chuyện nữa. Năm 2019, tôi mời ông bà đi du lịch cùng gia đình tôi, vừa để bà tránh xa những chỗ đấy một thời gian vừa để hỏi chuyện kỹ hơn về mấy hội đó.

Trước đây, khi bà vào bất cứ hội đa cấp nào, tôi tìm thông tin đánh giá hội đó trên mạng, in ra gửi cho bà. Vẽ cho bà sơ đồ đa cấp, ngồi cả ngày chỉ để khuyên nhủ bà đừng làm nữa. Nhưng mọi điều vô ích. Việc chỉ trích một người đang làm sai chỉ giúp người ta kiếm lý do để chứng minh mình đúng và càng tin vào điều đó hơn.

Đã vào hội rồi, người ta sẽ được tiếp xúc nhiều lần với những hình ảnh thật bóng bẩy, những người thành công hết mức. Giống như ai đó nếu muốn trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi thì sẽ đi nói chuyện với cầu thủ hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp chứ không phải bà hàng xóm. Có nói gì đi chăng, tôi cũng chỉ là người ngoài phê phán.

Có chuyện có con vích mắc cạn. Nếu người ta muốn giúp con vích về với biển thì phải kéo ngược nó lên bờ. Vì con vích bị kéo lên bờ sẽ tin là người ta đang hại mình và đi theo hướng ngược lại và về biển.

Tôi đón ông bà lên Tokyo với để tách khỏi mấy chỗ đó, đưa ông bà đi du lịch, tới núi Phú Sĩ và cùng nhau ngắm ngọn núi vĩ đại nhất đất nước. Cùng nhau đi tắm nước nóng, ăn những món ăn ngon và nói chuyện thâu đêm. Đi du lịch về tâm trạng được giải phóng mình mới đề nghị ông bà mở một cửa hàng nhỏ nhỏ trước nhà.

Tôi thấy ông bà đi ở nhờ nhà người ta tầng hai, tầng một là cái nhà hàng cũ bỏ không, mà nhà lại ở ngay trước cửa ga tàu điện, mở cửa hàng ra thì cũng bán được ít nhiều. Ban đầu bà còn ngại nói là mình đã ở nhờ nhà người ta rồi, còn xin thêm cửa hàng tầng một thì phiền quá. Tôi thuyết phục vài lần thì bà mở lời với chủ nhà và người đó đồng ý ngay. Bà mời mua hàng hay vào hội thì họ nhất quyết từ chối, nhưng nhờ cả một căn nhà thì họ lại đồng ý ngay lập tức.

Rồi tôi với bà lên kế hoạch bán gì, bố trí cửa hàng ra sao, đặt tên tiệm, giá cả như thế nào...Tiết kiệm hết mức nên không có giá để hàng gì cả, bàn ăn của tiệm thì trải khăn lên rồi xếp đồ lên thôi.

Đầu tiên là tôi về Việt Nam, mua những đồ thủ công mỹ nghệ sang trọng. Tôi tìm mua trên mạng, tìm những mối xa ở nơi sản xuất, đi chợ Đồng Xuân, hàng Chiếu... tìm mua những chỗ bán rẻ và mang sang cho bà mở hàng. Một nửa để bán đồ Việt Nam, một nửa để bán đồ cũ và đồ handmade.

Đồ cũ và handmade là đồ ký gửi, ai đến ký gửi thì bà lấy 10-20% tùy món. Bà đặt tên tiệm là Deai, có nghĩa là sự gặp gỡ. Bà nói cửa hàng này là gặp gỡ duyên số của tôi và bà mới có. Bà lớn tuổi nên một tuần chỉ bán hai buổi, một buổi được 5000-10000 Yên (Khoảng 1-2 triệu VND).

Một tháng tám buổi bán được 8-16 triệu. Cũng hết thời gian sáu năm quản thúc từ tòa án nên tiền bán hàng được giữ lại. Từ lúc mở được cửa hàng, bà rất vui, gọi điện và nhắn tin gửi hình cho tôi rất hồ hởi.

Đợt dịch này bà nói khẩu trang tự may bán được nhiều, cứ bày ra là hết, bà may hết cả vải khẩu trang luôn.

Trước đây, khi liên lạc, bà thường nói đến hội này hội kia thì bây giờ không còn nữa. Bà hay nói về cửa hàng và vui vẻ hơn nhiều. Tôi không hỏi đến nữa, nhưng qua các anh tôi biết ông bà không còn đi tham gia đa cấp.

Tôi nghĩ rằng khi người thân của mình bị mê muội bởi đa cấp xấu, những việc chúng ta có thể làm rất ít. Tôi cũng đã thử rất nhiều phương pháp nhưng không hề có tác dụng. Tôi xin phép tóm tắt lại những cách mà tôi đã dùng để mẹ tôi từ bỏ đa cấp:

1. Không chỉ trích, phê phán.

Hoàn toàn vô dụng, thậm chí là tác dụng ngược lại luôn. Người tham gia đa cấp có động cơ rất mạnh là giấc mơ của họ. Người ngoài nói họ chỉ cho rằng người đó không hiểu, thậm chí thấy tội nghiệp lại mình vì mình bỏ lỡ cơ hội.

2. Không giải thích, không phân tích

Mọi giải thích phân tích về hệ thống, hình thức kinh doanh, những cảnh báo trên mạng đều vô tác dụng. Những tài liệu hay những giải thích trong hội có tính thuyết phục hơn nhiều. Và sản phẩm của họ cũng có chất lượng nhất định. Thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm máy móc gì thì cũng có bao bì bắt mắt, chất lượng có kiểm định rõ ràng, hợp pháp.

3. Đứng về phía họ, lắng nghe càng nhiều càng tốt.

Nghe hết những chia sẻ của họ về giấc mơ, về tương lai họ vẽ ra, về hệ thống, về sản phẩm. Nghe nhiều nhưng đừng bình luận trái chiều cũng đừng cổ xúy quá mức là được. Đầu tiên phải đứng cùng nhau trước đã. Đừng bỏ rơi họ. Vẫn quan tâm như bình thường. Nhiều năm rồi, mỗi lần gặp, tôi vẫn gửi tiền tiêu vặt cho mẹ nuôi, lễ tết mình vẫn gửi quà. Chuyện đa cấp là chuyện ngoài lề. Mối duyên với ông bà là thứ tôi trân trọng nhất.

4. Tách họ ra khỏi ảnh hưởng của hội một thời gian, ngắn hay dài cũng được.

Trong thời gian này đem lại những kích thích khác để họ tạm quên đi hệ thống ấy. Như tôi đưa ông bà đi du lịch chẳng hạn. Có những kích thích trái chiều sẽ làm họ tạm quên đi. Kích thích trái chiều là kích thích về tự nhiên con người so với kích thích về đồng tiền tưởng tượng bên kia. Mình nghĩ thời gian cách xa này càng lâu càng tốt và kích thích trái chiều càng mạnh càng tốt.

5. Làm cho họ bận rộn với một chuyện khác hoặc đưa ra một giải pháp.

Đó là chuyện cuối cùng, mở cửa hàng bán đồ lặt vặt. Giao tiếp với khách hàng cũng làm bố mẹ nuôi thoải mái hơn. Lao động vận động cơ thể cũng giúp đầu óc được thông thoáng.

Trên đây chỉ là câu chuyện cá nhân của tôi. Chuyện đa cấp không phải chỉ ở Việt Nam mà ở Nhật cũng rất nhiều và rất tinh vi. Tôi chia sẻ chỉ để mọi người tham khảo nếu người thân của mình có lỡ bị mê muội vì đa cấp. Đừng bỏ rơi người đó, hãy kiên trì chiến đấu nếu người đó thật sự quan trọng đối với bạn.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Dàn shipper ‘siêu lạ’ của nhà hàng sushi Nhật Bản

Dàn shipper ‘siêu lạ’ của nhà hàng sushi Nhật Bản

Được đặt biệt danh “Delivery Macho” (lực sĩ giao hàng), khách hàng có thể ngắm nhìn và chụp ảnh thân hình lực lưỡng cùng cơ bụng 6 múi của các lực sĩ khi họ cởi bỏ áo khoác ngoài. Cả khách hàng và lực sĩ đều đảm bảo an toàn giãn cách xã hội khi đứng cách xa nhau và đeo khẩu trang phòng bệnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất