Vì sao nhiều lao động Việt Nam chết bất ngờ và bí ẩn tại Nhật Bản?
Thực tập sinh Việt Nam đến Nhật học tập và làm việc ngày càng đông, thế nhưng ngày càng có nhiều vụ chết người hoặc tự sát không rõ nguyên nhân khiến giới truyền thông quan tâm điều tra.
13:00 01/10/2019
Hiện nay, có hơn 320.000 thực tập sinh kỹ thuật đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, 50% trong số đó là người Việt Nam. Những thanh niên trẻ tuổi này hy vọng có thể đổi đời và nâng cao trình độ khi được làm việc ở một đất nước phát triển như Nhật Bản.
Thế nhưng, ngày càng có nhiều thực tập sinh thiệt mạng liên quan đến tai nạn lao động, hoặc tự sát không rõ nguyên nhân. Điều này khiến dư luận và truyền thông nghi ngờ điều kiện làm việc hoặc môi trường sống có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của những thực tập sinh người Việt hay không.
Để tìm lời giải đáp cho vấn đề nghiêm trọng này, cuối tháng 8 vừa rồi phóng viên của kênh tin tức Asian Boss đã đến tìm hiểu tại chùa Nisshin Kutsu, nơi lưu giữ rất nhiều bài vị của những thực tập sinh Việt Nam xấu số đã qua đời khi làm việc tại Nhật Bản.
Ngôi chùa dành cho những vong linh xa xứ
Nisshin Kutsu ở Tokyo là một ngôi chùa thuộc Tịnh Độ Tông Nhật Bản có quan hệ mật thiết với Phật Giáo Việt Nam. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, đại sư trụ trì Yoshimizu của chùa Nisshin Kutsu đã đến Việt Nam, chứng kiến cảnh tang thương mà chiến tranh gây ra, đại sư đã cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của người Việt.
Trong cuộc đời tu hành của mình, đại sư Yoshimizu luôn nỗ lực thông qua niềm tin tôn giáo để đưa cộng đồng người Việt Nam và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn. Hiện nay, trong thời bình, tăng ni chùa Nisshin Kutsu vẫn thực hiện lý tưởng của đại sư Yoshimizu, quan tâm chăm sóc đời sống tâm linh của người Việt tại Nhật Bản.
Những bài vị của thực tập sinh người Việt tại chùa Nisshin Kutsu. (Ảnh: Reuters)
Sư cô Thích Tâm Trí đang thắp hương cho các thực tập sinh người Việt. (Ảnh: Reuters)
Đến thăm Nisshin Kutsu, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều bài vị của người Việt Nam được thờ cúng tại đây, đếm sơ qua có thể thấy có hơn 140 bài vị, chủ yếu là những thực tập sinh rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 20 - 23. Ngoài sân chùa còn có một bàn thờ hương khói nghi ngút với những bức tường gạch có khắc tên họ, ngày sinh, ngày mất của những người trẻ xấu số.
Chia sẻ với tờ Reuters, sư cô Thích Tâm Trí tu hành ở chùa Nisshin Kutsu cho biết:
Mỗi lần có ai đó liên lạc báo với tôi là có người Việt chết, tôi lại bàng hoàng: "Tại sao? Lại nữa ư?"
Hầu hết những người trẻ này đến từ vùng quê nghèo khó của Việt Nam, cha mẹ họ trải qua cuộc sống khó khăn. Họ chỉ muốn làm việc chăm chỉ ở Nhật Bản để thực hiện ước mơ nhưng lại qua đời một cách đột ngột như vậy.
Bàn thờ Nhật - Việt ở chùa Nisshin Kutsu. (Nguồn: Asian Boss)
Mới đây, trong một phóng sự được thực hiện vào cuối tháng 8 năm 2019, cô Yoshimizu Jiho, quản lý chùa Nisshin Kutsu tâm sự với phóng viên của kênh Youtube Asian Boss:
Những người này 21 hoặc 23 tuổi, họ đều còn rất trẻ. Những bạn trẻ Việt Nam này, thường mất ở Nhật một cách rất đột ngột và việc này vẫn luôn lặp lại. Vì quá xúc động nên tôi đã lên tiếng trên mạng xã hội. Tôi thấy đây có thể trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Khi được hỏi rằng công việc của những thực tập sinh Việt Nam có dễ dàng hay không, quản lý Yoshimizu Jiho nói:
Không, tôi không nghĩ việc đó dễ dàng chút nào, vì môi trường làm việc của họ rất khắc nghiệt nhưng vẫn phải học tiếng Nhật song song với việc đi làm. Hơn nữa, phần lớn họ đều phải vay nợ để sang đây. Hiện nay chi phí còn khoảng 7000 USD, nhưng cách đây 1, 2 năm thì phải thông qua môi giới trung gian ở địa phương nên con số này lên đến 12.000 - 15.000 USD.
Một tu nghiệp sinh thao tác trên máy cắt thép trong xưởng cơ khí ở Nhật.
Những thực tập sinh đến Nhật cho biết họ rất có hứng thú với nước Nhật, muốn học hỏi văn hóa và cách làm việc ở đây, tuy nhiên trải nghiệm thực tế lại khác xa kỳ vọng. Trả lời phỏng vấn của Asian Boss, 2 thực tập sinh người Việt chia sẻ rằng đa số nghiệp đoàn và công ty Nhật rất tệ, họ cũng từng bị đồng nghiệp người Nhật phân biệt đối xử:
Có những đồng nghiệp người Nhật sau khi hút thuốc xong, họ ném tàn thuốc vào mặt chúng tôi. Lúc đó, tôi đến đồn cảnh sát, báo rằng tôi rất sợ những người Nhật làm chung với chúng tôi. Thế nhưng khi cảnh sát gọi cho nghiệp đoàn của tôi, thì họ nói rằng "không cố ý làm như vậy, chỉ là đùa thôi", vì thế chúng tôi đành quay về và vấn đề hoàn toàn không được giải quyết. Lúc nào thực tập sinh cũng là người xấu, còn nghiệp đoàn luôn luôn đúng, các công ty cũng thế.
(Nguồn: Asian Boss)
Bị bóc lột sức lao động
Tiếp tục chia sẻ với Asian Boss, 2 thực tập sinh người Việt cho biết họ nhận được khoảng 7 USD mỗi giờ làm việc, phải làm từ 8 giờ 30 sáng, cho đến 12 giờ đêm. Tuy nhiên, trên giấy tờ chỉ ghi là từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều thôi.
Bạn nam tên Phi Long nói:
Có lúc chúng tôi làm hết 24 ngày một tháng, thế nhưng trên giấy tờ làm việc thì báo rằng chúng tôi chỉ làm có 17 ngày, đôi khi thì báo 11 ngày. Tiền lương hàng tháng của tôi khoảng 750 USD, trong đó khoảng 280$ trả phí sinh hoạt, phần còn lại tôi dành dụm gửi hết về Việt Nam. Vì tôi đã mượn khoảng nợ từ ngân hàng để trả lệ phí sang Nhật, nên mỗi tháng tôi phải trả 75 USD cho ngân hàng.
(Nguồn: Asian Boss)
Theo quản lý chùa Yoshimizu Jiho, nếu những thực tập sinh này trở về Việt Nam khi chưa trả hết nợ thì cuộc sống của họ coi như chấm dứt vì không thể tiếp tục trả nợ nữa, họ không còn cách nào ngoài việc trốn ra làm trái phép và tìm những công việc ở chợ đen Nhật Bản.
"Không được đối xử như con người"
Khi được phóng viên hỏi về cảm nghĩ lúc này của mình, thực tập sinh Việt Nam tên Phi Long trả lời:
Tôi thấy mình đáng nhẽ không nên đến Nhật ngay từ đầu. Khi người Nhật nói chuyện với chúng tôi, họ không đối xử với chúng tôi như con người, mà coi chúng tôi như động vật. Ví dụ, họ sẽ chửi chúng tôi bằng lời lẽ như: "Mày là đồ ngu.", "Mày là loại thiểu năng." Tôi đã nghe rất nhiều từ ngữ tục tĩu như vậy bằng tiếng Nhật. Chính vì thế, thứ duy nhất mà chúng tôi học được là: những từ chửi bậy.
(Nguồn: Asian Boss)
Người Nhật cũng không thể phủ nhận
Trên clip phỏng vấn du học sinh Việt Nam của kênh Asian Boss được đăng trên YouTube, một số người dùng Nhật Bản cũng xác nhận những bất cập được nêu ra trong clip là có thật.
Có những mặt tối của Nhật Bản mà truyền thông không hề muốn nhắc đến.
Văn hóa chào hỏi và tôn trọng của người Nhật rất tốt đẹp khi nhìn vào nhưng thật ra nó ẩn giấu những bí mật đen tối.
Với tư cách là một người Nhật, tôi cảm thấy thật xấu hổ khi rất nhiều công ty Nhật đã đối xử với họ như thế. Tôi cảm thấy tiếc cho những thanh niên này cũng như tất cả những người lao động từ các quốc gia khác.
Tôi là người Nhật và tôi có thể xác nhận rằng môi trường làm việc ở Nhật rất tệ. Có rất nhiều luật lệ bất thành văn vô lý ở nơi làm việc, khi tan ca bạn không thể ra về cho đến khi ông chủ của bạn ra về trước. Bạn có nghĩa vụ phải hầu hạ, chăm sóc ông chủ mỗi khi công ty có tiệc rượu.
Tại nơi làm việc cũ của tôi, khoảng 30% nhân viên bị trầm cảm nặng và họ thậm chí còn không đi làm nổi nữa. May mắn thay tôi đã nhận ra sự điên loạn này và đến New Zealand để sống một cuộc sống tốt hơn.
Bị vắt kiệt tinh thần và thể lực
Hồi tháng 10 năm ngoái, một phóng sự cũng đã được thực hiện về vấn nạn công ty Nhật bóc lột sức lao động đối với thực tập sinh nước ngoài. Bác sĩ người Nhật Junpei Yamamura đã cảnh báo về tình hình đáng lo ngại khi thực tập sinh Việt Nam chết bí ẩn như thế này.
Yamamura đích thân đến Việt Nam, gặp người thân của những thực tập sinh xấu số để tìm hiểu, ông gặp thân nhân của một thanh niên Việt Nam 20 tuổi qua đời vì đau tim khi làm việc ở tỉnh Miyagi vào năm 2017 và được biết rằng chàng trai đó đã phải trả hơn 10.000 USD cho những kẻ môi giới và nghiệp đoàn để được qua Nhật làm việc trong điều kiện tồi tệ.
Bác sĩ Yamamura Junpei
Theo nguồn tin từ Asahi News, bác sĩ Yamamura nói:
Rất không bình thường khi thanh niên ở độ tuổi 20 - 30 lại có thể qua đời đột ngột như vậy. Họ đang làm việc quá mức mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. Kết quả là, căng thẳng tinh thần và áp lực ăn mòn cơ thể của họ.
Một trường hợp khác, trong một lần trò chuyện với phóng viên Reuters hồi tháng 3 năm 2019, sư cô Thích Tâm Trí ở chùa Nisshin Kutsu cũng có nhắc đến vụ việc một phụ nữ tên Nguyễn Thị Trang làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, cô ấy qua đời hồi tháng 2 năm 2019 vì bệnh viêm màng não.
Chồng của chị Trang cho biết vợ anh đã không được chăm sóc y tế kịp lúc, dẫn đến cái chết của cô. Trong khi đó, sư cô Thích Tâm Trí cho biết chủ nhiệm hợp tác xã Toshimi Matsubayashi đã nói với Reuters rằng họ cho người lao động đến bệnh viện ngay khi cô ngã bệnh. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn không có gì được xác thực và sự việc "chìm xuồng".
Không ai bỏ hàng trăm triệu đồng đi tìm việc chỉ để trở thành kẻ trộm cắp
Khi nhắc đến thực tập sinh Việt Nam, người Nhật sẽ nghĩ ngay đến những kẻ vô kỷ luật chuyên trộm cắp vặt. Trong vòng vài năm tới, với chính sách VISA của Nhật, sẽ có hơn 345.000 thực tập sinh từ các nước đến để bổ sung cho lực lượng lao động của Nhật, người Việt Nam sẽ chiếm một phần lớn trong số đó.
Biển cảnh cáo trộm cắp được viết bằng tiếng Việt, dành cho người Việt ở Nhật Bản.
Hiện nay ở Nhật Bản, 50% các vụ trộm cắp vặt là do người Việt gây ra, thế nhưng, có phải tất cả những người Việt đó đều tham lam và vô kỷ luật, hay đã có biến cố gì đưa họ đến đường cùng? Thử hỏi, liệu có ai bỏ hàng trăm triệu đồng ra để có cơ hội việc làm, để rồi vứt bỏ tất cả mà biến kẻ đầu đường xó chợ hay không?
Rõ ràng đây là chuyện bất khả kháng, những thanh niên Việt Nam không đến Nhật chỉ đến bòn rút cái kẹo, gói bánh trong cửa hàng tiện lợi, họ vốn có động cơ và mục đích cao cả hơn nhiều. Tuy nhiên những bất cập, sự kỳ thị, bóc lột, áp lực tài chính đã đánh gục ý chí của họ, cuối cùng là giết chết họ.
Để xảy ra những hậu quả đáng tiếc, những cá nhân và đơn vị Việt Nam có vai trò trung gian môi giới cho thực tập sinh cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho thiệt hại nhân mạng không thể bù đắp này.
Nguồn bài: Tổng Hợp Asian Boss, Reuters, Asahi News và Japan Times
Những vật dụng “quái nhưng lợi hại vô biên” bên trong các túi dụng cụ khẩn cấp của người Nhật
Phần lớn người Nhật đều có Emergency bag (hijou bukuro/ 非常袋), gọi là túi dụng cụ lúc khẩn cấp trong nhà. Thậm chí có nhà có ít nhất 3 túi. Chiếc túi này được làm từ vật liệu chống lửa.