Về hình thức kỹ sư Nhật: So sánh quyền lợi lao động giữa cty XKLĐ và các cty tuyển dụng

Kỹ sư Nhật Bản luôn là một trong những ngành hot thu hút rất nhiều nhân lực, trong số đó có Việt Nam. Ắt hẳn sẽ không ít người sẽ tò mò về quyền lợi lao động giữa công ty xuất khẩu lao động với các công ty tuyển dụng lao động có sự khác biệt như thế nào. Hãy cùng tìm hiểu nhé.

20:30 30/04/2018

Mới đây, trên cộng đồng Việt Nhật, bạn Khanh Lê đã có một bài viết rất dài chia sẻ về chủ đề này. Cụ thể:

 [Bài hơi lắm chữ nhưng mong ai quan tâm sẽ đọc hết]

Chào mọi người. Một năm chinh chiến, tìm hiểu về việc đi Nhật. Không dám nói là hiểu tường tận, nắm rõ hết, nhưng cũng đã tìm hiểu, trao đổi cùng bạn bè, người cả quen lẫn không quen, và bản thân cũng đã trải qua, mình hi vọng với vốn hiểu biết ít ỏi của mình, có thể giúp các bạn đang muốn đi Nhật, đang loay hoay chọn công ty, chọn đơn hàng có thêm những thông tin tham khảo hữu ích.

Mình xin được nêu ý kiến của mình về hình thức đi kỹ sư. Và cụ thể là mình xin nêu ra so sánh giữa hai kiểu công ty mà mình đã từng trải nghiệm:

– Các công ty xuất khẩu lao động: đặc điểm chung là đơn hàng dồn dập, không yêu cầu tiếng hoặc tiếng chỉ N5 cho tới lúc xuất cảnh, mất phí tính theo đơn vị ngàn đô. Sau đây, mình xin gọi tắt là “công ty môi giới”.

– Các đơn vị, tổ chức, công ty tuyển dụng: đặc điểm chung là không mất chi phí xuất cảnh, yêu cầu tiếng tối thiểu N4, hoặc với những bạn chưa biết tiếng thì có thể được đào tạo tiếng trước khi tham gia phỏng vấn. Sau đây, mình xin gọi tắt là “công ty tuyển dụng”.

Sau đây là một số so sánh mà mình đưa ra sau khi trải nghiệm với cả hai loại công ty này:

*Lưu ý: Mình chỉ so sánh phần đông, chứ không mang tính quy chụp tất cả các công ty nhé ạ.

– Về chi phí:

+ Công ty môi giới: số tiền tính theo đơn vị USD, dao động từ khoảng 3,000-11,000 USD.

+ Công ty tuyển dụng: không mất chi phí. Hoặc cùng lắm họ yêu cầu bạn tự chuẩn bị hồ sơ dịch thuật thì chi phí cũng chỉ mất không đến 500,000VND; và tự đi xin visa sau khi có COE hết khoảng 600,000VND.

– Về trình độ của người tư vấn:

+ Công ty môi giới: có khi chẳng biết tiếng Nhật (cái này cũng ko quan trọng lắm); có khi chẳng biết gì về ngành nghề tuyển; thường nói nghe rất ngọt, tư vấn rất nhiều viễn cảnh tươi đẹp về tương lai khi sang nhật; trình độ soạn thảo văn bản thường rất kém (thông tin đơn hàng là bản word trình bày mèo mửa, sai chính tả nhiều, thiếu chuyên nghiệp,…)

+ Công ty tuyển dụng: hầu hết đều biết tiếng Nhật, tư vấn tuyển dụng thường có những hiểu biết nhất định về ngành nghề tuyển; khi tư vấn thì tập trung nhiều hơn về yêu cầu của công ty với ứng viên, ứng viên cần chuẩn bị những kĩ năng gì,… Làm việc qua email, điện thoại khá chuyên nghiệp.

– Yêu cầu về bằng cấp với ứng viên:

+ Công ty môi giới: chỉ cần chung chung là tốt nghiệp cao đẳng chính quy, đại học đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, có những nơi siêu phàm thì nhận cả tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng nghề.

+ Công ty tuyển dụng: thường yêu cầu tốt nghiệp đại học, có nơi chấp nhận cao đẳng chính quy (tuy nhiên, có thể yêu cầu thêm cả kinh nghiệm làm việc). Yêu cầu khá rõ ràng về chuyên ngành học, bảng điểm và kinh nghiệm làm việc (trừ trường hợp tuyển sinh viên mới ra trường.)

– Yêu cầu về ngoại ngữ:

+ Công ty môi giới: không cần tiếng hoặc chỉ cần N5. Trước khi phỏng vấn thì chỉ cần học thuộc bài giới thiệu có sẵn. Lúc phỏng vấn đứng lên đọc to như một con vẹt, không có ngữ điệu gì. Đỗ phỏng vấn thì bắt đầu học tiếng.

+ Công ty tuyển dụng: cho tới lúc phỏng vấn thì phải có khả năng tự giới thiệu bản thân, trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng (tất nhiên bạn có sự trợ giúp rất đắc lực là phiên dịch viên). Thường yêu cầu tối thiểu là N4 hoặc cao hơn.

– Về việc được cung cấp thông tin công ty ứng tuyển:

+ Công ty môi giới: thường họ chỉ cung cấp cho bạn những thông tin về đơn hàng vỏn vẹn chỉ nằm trong một trang giấy A4. Về công ty, thường là chẳng có gì ngoài tên và địa chỉ.

+ Công ty tuyển dụng: trước khi phỏng vấn, bạn được cung cấp hồ sơ về công ty, hoặc website và được yêu cầu tìm hiểu về công ty trước buổi phỏng vấn. Qua hồ sơ hoặc website, bạn hầu như nắm rõ được hết các thông tin như địa chỉ, lịch sử hình thành, vốn điều lệ, số nhân viên, ngành nghề, các sản phẩm,…

– Về việc bảo lãnh gia đình

+ Công ty môi giới: thường tư vấn là sau 3-6 tháng là có thể bảo lãnh vợ con và không nói gì thêm.

+ Công ty tuyển dụng: giới thiệu cho bạn các thông tin theo pháp luật, tuy nhiên họ thường khuyên bạn bảo lãnh vợ con sau 1-2 năm làm việc khi bạn đã quen với công việc, ổn định được cuộc sống.

– Về việc chuyển việc:

+ Công ty môi giới: thường tư vấn là sau 1 năm làm việc có thể chuyển việc nếu cảm thấy không phù hợp, xin được công ty khác tốt hơn.

+ Công ty tuyển dụng: khuyên bạn gắn bó với công ty tối thiểu 3-5 năm vì có thể sau khoảng thời gian đó, bạn mới thật sự vào guồng công việc.

– Về việc giữ bằng, bảng điểm, giấy tờ gốc:

+ Công ty môi giới: thường là yêu cầu nộp giấy tờ gốc. Ít thì là sẽ trả sau khi phỏng vấn đơn hàng, hoặc vài ngày, vài tháng để làm hồ sơ, lâu thì vài năm.

+ Công ty tuyển dụng: không hề yêu cầu bạn nộp giấy tờ gốc.

– Về việc đặt cọc trước khi phỏng vấn:

+ Công ty môi giới: thường yêu cầu đặt cọc khoảng 10,000,000VND hoặc nhiều hơn trước khi phỏng vấn.

+ Công ty tuyển dụng: không phải đặt cọc bất cứ khoản tiền gì.

– Về việc đào tạo sau khi đỗ phỏng vấn:

+ Công ty môi giới: thường yêu cầu bạn chuyển đến ở tập trung (vì thế bạn thường phải xin nghỉ việc nếu đang đi làm). Tại đó bạn bị kiểm soát như kiểu “gà công nghiệp” về thời gian, tác phong, phải mặc đồng phục. Học tiếng Nhật thì thường chỉ dạy bạn maximum đến bài 25 giáo trình Minna.

+ Công ty tuyển dụng: thường đào tạo cho các bạn về khả năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp, văn hóa Nhật Bản. Các bạn được nhắc nhở hướng dẫn về những việc như: được thầy cô gửi nội dung bài học trước giờ học, bạn phải trả lời email của thầy cô, chuẩn bị trước khi đến lớp, làm bài tập được giao; vào các dịp quan trọng như năm mới, lễ tết thì bạn viết email chúc mừng tới thầy cô, công ty tuyển dụng, công ty tiếp nhận ra sao… Các lớp học thường chỉ vào buổi tối nên bạn vẫn có thể tiếp tục đi làm.

– Về việc giao tiếp, giữ liên lạc với công ty ứng tuyển:

+ Công ty môi giới: có lẽ ngoài buổi phỏng vấn (qua skype hoặc trực tiếp) thì chẳng bao giờ gặp lại họ, cho đến khi hoàn thành việc xuất cảnh để sang Nhật làm việc. Cũng chẳng có ai cung cấp cho bạn phương thức liên lạc với họ khi cần.

+ Công ty tuyển dụng: sau khi trúng tuyển, đại diện công ty sẽ tới thăm gia đình bạn để hỏi thăm, trao đổi. Có những công ty sẽ có chút quà nho nhỏ tặng bạn hôm phỏng vấn. Trước khi bạn xuất cảnh, họ liên lạc với bạn để dặn dò xem bạn cần chuẩn bị thế nào, họ chuẩn bị những gì để chào đón bạn,…

– Về thời gian từ khi đỗ phỏng vấn đến khi xuất cảnh; quá trình xin COE

+ Công ty môi giới: thường được hứa hẹn là xuất cảnh 3-6 tháng sau khi phỏng vấn. Nhưng thời gian thực thường là lâu hơn. Có rất nhiều trường hợp phải đợi đến cả năm trời nhưng không hề thấy tăm hơi COE. Nguyên nhân có thể là do công ty bên Nhật hủy đơn, đơn ảo không có thực nhưng môi giới nói lùng quanh, trượt COE nhưng môi giới giấu,…

+ Công ty tuyển dụng: thường chỉ 4-6 tháng là được xuất cảnh. khi có yêu cầu bổ sung giấy tờ hay giải trình trong quá trình xin COE thì được báo và xử lí kịp thời. Nếu trượt COE cũng thông báo cho bạn rõ lí do và đưa ra hướng giải quyết.

– Về việc giữ liên lạc sau khi sang Nhật:

+ Công ty môi giới: thường là qua cầu rút ván luôn, nếu bạn có gặp phải vấn đề gì khi sang Nhật thì cũng rất ít khi được hỗ trợ.

+ Công ty tuyển dụng: thường là vẫn duy trì liên lạc sau khi sang Nhật. Có một số công ty hàng năm đều xin nhận xét của công ty tiếp nhận đối với ứng viên, cử người sang Nhật thăm ứng viên.

Hiện tại, mình thấy có rất nhiều các bạn sinh viên chuẩn bị, mới tốt nghiệp ĐH muốn đi Nhật diện kĩ sư. Mình thường tư vấn cho các bạn học tiếng trước rồi ứng tuyển các job kĩ sư không mất phí. Nhưng có thể thấy các bạn thường gặp phải những vấn đề như sau:

– Không biết đến các công ty, đơn vị tuyển dụng miễn phí.

->Thực tế là có rất nhiều và ngày càng nhiều hơn ạ. Các bạn hãy thử tìm các công ty như: VCI, Jpcareer, Vijalink, Willwork, các công ty headhunter Việt Nhật như Jellyfish, Ospv, JAC-recruitment, Reeracoen,… là các công ty chuyên tuyển dụng các vị trí tiếng Nhật tại Việt Nam nhưng thỉnh thoảng cũng có các job tại Nhật.

– Lo ngại về kinh nghiệm

-> Có rất nhiều vị trí dành cho sinh viên mới ra trường, không yêu cầu kinh nghiệm. Như JPcareer thì họ tuyển sinh từ khi bạn học năm cuối, đào tạo các bạn để đi phỏng vấn. Hoặc VCI cũng thường là các vị trí ko yêu cầu kinh nghiệm. Các công ty khác cũng có tuyển các vị trí ko cần kinh nghiệm, nếu có thì có thể mức lương của các bạn cao hơn.

– Lo ngại về việc học tiếng

-> Nếu các bạn quyết tâm và đặt được mục tiêu cho mình thì các bạn có thể chỉ mất 6 tháng – 1 năm để đạt đến trình độ tối thiểu đủ điều kiện phỏng vấn. Lộ trình thường là học tới N4/N3, kết hợp luyện tập giao tiếp tốt. Trước khi phỏng vấn, bạn có thể đăng kí tham gia các lớp học đào tạo kĩ năng phỏng vấn.

Theo mình biết, JPCareer và Vijalink là hai đơn vị có chương trình đào tạo tiếng Nhật cho các kĩ sư tương lai (rất tổt dành cho bạn nào chưa biết tiếng và muốn đi Nhật).

– Phỏng vấn chắc sẽ khó lắm nhỉ?

-> Theo mình thấy thì không khó lắm. Tiếng Nhật của bạn có thể chưa tốt lắm -> không sao, khi phỏng vấn bạn có phiên dịch viên, nếu ko thể trả lời bằng tiếng Nhật, bạn hoàn toàn có thể trả lời bằng tiếng Việt. Bạn chỉ cần thể hiện sự tự tin, và cho thấy mình phù hợp với công việc.

– Muốn đi Nhật nhanh nên thà mất tiền và đi các đơn hàng bao đỗ, cam kết bay nhanh vẫn hơn.

-> Các bạn cứ làm một bài tính toán xem việc bỏ thời gian theo các đơn hàng ở công ty môi giới, mang theo rất nhiều rủi ro về tiền bạc, thời gian cũng như tương lai, sự nghiệp của chính bạn. Sang đến nơi, tiếng không có thì lấy đâu ra công việc tốt, lấy đâu ra cơ hội thăng tiến, rồi thời gian để bạn đi làm trả nợ nữa. Tính sơ sơ thì hẳn các bạn cũng thấy rằng bên nào có lợi hơn.

– Không học trường ĐH top trên, chỉ học ĐH top dưới, dân lập thì có cơ hội không?

-> Có bạn nhé, chỉ cần chuyên ngành của bạn phù hợp, bạn chăm chỉ và có quyết tâm.

Trên đây là một số chia sẻ của mình dành cho các bạn có nguyện vọng đi kĩ sư ở Nhật. Mong phần nào giúp các bạn có được một sự tham khảo hữu ích.”

Tuy là một bài viết dài nhưng chia sẻ của Khanh Lê đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm cũng như tương tác, bình luận từ chiều từ phía cộng đồng:

Quả thật đây là một bài viết vô cùng có ích và có tâm không chỉ dành cho các bạn đã sang Nhật mà còn đối với cả những bạn đang có ý định đi theo ngành này. Hi vọng sẽ ngày càng có nhiều bài viết có tâm như vậy xuất hiện trên cộng đồng Việt Nhật.

Nguồn: Tinnuocnhat.com

Tags:
SỐC:Bị cty XKLĐ lừa đến mức cùng quẫn, cô gái Việt quyết sống mái với tên lừa đảo

SỐC:Bị cty XKLĐ lừa đến mức cùng quẫn, cô gái Việt quyết sống mái với tên lừa đảo

Chỉ vì một phút lầm lỡ tin tưởng mà cô gái cùng nhiều người khác đã phải nếm trải đắng cay. Không cam chịu đầu hàng, cô gái đã quyết bóc phốt tên lừa đảo tới cùng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất